VĂN HÓA

Tập tục cô dâu về nhà chồng lúc nửa đêm

Hữu Vi • 20-08-2022 • Lượt xem: 825
Tập tục cô dâu về nhà chồng lúc nửa đêm

Đón dâu vào ban đêm là tập tục của cộng đồng người Thái ở Thanh Hóa, Nghệ An. Người Kinh xưa kia cũng đón dâu đêm.

Trong một chuyến đi về huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) trước đây, người viết bài này có nghe về tục rước dâu đêm của cộng đồng người Thái nơi đây. Trong một cuộc chuyện trò tại xã Bát Mọt, một ông lão tuổi ngoài lục tuần cho hay, người Thái nơi đây vẫn duy trì tục lệ được cho là có từ rất lâu đời. Các cô dâu thường về nhà chồng vào ban đêm, thậm chí là sau nửa đêm.

Đám cưới của cộng đồng người Thái ở Thường Xuân thường diễn ra trong hai ngày. Ngày đầu tiên bên nhà gái. Sau các thủ tục xin dâu, nhận dâu, đêm hôm đó người ta sẽ đón dâu về nhà chồng. Giờ đón dâu thường là từ nửa đêm về sáng. Đoàn rước dâu sẽ gõ chiêng dọc suốt trên đường. Tiếng chiêng vừa để báo tin cho cộng đồng, vừa xua đuổi ta ma lúc đêm hôm, để những ai lên rừng, đi nương rẫy lúc rạng sáng biết mà tránh đường.

Tục lệ này cũng có ở huyện Như Xuân. Ông Lương Văn Dương, Phó chủ tịch xã Thanh Quân, huyện Như Xuân chia sẻ: Người Thái ở địa bàn Thanh Quân và một số xã lân cận cũng còn duy trì tập tục này. Người ta thường chọ một giờ đẹp để đưa cô dâu về nhà chồng và làm lễ cúng gia tiên.

Không chỉ ở Thanh Hóa, người Thái ở các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp và Con Cuông (Nghệ An) cũng có tập tục đón dâu vào ban đêm.

Cũng như người Thái ở Thương Xuân, Như xuân (Thanh Hóa), người Thái ở Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Con Cuông đón dâu về và đêm hôm tổ chức lễ cưới ở nhà gái. Người ta đốt đuốc, gõ chiêng suốt trên đường đến nhà gái và khi trở về. Có trường hợp lấy vợ ở xa phải đưa về gửi ở nhà một người thân cận trong bản, đợi đến giờ lành. Đoàn đi đưa dâu của nhà gái cũng phải chờ đến giờ lành đó mới được về nhà trai.

Trước khi lên cầu thang nhà sàn, hoặc bước qua cửa vào trong (đối với nhà trệt), cô dâu được làm lễ rửa chân. Tại buồng cưới của đôi vợ chồng, đối với người Thái ở huyện Con Cuông, ông bà mối sẽ làm lễ cài tram cho cô dâu. Sau đó cặp vợ chồng sẽ có bữa cơm chung đầu tiên trong cuộc sống vợ chồng. Ở Quỳ Hợp, Quỳ Châu gọi là bữa cơm chung, ở Con Cuông gọi là mâm “tơ hồng”.

Theo một số tài liệu thì xưa kia, một số làng quê, người Kinh cũng có tập tục đón dâu vào ban đêm. Người ta chọn một giờ “hoàng đạo” và để đón dâu. Trưởng đoàn là một đàn ông có tuổi của họ trai vợ chồng phải song toàn, có đủ con gái, con trai, tính nết khoan hòa. Đón vợ về nhà rồi, người chồng sẽ trở lại nhà mẹ đẻ cô dâui lạy tạ trước gia tiên bên họ ngoại.