VĂN HÓA

Tân Triều – Đất mẹ của một loài quả nức danh tứ tuyệt

Lê Nguyệt Minh • 02-04-2022 • Lượt xem: 246
Tân Triều – Đất mẹ của một loài quả nức danh tứ tuyệt

Chuyện kể rằng vào năm 1869, nhà thờ Tân Triều được xây dựng, cha xứ đã mang về từ Brazil hai cây bưởi và trồng trước sân. Vì quả ra có vị ngọt, trái nhỏ vừa, xum xuê trĩu cành, nên người dân trong vùng chiết ra trồng ở trong vườn nhà họ. Từ đó, bưởi Tân Triều như hương thơm bay xa khắp tỉnh lỵ Đồng Nai và các vùng lân cận.

Xum xuê cù lao bưởi

Tân Triều – một vùng đất mà xưa được vua Nguyễn Ánh từng dừng chân và đặt tên với ý nghĩa triều đại mới. Ông đã cùng với các tùy tùng của mình tạo dựng một triều đình tạm thời trong lúc hành quân trên đường tránh quân Tây Sơn.

Cuối ấp cù lao Vĩnh Hiệp, xã Tân Bình, có một ngôi nhà thờ đặc biệt, vì là nơi đầu tiên ươm giống thành công loại quả ngon nổi tiếng: bưởi Tân Triều.


Một trong những vườn bưởi vài ba ngàn mét vuông ở xã Tân Bình - Địa danh của dòng bưởi ngon nổi tiếng

Ông Ngô Văn Thân, một người đã gắn bó với nghề trồng bưởi Tân Triều ở xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai tới hơn hai mươi năm. Nói về bưởi Tân Triều, ông là người am hiểu và rành rẽ rừng giống cây ươm trên dải đất nổi tiếng này. Nơi mà thổ nhưỡng, khí hậu đã bồi đắp nên một danh xưng về loại quả nức danh tứ tuyệt, đúng như câu thơ: Tân Triều tên gọi thân thương / Cù lao xứ bưởi vấn vương bạn bè.

Trong khu vườn của ông Thân, cũng như nhiều mảnh vườn khác ở vùng Tân Bình, nơi khai sinh ra giống bưởi thơm ngon ngọt ngào này, rộng tới ba ngàn mét vuông. Nơi đây, khắp mọi chỗ đều được phủ kín trong màu xanh ngợp của bưởi. Màu hoa bưởi thơm nao nức lẫn trong những chùm quả lúc lỉu là cảm giác khó quên đối với những ai từng đặt chân tới vùng đất Tân Triều.

Trong mảnh vườn rộng mênh mông ấy, ông Thân, bà Tám, cô Hồng, chị Thuận… tất cả họ đều quây quần bên nhau mỗi ngày, sau những phút giây cần mẫn ươm cây, vặt cỏ và chăm bón ở những mảnh vườn ngút mắt vì bưởi. Dễ mễn và hào sảng là cá tính đặc trưng của người sống trên vùng đất Tân Bình này. Nếu bạn muốn biết kỹ hơn về bưởi Tân Triều, những người dân như ông Thân hay cô Hồng… đều luôn sẵn sàng kể cho bạn nghe biết bao nhiêu chuyện vui, buồn quanh việc ươm trồng và cho ra đời một loại quả được dân gian đặt cho là nức danh tứ tuyệt. Đó là nhiều nhất, ngon nhất, quý nhất và danh tiếng nhất là bốn đặc tính được dân gian dành để định danh giá trị của dòng bưởi ở đây. Quả thật là không đối thủ.


Ông Ngô Văn Thân bên vườn bưởi mình chăm bón hàng ngày. Ông cũng là một người gắn bó với bưởi Tân Triều suốt đời mình

Bưởi đường lá cam mọng vỏ, nhỏ nhắn, ít hạt, múi đều tăm tắp, màu trắng ngà, ngọt đến lịm tim. Lại thêm bưởi lão, bởi nó mọc ra từ những cây bưởi nhỏ bé, tán thấp và đã được trồng tới cả chục năm, thậm chí vài chục năm. Bưởi lão chỉ nhỉnh hơn trái cam chút đỉnh và dễ bị nhầm lẫn là cam nếu ta nhìn thoáng qua. Cùi bưởi mỏng, trái bưởi mọng nước, đều vị, ăn là ghiền. Rồi bưởi da xanh, vỏ sần sùi, múi dày, đỏ hồng, từng tép bưởi tách ra, cho vào miệng thưởng thức, luôn dậy lên vị ngọt đậm, sắc, ăn một múi lại muốn ăn thêm múi thứ hai, mua một trái lại muốn mua luôn một chục. Hẳn nhiên rất ít khi đụng phải những trái bưởi có vị chua hay xơ cứng. Sở dĩ bưởi ở đây ngon và giữ được hương vị bền bỉ là do được trồng trên vùng đất cù lao sát bên sông, được đón nhận phù sa màu mỡ của đất Đồng Nai. Những vườn bưởi nổi tiếng như Bưởi Tư Trung, bưởi Năm Huệ, hay vườn nhà ông Ngô Văn Thân… đã trở thành mối bưởi tin cậy của nhiều người mua kẻ bán.

