VĂN HÓA

Tết Huế

Lan Phương • 22-01-2023 • Lượt xem: 386
Tết Huế

Những cơn mưa lạnh lùng dai dẳng của mùa đông đã kết thúc, trời đất Huế ấm dần lên và rực rỡ hương sắc cỏ cây đang căng tràn nhựa sống như muốn loan báo một tin xuân khiến lòng người náo nức… Tết đã về với cố đô Huế.

Cuộc sống đầy hối hả và bận rộn hôm nay đã làm phôi pha rất nhiều truyền thống ngàn xưa nhưng Tết Huế vẫn gìn giữ được rất nhiều vẻ đẹp văn hóa của miền sông Hương núi Ngự, đem tới một không gian đa sắc màu và đầy đủ hương vị, khiến lòng người phải bồi hồi thương nhớ. Tết đến sớm nhất trong những khu chợ như Đông Ba, An Cựu, Bến Ngự, trong siêu thị, cửa hàng, nơi chẳng biết từ bao giờ hàng Tết xuất hiện tràn ngập khắp mọi nơi. Bánh phục linh, bánh in, bánh bột đậu xanh, bột bình tinh, bánh ngũ sắc, bánh su sê  xếp thành từng tháp lớn. Mứt gừng, mứt chanh, mứt cam, mứt me, mứt khế, mứt khoai… đầy ăm ắp từng khay. Gạo, bột, đường, rau trái cũng chất thành đống cao như núi. Các mặt hàng truyền thống như tranh tết làng Sình, hương trầm Thanh Thủy, hoa giấy Thanh Tiên xanh, đỏ, trắng, hồng… ùn ùn kéo về, làm sáng bừng cả không gian xứ Huế.

Và khi các chợ hoa xuân ở Phu Văn Lâu (trước Đại Nội), chợ An Cựu được mở, hoa tươi và chậu cảnh tràn ra hè phố, hoa trạng nguyên, đỗ quyên, hồng, cúc, mai, đào, lan, quất cùng hớn hở khoe sắc đua hương, cảnh bán mua tấp nập rộn ràng. Chỉ cần dạo loanh quanh trong những kiệt nhỏ, ngắm vài mảnh vườn Huế mơn mởn lộc non, hưởng chút hương ngọt ngào thơm cay của mẻ mứt gừng đang ngào mật, nghe tiếng sục sôi của nồi bánh Tết đang đun trên bếp củi đượm lửa cũng đủ để thấy Tết đã đến gần tới mức người ta như có thể chạm tay vào.

Bầu trời Huế những ngày cuối năm thường man mác sương giăng như ẩn chứa mỗi nỗi niềm u hoài nào đó nhưng cũng nhờ thế mà càng làm nổi bật không khí xuân hừng hực cùng với sự bùng nổ cả âm thanh lẫn sắc màu ngày Tết. Nếu có nhiều thời gian, đừng ngại ghé thăm vài ngôi làng nghề truyền thống Huế, ngắm nhìn no mắt hình ảnh rực rỡ của những chiếc xe chở hoa giấy Thanh Tiên như chở một đám mây hoa bồng bềnh trôi trên phố, của những bó chân hương đủ loại màu sắc như đang vẽ hoa dọc theo đường làng hương Thủy Xuân và thả lỏng tinh thần trong mùi trầm thanh khiết đang vấn vít giữa không gian.

Ngày 23 tháng Chạp, Đại Nội tổ chức lễ thượng nêu gần Thế miếu, phục dựng lại toàn bộ quang cảnh trồng cây nêu đón xuân mới của hoàng gia nhà Nguyễn. Cây nêu làm bằng một thân tre thẳng tắp, cao vượt mái điện đài rêu phong, thấy rất rõ đèn lồng vàng, kim ấn và dải lụa đỏ dài bay phất phơ trong gió khiến Tết bỗng trở nên sâu lắng, mơ màng hoài niệm nhưng cũng khắc thật sâu vào lòng người. Tối Giao thừa tập trung ở Kỳ Đài trước cửa Ngọ môn, đón giao thừa ngắm pháo hoa thắp sáng mái lầu Ngũ phụng. Trong khoảnh khắc giao cảm của đất trời, từng hồi chuông trông bát nhã từ chùa Thiên Mụ đến chùa Diệu Đế, Từ Đàm, Úc Lâm, Tường Vân, Từ Hiếu… gần 300 ngôi chùa trên khắp xứ Huế cùng đổ dồn, vang vọng chung niềm vui đón mừng năm mới, cùng tâm từ bi và ước vọng an lạc.

Mâm cỗ Tết là biểu tượng của sự sum vầy, tỏ rõ nền nếp gia phong cũng như sự khéo léo, đảm đang của người phụ nữ Huế. Dù được thưởng thức bao lần, bạn vẫn không ngớt trầm trồ kinh ngạc trước sự đa dạng, mộc mạc nhưng trang nhã đến tột cùng của ẩm thực xứ Huế. Chỉ ở miền đất đã từng là kinh đô của biết bao nhiêu bậc đế vương này mới tồn tại khái niệm ẩm thực “ẩm thực cung đình” với những cái tên mỹ miều cùng cách trình bày độc đáo đã nâng món ăn lên thành tuyệt phẩm nghệ thuật.

Thưởng thức một mâm cơm Tết xứ Huế, người ta phải dùng tất cả các giác quan của mình để thưởng thức. Ăn bằng mắt để thưởng thức cái đẹp về màu sắc về cách bài trí, tỉa cắt rau củ. Bằng mũi, để thưởng thức hương thơm. Bằng miệng, để thưởng thức hương vị. Bằng tai, để nghe những âm thanh vui tươi, đầm ấm bên mâm tiệc. Bằng tâm hồn, để thấm thía những giá trị văn hóa được lưu truyền mấy trăm năm. Hương vị của món ăn góp thêm vào trong Tết Huế một chất men khiến du khách đến thăm cố đô phải thấy mình say đắm. Tết Huế như lạ như quen, là sự đan kết kỳ diệu giữa những hiện đại và truyền thống, giữa rộn rã và trầm lắng, rộng mênh mông và sâu thăm thẳm trong tiềm thức của mỗi người. Đó là phong vị riêng của Tết nơi sông Hương, núi Ngự, thật nhẹ nhàng nhưng trọn đời khó quên.