ĐỜI SỐNG

Tập đoàn Marvell thành lập Trung tâm Thiết kế vi mạch tại Việt Nam

Thiện Thuật • 24-05-2023 • Lượt xem: 1036
Tập đoàn Marvell thành lập Trung tâm Thiết kế vi mạch tại Việt Nam

Vi mạch bán dẫn được xem là nền tảng của tính toán hiện đại, giữ vai trò quan trọng trong bối cảnh thế giới bước sang giai đoạn bùng nổ nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data),... Vì thế, tập đoàn Công nghệ Marvell đã thành lập trung tâm thiết kế vi mạch hàng đầu thế giới tại Việt Nam nhằm đẩy mạnh phát triển và nghiên cứu các công nghệ vi mạch tiên tiến nhất.

Tập đoàn Công nghệ Marvell

Được thành lập vào năm 1995 bởi Tiến sĩ Sehat Sutardja, Marvell Technology Group Ltd. có hoạt động trên toàn thế giới với khoảng 7.000 nhân viên. Công ty con hoạt động tại Hoa Kỳ của Marvell có trụ sở tại Santa Clara, California và Marvell có các trung tâm thiết kế Quốc tế đặt tại Hoa Kỳ, Châu Âu, Israel, Ấn Độ, Singapore và Trung Quốc.

Là công ty bán dẫn hàng đầu, Marvell xuất xưởng hơn một tỷ con chip mỗi năm. Chuyên môn của Marvell về kiến ​​trúc bộ vi xử lý và xử lý tín hiệu kỹ thuật số thúc đẩy nhiều nền tảng bao gồm các giải pháp lưu trữ khối lượng lớn, di động và không dây, kết nối mạng, người tiêu dùng và các sản phẩm thân thiện với môi trường. Kỹ thuật đẳng cấp thế giới và chuyên môn thiết kế tín hiệu hỗn hợp giúp Marvell cung cấp các khối xây dựng quan trọng cho khách hàng của mình, mang lại cho họ lợi thế cạnh tranh để thành công trong thị trường năng động ngày nay.

Tập đoàn đã sở hữu hơn 10.000 bằng sáng chế trên toàn thế giới.

Trung tâm thiết kế tại Việt Nam

Ngày 16/5, Công ty Marvell Technology, Inc. của Hoa Kỳ công bố thành lập trung tâm thiết kế vi mạch hàng đầu thế giới tại Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở nâng cấp Công ty Trách nhiệm hữu hạn công nghệ Marvell Việt Nam tại Khu Chế xuất Tân Thuận, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Lê Quang Đạm, Tổng Giám đốc Marvell Việt Nam cho biết, Marvell Technology có khoảng 20 trung tâm nghiên cứu phát triển đặt tại các khu vực trên thế giới.

Với việc nâng cấp trung tâm tại Việt Nam, Marvell Việt Nam trở thành một trong bốn trung tâm nghiên cứu phát triển mang tầm thế giới của tập đoàn Marvell đạt tiêu chuẩn thế giới, cùng với các trung tâm tại Mỹ, Ấn Độ và Israel.

Trung tâm sẽ là nơi tập trung phát triển và nghiên cứu các công nghệ vi mạch tiên tiến nhất. Đồng thời cũng là nơi để các kỹ sư công nghệ Việt Nam trau dồi kỹ năng chuyên môn, mở ra nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực vi mạch và bán dẫn. Marvell Việt Nam hiện nay có khoảng 300 nhân viên, trong đó 97% là kỹ sư.

Tiến sĩ Lợi Nguyễn, Phó Chủ tịch cao cấp phụ trách Bộ phận kết nối quang và đồng của Marvell toàn cầu cho biết việc thành lập trung tâm là một bước quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách nhân tài và thúc đẩy sự phát triển của ngành.

Ông cho biết Marvell cam kết nỗ lực thu hút nhân tài kỹ thuật xuất sắc về trung tâm để góp phần phát triển cơ hội việc làm, nghề nghiệp và hệ sinh thái vi mạch giá trị cao tại Việt Nam.

Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Susan Burns cho biết, cam kết của Marvell thể hiện nỗ lực đóng góp của các doanh nghiệp Hoa Kỳ vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam.

Các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã đầu tư hàng tỷ USD và góp phần nâng cao vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo việc làm chất lượng cao, nuôi dưỡng nhân tài và thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo.

Thách thức và cơ hội

Theo số liệu của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA), doanh số của lĩnh vực vi mạch bán dẫn toàn cầu hiện đạt khoảng 600 tỷ USD và dự báo sẽ tăng lên 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

Trong bối cảnh ngành công nghiệp bán dẫn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cạnh tranh toàn cầu, hầu hết các nước có tiềm lực công nghệ đều xây dựng chiến lược hỗ trợ, thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn, đồng thời tăng cường liên kết, hợp tác nhằm chi phối lĩnh vực này.

Ngành công nghiệp vi mạch Việt Nam hiện nay mới chỉ dừng ở công đoạn gia công, chưa có đội ngũ kỹ thuật ở mức tổng công trình sư, làm chủ sản phẩm hoàn chỉnh cũng là một thách thức rất lớn.

Việt Nam cũng đang có một số yếu tố thuận lợi để gia tăng vị thế trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, nhất là về vị trí địa lý cũng như quan hệ gần gũi với các cường quốc về bán dẫn như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản,...

Tuy nhiên, đang có làn sóng dịch chuyển đầu tư và hợp tác đào tạo kỹ sư thiết kế chíp sang Việt Nam từ một số tập đoàn lớn như Apple, Samsung, Synopsys,… Nhu cầu nguồn nhân lực kỹ sư thiết kế chip là rất lớn và cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn được dự báo sẽ phát triển mạnh trong mười năm tới.

Các chuyên gia nhận định, Việt Nam có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu khi xây dựng được chiến lược dài hạn với lộ trình phù hợp, chính sách và giải pháp đặc thù giúp phát huy mọi nguồn lực trong thu hút đầu tư, hợp tác, tham gia các công đoạn từ thấp đến cao từ quy trình đóng gói, kiểm tra, sản xuất,… với các nước sản xuất chip, có kế hoạch phát triển nhân lực vi mạch bán dẫn, xác định đây là yếu tố quyết định thành công của lĩnh vực này tại Việt Nam.