VĂN HÓA

Thăm làng nghề đúc đồng truyền thống có lịch sử 900 năm

Thanh Hà • 20-12-2018 • Lượt xem: 5527
Thăm làng nghề đúc đồng truyền thống có lịch sử 900 năm

Đi qua thị trấn Lâm, về Vạn Điểm là bạn đã bước chân vào nơi được mệnh danh là cái nôi của nghề đúc đồng truyền thống.

Nằm ở trung tâm thị trấn Lâm, Ý Yên, Nam Định, Vạn Điểm được biết đến như một tên gọi thân thương, quen thuộc mỗi khi ai đó nhắc đến truyền thống đúc đồng có lịch sử hơn 900 năm của dân tộc.

Theo các cụ cao niên tại làng nghề đúc đồng Vạn Điểm kể lại: Ông tổ nghề đúc đồng mà người dân Vạn Điểm hiện thờ tại đình làng chính là Khổng Minh Không, người đã dạy cho dân làng nghề đúc sanh, nồi, mâm đồng và các vật dụng phục vụ cuộc sống sinh hoạt. Dần dần làng Vạn Điểm đã được khắp các nơi trong vùng biết đến với nghề đúc tinh xảo.

Đến đây bạn sẽ được tận mắt chứng kiến những pho tượng Lạc Long Quân - Âu Cơ - tượng Vua Hùng được đúc chạm tinh xảo, khéo léo tại các xưởng đúc đồng.

Những sản phẩm đồ đồng tại đây không chỉ được đúc tinh tế, tỉ mỉ bởi bàn tay của những người nghệ nhân tài hoa, giàu kinh nghiệm mà còn đặc biệt bởi phương pháp thủ công truyền thống. Nhiều người đến với Vạn Điểm không chỉ để chiêm ngưỡng những pho tượng phật bằng đồng nức tiếng cả nước như tượng Thánh Gióng, tượng Trần Hưng Đạo, tượng Nguyễn Trãi, tượng Hồ Chính Minh… mà còn để học hỏi kinh nghiệm đúc đồng. Điều đó tạo nên sự khác biệt lớn khi mà hiện nay, ở nhiều nơi nghề đúc đồng thủ công đã bị mai một.

Theo các nghệ nhân, nghề đúc đồng không chỉ đơn thuần là làm theo quy trình sẵn có mà còn phải thổi vào từng sản phẩm nét văn hóa truyền thống. Để đúc được một bức tượng đảm bảo giá trị thẩm mỹ cao và truyền tải được thần thái tự nhiên nhất, người thợ cần phải coi đó như đứa con của mình. Họ phải yêu thương và đặt toàn bộ chữ “Tâm” cho nó. Có như vậy mới khiến người đời nhìn vào một lần mà nhớ mãi không quên.

Để tạo một sản phẩm, bước thứ nhất là tạo mẫu, bước thứ hai là tạo khuôn, bước thứ ba là nấu chảy nguyên liệu, bước thứ tư là rót khuôn và bước cuối cùng là hoàn thiện sản phẩm. Người thợ phải chú ý chính xác đến từng giây trong từng công đoạn, nhất là khi đồng được đun chảy để đổ vào khuôn.

Thời xưa, chỉ có những gia đình quyền quý, quan lại địa chủ thì mới có những vật dụng, đồ dùng, đồ trang trí bằng đồng, vì thế, đối tượng phục vụ trong xã hội không nhiều, cuộc sống của nhân dân Vạn Điểm cũng khó khăn như chính nghề mưu sinh của họ vậy.

Từ một làng nghề chỉ chuyên đúc nồi, sanh đồng để phục vụ cuộc sống sinh hoạt, trải qua thời gian thăng trầm của lịch sử, có lúc tưởng chừng sẽ mất nghề nhưng bằng sự kiên trì, óc sáng tạo cao, các thế hệ con em Vạn Điểm đã mở rộng nhiều loại hình sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thời đại.