VĂN HÓA

Tại sao văn hóa Phật giáo Thái Lan có tính ứng dụng cao?

Cẩm Chi • 20-11-2023 • Lượt xem: 3298
Tại sao văn hóa Phật giáo Thái Lan có tính ứng dụng cao?

Với hơn 95% tổng dân số theo đạo Phật, hầu như mọi ý thức, hành động, phong tục, lối sống của người dân xứ xở chùa Vàng đều bắt nguồn từ văn hóa Phật Giáo. Sự thân thiện, lịch sự, sùng bái những lời dạy của Phật và tôn trọng lẫn nhau chính những lý do đó đã khiến cho du khách đến với Thái Lan luôn có cảm giác được chào đón.

Thái Lan là đất nước Phật giáo lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ xếp sau Srilanka. Mặc dù ngành giáo dục phổ cập Thái Lan chính thức ra đời từ triều đại vua Rama V (1868-1910), nhưng Phật giáo vẫn đóng một vai trò quan trọng trong môi trường kinh tế, văn hóa, xã hội. Vì vậy mà dù có khủng hoảng tài chính, thiên tai lũ lụt hay biểu tình đảng phái thì con người Thái Lan vẫn giữ được tư tưởng triết lý Phật giáo đó là “bỏ đao xuống thành Phật”.

Chùa là nhà, là trường học

Thái Lan có tất cả hơn 36.000 ngôi chùa, một con số được coi là rất lớn. Nhà chùa đóng vai trò giữ gìn nề nếp trong xã hội và duy trì nền văn hóa truyền thống của người Thái. Chùa là nơi những đứa trẻ đi học, nơi kết duyên cho những cặp vợ chồng sắp cưới và là nơi hỏa táng người mất. Mỗi đứa trẻ được cha mẹ dắt vào chùa từ lúc 3 tuổi để học đạo lý làm người, để học và tình yêu thương, vị tha và sự nhường nhịn.

Tại Thái, những người nam giới theo đạo Phật đều phải đi tu ít nhất một lần trong đời. Việc đi tu có 2 ý nghĩa lớn: tu tâm dưỡng tính và báo hiếu với đáng sinh thành. Thường nam giới đến tuổi trưởng thành từ 20 – 21 sẽ vào chùa tu. Họ có thể đi tu 1 tháng, 3 tháng hay một năm. Nếu ai đang đi làm mà hồi trẻ chưa đi tu thì được nghỉ phép để đi tu, sau đó quay lại làm việc tiếp. Chính vì việc đi tu là bắt buộc với đàn ông nên muốn lấy vợ thì họ phải trải qua khóa tu và báo hiếu cha mẹ. Người Thái đi tu là họ xuống tóc, mỗi ngày chỉ ăn 1 bữa bằng cách đi khất thực tại nhà dân. Người dân cho gì nhà sư ăn đó bất kể là đồ chay hay đồ mặn.

Thái Lan đã chú trọng đến lĩnh vực giáo dục đào tạo về Phật giáo từ nhiều thập niên trước. Hàng chục trường đào tạo Phật giáo quan trọng ở Bangkok, Chiang Mai, Nong Khai, Nakhon… với chương trình đào tạo dành cho cả học viên trong nước và quốc tế từ bậc cử nhân đến tiến sĩ, trong đó đại học 4 năm - một số trường đào tạo tới 7 năm , cao học 2 năm, tiến sĩ 3 năm… Giáo lý nhà Phật dạy về cách chọn nghề và thực hiện công việc chân chính, được áp dụng rộng rãi trong mọi tầng lớp xã hội, do vậy người dân biết tận dụng để duy trì một gia đình hạnh phúc, ổn định về kinh tế.

Khác với nhiều quốc gia trên thế giới, sinh nhật ở Thái Lan mọi người thường nhớ đến những công lao của cha mẹ. Họ sẽ xin nghỉ phép một ngày và ngày đó sẽ dành toàn bộ cho đấng sinh thành như đi chợ, nấu ăn, rửa bát, trò chuyện cùng với cha mẹ. Ngay cả đám cưới của người Thái cũng rất đơn giản, chỉ cần dăm ba mâm cỗ. Người ta quan niệm cốt lõi là hạnh phúc của hôn phối. Thanh niên nào muốn cưới vợ thì phải có “Tiêu chuẩn Chùa”, tức là muốn xây dựng gia đình thì thanh niên đó phải hoàn tất tu tập, thời gian tùy điều kiện và khả năng.

Ý thức cao, ôn hòa và thân thiện

Điều dễ nhận thấy trong đặc trưng của văn hóa Thái Lan truyền thống đó là cử chỉ chào Wai, một cử chỉ chắp tay như đang cầu nguyện, cùng với một nụ cười ấm áp. Wai có nhiều ý nghĩa: là lời chào khi gặp nhau, lời cảm ơn để bày tỏ lòng biết ơn với người khác và còn là hành động xin lỗi chân thành nhất khi ta mắc lỗi với ai đó. “Wai” là để tay trước ngực và cúi đầu hướng về người đối diện, hành động này khá giống với cử chỉ cúi đầu gập người của người Nhật Bản. 

Ý thức của người Thái Lan khá cao. Ở Bangkok, vấn đề kẹt xe, tắc đường xảy ra hàng giờ thế nhưng người tham gia giao thông vẫn giữ thái độ bình tĩnh điềm đạm. Thật hiếm khi bạn nghe thấy tiếng còi xe ô-tô, xe máy vì họ biết nhường nhịn. Nếu bạn bắt gặp một vụ va chạm giao thông trên đường phố thì bạn sẽ cảm thấy rất bất ngờ về cách giải quyết của họ: ai có lỗi sẽ xin lỗi đối phương và hỏi chủ xe có bảo hiểm hay không? Nếu có bảo hiểm họ bắt tay chào nhau ra về. Nếu không có bảo hiểm, thì họ sẽ đem xe đi sửa. Tuyệt nhiên sẽ không chửi bới hay gây gổ để đổ lỗi và cũng không có tình trạng người dân xúm lại xem, đó là nét đẹp về tính nhẫn nhịn trong văn hóa Phật giáo của người Thái. Hay bạn có thể đang lưu thông trên một con đường vắng tanh, nhưng cứ thấy đèn đỏ, cả dòng xe máy, ô tô – dù chỉ là rẽ phải – tất cả đều tự giác dừng lại tại ngã tư chờ đợi khá lâu, và chỉ đi khi đèn xanh bật lên.

Đa phần người dân và công chức Thái Lan không có thói quen nhậu sau giờ làm việc. Họ thường uống vào cuối tuần hoặc vào các dịp lễ hội. Có rất nhiều người Thái rất kiêng cữ uống bia rượu vì đây là 1 trong 5 điều cấm kỵ của Phật tử. Và đối với họ, việc lựa chọn uống hay không uống là sở thích và vì phép lịch sự sẽ không ai chê bai hoặc dè bỉu sở thích của người khác.

Triết lý đạo Phật đã hàn gắn những rạn nứt trong xã hội. Trước tình thế hỗn loạn của một đất nước có nhiều đảng phái, người dân Thái Lan vẫn ôn hòa, bình đẳng. Trong một cuộc biểu tình lớn của phe áo vàng tại thủ đô Bangkok, cảnh sát vẫn đứng đó không đàn áp hay bắt bớ. Chủ khách sạn còn mang nước, bánh trái phục vụ người biểu tình và cảnh sát, sau đó họ chắp tay cúi chào và tiếp tục hô hào theo người cầm loa.