VĂN HÓA

Tết ở Sydney, lại nhớ quê nhà

Bài: Nhà nghiên cứu, T.S Nguyễn Đức Hiệp • 02-01-2023 • Lượt xem: 380
Tết ở Sydney, lại nhớ quê nhà

 

Mỗi khi Tết sắp đến, tôi lại nghĩ đến quê nhà, nơi mà tôi sinh trưởng và sống những ngày tháng tuổi thơ đẹp nhất từ đầu thập niên 1960 cho đến giữa thập niên 1970 ở Sài Gòn. 

 

Thời gian ấy, mỗi độ xuân về và trong thời gian sắp Tết đến các ngày Tết, đối với trẻ con và thanh thiếu niên là những ngày háo hức và vui nhất năm. Gia đình nào dù nghèo hay giàu cũng đều sửa soạn đón Tết, ít nhất cũng đều dọn dẹp, trang hoàng hay sửa sang nhà cửa. Không khí Tết thật sự bắt đầu khi đến ngày 23 tháng Chạp, ngày theo truyền thống tiễn ông Táo về trời. Các số báo Xuân của nhiều tờ báo xuất bản và các chợ hoa, chợ Tết đông nhộn nhịp hơn. Thật là một thời gian đẹp nhất trong năm, vừa được đọc báo Xuân và trường học cũng bắt đầu cho học trò nghỉ Tết. Tôi còn nhớ, thầy Việt văn lớp đệ lục trường Chu Văn An ở Sài Gòn (lớp 7 bây giờ) cho lớp chúng tôi hai bài thơ về ngày Tết để cả lớp thưởng thức và bình luận về ý nghĩa của mùa xuân ngày cận Tết. Đây là hai bài thơ nổi tiếng mà tôi rất thích và nhớ mãi cho đến ngày nay: “Chợ Tết” của Đoàn Văn Cừ và “Ông đồ” của Vũ Đình Liên.

Chợ Tết

Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi,
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh,
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh,
Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết.
Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc;
Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon,
Vài cụ già chống gậy bước lom khom,


(Đoàn Văn Cừ, 1944)

Ngày Tết từ xưa cho đến các thập niên 1930 ở thế kỷ 20, nhiều nhà vẫn còn treo các câu đối đón xuân theo phong tục cổ truyền. Các câu đối bằng chữ nho (Hán) thường được thỉnh lấy về từ các nhà nho hay gọi là cụ đồ có nét bút đẹp và câu đối có ý nghĩa. Bắt đầu từ thập niên 1930 thì phong tục treo câu đối chữ nho không còn thịnh hành nữa, trước khi các nhà nho dần biến mất như nhà thơ Vũ Đình Liên đã mô tả trong bài thơ “Ông đồ” ông viết năm 1936.

Ông đồ

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài:
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay”

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu.

(Vũ Đình Liên, 1936)  

Ông đồ (Hà Nội) 1956 - Ảnh Võ An Ninh

Nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh sau này vào thập niên 1950 có chụp nhiều ảnh ở Hà Nội, trong đó có một ảnh ông đồ nho viết câu đối trên vỉa hè. Đây là hình ảnh hiếm về ông đồ trong thời điểm này. Như vậy vẫn còn hy vọng ông đồ ngày Tết không biến mất hoàn toàn.

Những kỷ niệm này về Tết mang trong tôi và ngày nay dù đã sống ở Úc đã bao nhiêu năm, nhưng ngày Tết thì không thể nào quên hương vị và thi vị của những hình ảnh và kỷ niệm của Tết ở quê nhà mà tôi đã trải nghiệm.

Ở Sydney, nơi người Việt sinh sống đông nhất và có các khu thương mại của người Việt. Những ngày cận Tết cũng có không khí chợ Tết. Các cửa tiệm có bán bánh chưng, các chậu hoa trung trong nhà ngày Tết, chậu cây tắc,… không khác chi ở quê nhà Việt Nam chỉ nhỏ hơn về mức độ mà thôi. Và có cả hội chợ Tết, do cộng đồng người Việt tổ chức, thường là vào ngày cuối tuần trước hoặc sau Tết do vào dịp Tết không phải là ngày nghỉ lễ chính thức ở Úc hay các nước Tây phương. Đây là dịp mà người Việt đến hưởng không khí Tết cho mọi người từ già đến trẻ. Đặc biệt ở Úc, nam bán cầu, mùa dịp Tết không phải từ đông sang xuân mà là mùa hè, các học sinh đang nghỉ. Trong hội chợ, hoa cúc, đào có dịp khoe hương sắc, các hàng quán ăn uống và vui chơi, một số người mặc trang phục truyền thống. Và có cả ông đồ viết câu đối Tết.

Cảnh chợ ở Bankstown, Sydney trước ngày Tết 2022 (ảnh tác giả chụp)

 

 Quang cảnh hội chợ Tết Bankstown 2021 (ảnh tác giả chụp)

Ông đồ viết câu đối Tết trong hội chợ Tết ở Bankstown, Sydney 2021 (ảnh tác giả chụp).

Viếng chợ Tết và hội chợ gợi lại cho người Việt ở nước ngoài được những giây phút thưởng thức đón Tết mà mọi người đều ít nhiều trải nghiệm về những ngày Tết ở quê hương. Trong bài thơ “Ông đồ”, tác giả Vũ Đình Liên, ngậm ngùi nghĩ đến  ông đồ khi ông đồ biến mất vì không còn khách vào thập niên 1930 do văn minh phương Tây mà người Pháp đã ảnh hưởng đến xã hội Việt Nam. 

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu...

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Gặp lại “ông đồ” ở hội chợ xuân Bankstown, Sydney, tôi không thể không bồi hồi và vui vì chính đây ông đồ trong y phục truyền thống là đại diện một phần nào của ý nghĩa ngày Tết của người Việt Nam trải dài trong lịch sử văn hóa dân tộc.

Đêm giao thừa, cũng như ở quê nhà, ở Sydney, một số đông người Việt đến chùa đón đêm giao thừa và cúng Phật và mang lộc về nhà. Ở một số chùa như Phước Huệ, Pháp Bảo, Phổ Minh, Huyền Quang ở các khu ngoại ô Wetherill Park, Edensor Park, Bankstown, vào đêm giao thừa, nhiều người đến cúng lễ đón Tết. Ở chùa Pháp Bảo, Huyền Quang, quang cảnh thật thanh tịnh, ít ồn ào và không khí đón giao thừa thật ý nghĩa. Một số phụ nữ và trẻ em mặc áo dài.

Cảnh chùa Pháp Bảo, Edensor Park (trái) và Phổ Minh, Bankstown (phải) vào đêm giao thừa (ảnh tác giả).

Ngày Tết mùng một, thường vào những ngày đa số mọi người vẫn đi làm, chỉ vào ngày cuối tuần thì viếng thăm người thân, gặp nhau ăn bánh chung, dưa hấu, thịt kho, dưa món,… Trẻ con thì được lì xì giống như ngày Tết ở quê nhà.

Ở nơi nào cũng vậy, nhất là ở nước ngoài, người Việt coi ngày tết là ngày quan trọng trong năm, nối kết với văn hóa Việt Nam và gia tộc họ hàng của mình. Một cái đẹp và nhân văn của văn hóa Việt Nam.