VĂN HÓA

'Tái ngộ' hơn 100 tác phẩm đặc sắc được trưng bày tại triển lãm 'Họa duyên tương ngộ'

Diễm Chi • 18-07-2023 • Lượt xem: 1462
'Tái ngộ' hơn 100 tác phẩm đặc sắc được trưng bày tại triển lãm 'Họa duyên tương ngộ'

Ngày 22/07 tới này, triển lãm "Họa duyên tương ngộ" sẽ diễn ra với hơn 100 tác phẩm được trưng bày. Sau hơn 71 năm, có thể nói, đây chính là triển lãm trong nước đầu tiên của họa sĩ Trần Phúc Duyên.

Xem thêm:

'FLORA Of Southeast Asia' - Triển lãm minh họa hệ thực vật đầu tiên tại Việt Nam

Cuộc hành trình đưa tác phẩm Trần Phúc Duyên tái ngộ quê hương

Đúng với tên gọi là "Họa duyên tương ngộ", cuộc triển lãm chính là cơ hội đưa những người yêu thích hội họa nói riêng và tất cả mọi người sinh sống tại Việt Nam nói chung được tái ngộ với những tác phẩm đậm đà bản sắc, mang đậm tình yêu quê hương dân tộc của họa sĩ Trần Phúc Duyên sau hơn 71 năm, kể từ lần triển lãm đầu tiên với hơn 30 tác phẩm tranh sơn mài vào tháng 01/1952 tại Sài Gòn.

Chia sẻ về cơ duyên của cuộc triển lãm, hai nhà sưu tập là ông Phạm Quốc Đạt và Lê Quang Vinh, chủ sở hữu di sản của cố họa sĩ Trần Phúc Duyên cho biết, đây chính là một cuộc gặp gỡ mà cả hai người tình cờ khám phá được. Sau khi sang Pháp và quyết định định cư tại Thuỵ Sỹ, họa sĩ Trần Phúc Duyên qua đời năm 1993, toàn bộ tài liệu và tất cả các tác phẩm của ông đều được lưu trữ tại một nhà kho ở Thuỵ Sĩ cũng dần chìm vào quên lãng. 

Hai nhà sưu tập Phạm Quốc Đạt và Lê Quang Vinh.

Năm 2018, trong một lần tình cờ khi đang làm nghiên cứu về Mỹ Thuật Đông Dương tại Pháp, ông vô tình đọc được một số ghi chép về một cuộc triển lãm trưng bày hơn 30 tác phẩm sơn mài của một họa sĩ Việt Nam. Dựa vào những thông tin ít ỏi này, họ đã tìm gặp ban tổ chức của cuộc triển lãm và phát hiện đây là triển lãm của họa sĩ Trần Phúc Duyên. Trao đổi về những tác phẩm, hai nhà sưu tập cũng được cho biết về một kho tranh khác chứa đựng gần 100 bức tranh của ông.

Tiếp xúc với những tác phẩm của cố họa sĩ, nhận thấy nỗi niềm thương nhớ quê hương, hai nhà sưu tập đã quyết định thương lượng cùng gia quyến của hoạ sĩ bên Pháp và Việt Nam, từ đó, mở ra một chuyến thăm quê hương sau bao năm xa cách cho những tác phẩm của ông.

Có thể nói, để đem những tác phẩm của cố họa sĩ trở lại quê hương, hai nhà sưu tập cũng gặp một số khó khăn. Do nằm trên gác xếp trong một khoảng thời gian dài, nhiều bức tranh không tránh khỏi tình trạng xuống cấp, trong quá trình di chuyển nhiều bức tranh bị trầy xước, co giãn do yếu tố nhiệt độ không được đảm bảo, song đa số bức tranh vẫn giữ được chất lượng tốt. Với sự cố gắng của mình, họ đã đem được những bức tranh về đến quê hương một cách trọn vẹn nhất.

