VĂN HÓA

Tết Thanh minh – văn hóa báo hiếu tổ tiên của người Việt

Cẩm Chi • 05-04-2023 • Lượt xem: 989
Tết Thanh minh – văn hóa báo hiếu tổ tiên của người Việt

Tết Thanh minh có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt. Đây là dịp con cháu bày tỏ tấm lòng hiếu thuận của mình qua những hành động khác nhau, đồng thời cũng là dịp người lớn giáo dục cho trẻ nhỏ ghi nhớ công ơn sinh thành và dưỡng dục của tổ tiên, cội nguồn.

Phong tục lâu đời

Tết Thanh minh là ngày đầu tiên của tiết Thanh minh, kéo dài khoảng 15-16 ngày (15/2 ÂL-1/3 ÂL). Tiết khí này được lập lịch theo quan niệm của các quốc gia phương Đông. Thanh minh là một trong 24 tiết khí của các lịch Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên. Tính từ đầu năm trở đi, Tiết Thanh minh đứng thứ 5, sau các tiết Lập xuân, Vũ thủy, Kinh trập, Xuân phân. Về mặt nghĩa đen, "thanh" có nghĩa là trong lành, sạch sẽ, "minh" có nghĩa là tươi sáng. Tiết Thanh minh nghĩa là khi trời mát mẻ, quang đãng.

Tết Thanh minh được bắt nguồn từ thời Xuân Thu - Trung Quốc. Từ thời Lý, nhân dân ta đã tiếp nhận tết nhưng ý nghĩa của ngày tết này đã biến đổi và mang đậm màu sắc truyền thống, phù hợp với phong tục của người dân nước Việt.

Thanh minh tuy không phải là cái tết lớn, nhưng lại gắn liền với đạo đức, bổn phận của con cháu tưởng nhớ công lao của những người đi trước. Đây chính là ngày giỗ tổ chung để mọi người có dịp báo hiếu, trả nghĩa, gọi là đền đáp phần nào ơn sinh thành tạo dựng của tổ tiên. Những người ở xa tụ họp lại về thăm mộ ông bà tổ tiên, ôn lại lịch sử gia phả, cùng nhau dọn dẹp và bày biện mâm cúng tươm tất, cầu mong phù hộ các thành viên trong gia đình bình an, khỏe mạnh.

Tục tảo mộ

Vào Tết thanh minh, người Việt thường duy trì phong tục đi thăm mộ gia tiên, dòng họ. Khi đi tảo mộ, chúng ta thường dọn cỏ, sửa sang, quét dọn mộ phần của gia đình mình. Ngoài ra, mọi người cũng dọn dẹp, thắp hương cho những nấm mồ vô chủ hoặc những mộ phần ít người viếng thăm.

Mỗi gia đình thường cúng ở ngoài mộ và cúng tại nhà. Ở nhà, mỗi gia đình cũng dọn dẹp bàn thờ, lau bát hương và chuẩn bị làm mâm cúng tổ tiên với nhiều món ngon. Tùy theo phong tục từng địa phương, mâm cúng Tết Thanh minh sẽ khác nhau. Lễ vật cúng Tết Thanh minh thường bao gồm xôi, gà, cơm, canh, đồ xào, trầu cau, hoa quả, tiền vàng, hoa, hương, đèn cầy. Một số gia đình không nấu cỗ cúng Tết Thanh minh, chỉ thắp hương với hoa và quả tươi, trà, bánh kẹo... để tỏ lòng tưởng nhớ, tri ân tổ tiên. Các gia đình Phật tử chuẩn bị mâm cúng chay. Nếu gia đình ở xa thì có thể tự lập mâm cúng và thắp hương từ xa gọi là cúng vọng tâm.

Các gia đình nên tảo mộ trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều, bởi vì đây là lúc sắc trời quang đãng, giúp quá trình thực hiện tế lễ trở nên dễ dàng, thoải mái hơn. Một số người nên kiêng kị đi tảo mộ là nữ đang trong kỳ kinh nguyệt, phụ nữ mang thai…Các gia đình cũng tránh dẫm đạp lên mộ hay đá đồ cúng khi đi ngang qua phần mộ của người khác. Hạn chế chụp ảnh, quay video tại khu vực nghĩa trang. Không nên gây ồn ào, la hét, cười đùa hay bàn tán về mộ người khác, giữ không khí trang nghiêm, thành kính trong suốt thời gian tảo mộ.

Bánh trôi bánh chay

Do Tết Thanh minh gần với Tết Hàn thực nên nhiều người thường làm bánh trôi bánh chay để dâng cúng và kết hợp ăn Tết Hàn thực (3/3 ÂL). Khác với Trung Quốc, người Việt không kiêng lửa, mọi việc nấu nướng vẫn được thực hiện, chỉ có điều người Việt dùng bánh trôi - bánh chay với ý nghĩa tượng trưng đó là những thức ăn nguội - hàn thực. 

Tục cúng bánh trôi – bánh chay của người Việt gợi nhớ đến tích truyện “bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ”. Bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con lên rừng theo mẹ. Bánh chay tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con theo cha xuống biển. Chính vì thế, những món ăn giản dị của người Việt chủ yếu mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của những đã khuất.

Việc dùng bánh trôi, bánh chay để cúng lễ cũng thể hiện đặc trưng cho nền văn hóa lúa nước. Cả hai thứ bánh đều được làm từ bột gạo nếp thơm. Bánh trôi nặn viên nhỏ, ngoài trắng, trong nhân đường đỏ, thả luộc trong nồi nước sôi, khi bánh nổi lên mặt nước vớt ra vừa chín tới. Còn bánh chay thì nặn tròn dẹt, không nhân, đặt lên bát nhỏ, khi ăn đổ nước đường lên trên, rắc thêm chút hạt vừng rang trông rất đẹp mắt. Những chiếc bánh nhỏ xinh trắng mướt, mềm mịn, kết hợp với vị ngọt của đường mật, vị thơm béo của đậu xanh, nước cốt dừa hòa quyện tạo nên hương vị khó quên cho ngày Tết tháng 3.

Theo một số chuyên gia văn hoá, món ăn này còn phù hợp với thời tiết khí hậu thời điểm chuyển giao mùa. khi bước sang tháng 3, thời tiết bắt đầu nóng lên, chuẩn bị bước sang mùa hè. Người Việt xưa đã sáng tạo ra món bánh trôi, bánh chay là những món ăn nguội, mang tính mát, vị ngọt thanh, rất phù hợp cho những ngày nóng nực.