Hiện toàn xã Tân Triều với hơn 300 hộ dân trồng bưởi, diện tích 395 ha, và bưởi đường lá cam chiếm tới 70% trong tỷ lệ trồng. Còn lại là trồng bưởi da xanh.

Khách đường xa mua bưởi Tân Triều, mang đi làm, để ngay dưới chân, chỗ ngồi làm việc, tính biếu sếp hay đồng nghiệp mỗi khi Tết đến Xuân về, hẳn sẽ ấn tượng bởi mùi thơm tự nhiên từ vỏ bưởi, đôi lúc lại thảng lên tận chỗ ngồi. Một thứ dư âm mà không phải một dòng bưởi nào cũng sánh được. Nhưng để có được vị ấy, hương ấy và sắc vóc ấy, phải là bưởi được trồng và ươm ngay trên chính mảnh đất Tân Bình, mới gọi là chính danh.

Vì đã thành thân quen với vùng đất Tân Triều nên mỗi khi bạn bè tôi ở Sài Gòn hay ngoài Bắc vào chơi, hầu như tôi đều dẫn họ tới Tân Triều để thưởng thức vị ngon đặc biệt của giống bưởi ấy.

Quý và hiếm một loại quả độc đáo

Trong câu chuyện về loại quả này, tôi được ông Chín kể cho nghe tại đây có một loại quả quý hiểm trên đời: bưởi ổi. Hiện nay toàn vùng Tân Triều thì nhà của ông là duy nhất còn trồng giữ hai cây bưởi ổi hiếm hoi.

Có phải cái gì quý và hiếm thường sẽ mất đi hoặc khó tìm? Bưởi ổi đúng là như thế.

Ở Tân Triều, có một đặc điểm dễ nhận thấy là nhà nào cũng trồng bưởi. Bưởi nơi đây định danh cho tên tuổi của một vùng đất và từ lâu đã trở thành sản vật giao tiếp trong nhiều dịp thăm hỏi, lễ Tết. Nhưng cho dù ai đó có nhiều tiền, có mong muốn tìm mua cho gia đình mình, đặc biệt là cha mẹ già những trái bưởi ổi ngon nức lòng cũng là điều rất khó.


Múi đều, ít hạt, ngọt thơm là đặc tính của loại quả này ở Tân Triều

Một loại bưởi gần như đã thất truyền ở đây, nhưng nhắc tới cái tên bưởi ổi, dân sành ăn ở xứ này, hẳn lại sáng lên một niềm khát khao ẩm thực muốn có được vài trái chơi Tết.

Người ta gọi là bưởi ổi vì da giống ổi và thân cũng tựa trái ổi. Ở Tân Triều mới có bưởi ổi! Trái cỡ trái ổi loại to. Bưởi ổi hiếm hoi và đỏng đảnh, ngay cả khi đã dặn nhà vườn cả năm, và ngay cả khi có tiền nhiều cũng không dễ gì mua được dòng bưởi này vào dịp Tết.

Khắp vùng Tân Triều hiện nay chỉ còn khoảng 2 cây bưởi ổi. Vì nó khó trồng, ít trái. Mỗi năm bưởi ổi thường ra trái vào dịp tháng 7 hoặc tháng 8. Thời điểm này giá rẻ.

Nhưng tới dịp Tết, những ai sành ăn sành chơi, hẳn nhiên sẽ dặn trước nhà vườn để có thể mua được loại bưởi này chơi Tết. Với họ, đâu cần thế gian hiểu được sự lạ lùng, độc đáo, bí ẩn của loại trái cây này, mà chỉ cần đôi ba người sành chơi hiểu và tự họ cảm thấy sung sướng với việc có thể "chiếm hữu" loại quả đang dần biến mất giữa bạt ngàn xanh của một làng bưởi nổi tiếng.

Khắp vùng trồng bưởi xã Tân Bình và những xã lân cận nhiều bưởi là thế nhưng sự tồn tại của vài cây bưởi ổi lại trở nên hiếm hoi. Mùa Tết nhiều người chậm chân vẫn có thể không mua được những trái bưởi ổi này.

Người dân cho biết, Tết về một trái bưởi ổi bé bỏng có giá 150 ngàn đến 200 ngàn là chuyện bình thường.

Độc đáo của nó chính là để được tận 6 tháng, da vẫn xanh múi vẫn đượm và người già ăn loại trái cây này, hương vị nó quyến rũ họ tới mức, có thể xen vào bất kể câu chuyện cổ tích nào giữa đời thường. Vị ngọt dai, thanh, dễ tiêu, thơm lâu... và gì gì nữa chỉ có ăn mới biết được.

Một cây bưởi ổi bé nhỏ nên thơ sẽ mang về cho gia chủ khoảng vài chục triệu tiền bán trái. Một chút nôn nao, vì có thể mấy năm nữa hai cây bưởi ổi lâu năm ở Tân Triều chỉ còn là dĩ vãng. Nhưng đối với những người sành cây, yêu vườn như ông Thân, ông Năm Huệ… họ đã kịp thời nhân giống thành công một loài bưởi ổi với trái to hơn, như tín hiệu báo Xuân về trên vùng đất hồn hậu của miền Đông Nam Bộ.