"Họa duyên tương ngộ" nhận được sự chú ý từ phía giới mộ điệu trong nước.

Không gian trưng bày triển lãm gồm 2 tầng với tổng diện tích là 600m2, các tác phẩm được chia theo từng cụm với hơn 100 bức tranh bao gồm các chủ đề từ đơn giản đến phức tạp như: phong cảnh, đời sống, tĩnh vật, thủy mặc và thiền họa, tiểu cảnh, trừu tượng và phúc niệm.

Có cơ hội được đến đây, du khách sẽ có dịp tận mắt chiêm ngưỡng nhiều tác phẩm với nhiều chất liệu khác nhau như sơn mài, lụa, khắc gỗ và phác thảo. Có thể nói, những tác phẩm trong triển lãm ‘Họa duyên tương ngộ’ đều là lần đầu tiên được ra mắt công chúng trong nước.

Ông Ace Lê, gíam tuyển của cuộc triển lãm, chia sẻ về những tác phẩm của cố họa sĩ Trần Phúc Duyên, ông cho biết, đối với tác phẩm của cố họa sĩ, ông luôn luôn có sự biến hóa đa dạng, linh động từ những tạo hình sơn mài phức tạp đến ngôn ngữ thị giác tối giản về màu sắc và hình học.

Triển lãm ‘Hoạ duyên tương ngộ: Trần Phúc Duyên’ sẽ diễn ra từ ngày 22/07/2023 đến ngày 06/08/2023 tại Bảo tàng Nghệ thuật Quang San. (189B/3 Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, Quận 2, TP Thủ Đức). 

Lần đầu tiên Bảo tàng Nghệ thuật Quang San đảm nhận vai trò đồng tổ chức và vận hành triển lãm từ khi chính thức mở cửa.

Cuộc hành trình nghệ thuật của họa sĩ Trần Phúc Duyên

Họa sinh Trần Phúc Duyên sinh năm 1923 trong một gia đình có kinh tế khá giả tại Hà Nội, sau khi tham gia học lớp dự bị tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1941, năm 1942, ông chính thức đỗ vào khoa Sơn mài.

Tự nhận mình là một “artiste laqueur” (Họa sĩ sơn mài), có thể nói, Trần Phúc Duyên chính là một trong những thế hệ sau cùng theo học tại trường Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, ông buộc phải tốt nghiệp sớm và không thể hoàn thành trọn vẹn khóa học 5 năm của mình. Sau đó, giai đoạn năm 1948-1954, ông làm việc và sinh sống tại Hà Nội. Đến cuối năm 1954, ông quyết định sang Pháp và vẫn giữ vững lập trường, theo đuổi con đường nghệ thuật của bản thân.

Cùng là học sĩ Đông Dương, lựa chọn châu Âu là điểm dừng chân chân (gồm: Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Thứ, Lê Thị Lựu, Phạm Thúc Chương, Võ Lăng, Trần Phúc Duyên, Phạm Tăng…), nhưng chỉ có duy nhất họa sĩ Trần Phúc Duyên lựa chọn chất liệu sơn mài để theo đuổi và thể hiện trong xuyết suốt các tác phẩm của mình. 

Họa sĩ Trần Phúc Duyên đứng cạnh tác phẩm "Phong cảnh Sài Sơn"

Là một trong những họa sĩ đầu tiên thử sức trong lĩnh vực kết hợp hội họa hàn lâm phương Tây và vẽ thủy mặc của phương Đông vào tranh sơn mài Việt Nam, có thể nói, trong dòng chảy nghệ thuật của cuộc đời mình, họa sĩ Trần Phúc Duyên luôn kiên trì, bền bỉ và cố gắng không ngừng nghĩ đến đem đến cho đời những tác phẩm tuyệt vời. 

Một số tác phẩm được trưng bày tại triển lãm "Họa duyên tương ngộ"

Tác phẩm "Vịnh Hạ Long".

Tác phẩm "Bóng nước".

Tác phẩm "Mùa gặt".