VĂN HÓA

Thần tình ái - biểu tượng 'se duyên' trong hình hài em bé

Cẩm Chi • 12-05-2023 • Lượt xem: 2229
Thần tình ái - biểu tượng 'se duyên' trong hình hài em bé

Với cây cung và hai mũi tên, thần Tình yêu (Eros) trong hình hài của một cậu bé bay đi khắp nơi để se duyên cho loài người, thích đùa nghịch với trái tim và gây ra bao chuyện dở khóc dở cười cho người trần.

Thần tình yêu còn được biết dưới cái tên Cupid (theo thần thoại La Mã). Hiện nay, khi nói về thần tình yêu, thường thì người ta đã xem Cupid và Eros là cùng một vị thần, ít người phân biệt kỹ theo thần thoại Hy Lạp hay La Mã. Theo thần thoại Hy Lạp, Eros là con của nữ thần Aphrodite, còn theo thần thoại La Mã, Cupid là con của nữ thần Venus (vị thần được xem là tương đương với nữ thần Aphrodite của Hy Lạp). Một số tư liệu còn cho rằng Eros chính xác hơn là vị thần của dục vọng và ái tình, chứ không chỉ đơn giản là tình yêu.

Thần Eros luôn mang cây cung và hai mũi tên bên mình, một mũi tên vàng và một mũi tên đồng. Khi Eros bắn mũi tên vàng vào ai thì người đó sẽ yêu người đầu tiên mình nhìn thấy một cách say đắm. Trái ngược với mũi tên vàng, mũi tên đồng sẽ gợi lên sự chán ghét, lòng thù hận của người trúng tên với người đầu tiên mình nhìn thấy.

Bức "Cupid with a Butterfly".

Thần tình yêu đôi khi còn được thể hiện dưới hình dạng một cậu bé mù. Đại thi hào Shakespeare đã lý giải điều này là vì: “Ái tình không nhìn bằng mắt mà bằng tâm hồn. Vì vậy, nhân loại khắc họa Thần Tình ái có hai cánh nhưng con mắt mù lòa". Hay diễn giải một cách đơn giản có thể hiểu "tình yêu là mù quáng".

Đồng thời, hình ảnh thần tình yêu hóa thân là đứa bé cũng được sử dụng nhiều là vì những điểm tương đồng giữa trẻ con và tình yêu: sự thơ ngây, chân thành, tò mò, dại dột, muốn được tìm hiểu, khám phá cái mới lạ...

Chuyện tình đầy trắc trở 

Đã vướng vào yêu đương thì dù là một vị thần cũng phải gặp rắc rối không khác gì con người. Và thần tình yêu cũng vậy. Ngài đã phải lòng một nàng công chúa tuyệt đẹp tên là Psyche. Tiên phàm cách biệt, hơn thế nữa, việc nhan sắc của nàng được ca ngợi sánh ngang nữ thần Aphrodite (mẹ Eros) đã mang đến tai họa. Nữ thần phái con trai mình (Eros) xuống trừng phạt Psyche bằng cách khiến cho nàng phải yêu một người phàm xấu xí.

Thần tình yêu vướng vào lưới tình của nàng Psyche

Thế nhưng chính Eros cũng say mê nhan sắc của cô gái nên đã làm trái lệnh. Anh nhờ thần Apollo phối hợp cho một lời sấm truyền giả mạo. Kế hoạch là để Psyche phải sống cùng anh. Dưới sự hợp tác của hai vị thần, sau cùng Eros cũng đạt được ước nguyện. Thế nhưng Psyche lại vi phạm một điều cấm kỵ của Eros và làm phật lòng chàng. Vì vậy anh bỏ đi.Psyche đến lúc đó mới biết người cô sống cùng bấy lâu là một vị thần và cực kỳ hối hận. Vì vậy, cô chấp nhận đương đầu với nhiều thử thách chông gai để đi tìm chàng. Với sự giúp đỡ của thần Demeter (thần bảo trợ mùa màng) và cả Eros, thần Zeus đã đứng ra điều đình với Aphrodite và tác hợp cho đôi trẻ.

Trong suốt hàng ngàn năm qua, thần tình ái luôn là niềm cảm hứng bất tận trong nhiều thể loại nghệ thuật: từ hội họa, điêu khắc, phim ảnh, âm nhạc...

Thần tình yêu trong thần thoại Hy Lạp vào khoảng năm 450 TCN.

Thần Eros xuất hiện lần đầu tiên trong nghệ thuật Hy Lạp vào khoảng năm 450 TCN. Tuy nhiên, niên đại quá xa xưa nên những tác phẩm ghi dấu lại không nhiều, và trong những tác phẩm ít ỏi đó cho thấy thần tình yêu thuở ban sơ chưa được mô tả rõ ràng lắm khi thiếu vũ khí quen thuộc là cây cung và các mũi tên. Mãi đến thế kỷ 2 TCN, thần tình yêu mới được trang bị cho mình bộ vũ khí cung tên quen thuộc.

Một bước tượng điêu khắc đá cẩm thạch được tìm thấy vào thế kỷ 2 TCN cho thấy thần tình yêu dưới hình hài một đứa trẻ bụ bẫm với gương mặt tươi vui.

Tiếp đến là giai đoạn trung cổ, thần Eros (lúc này đã bắt đầu xuất hiện dưới tên thần Cupid) tiếp tục là nguồn cảm hứng nghệ thuật (hội họa và điêu khắc). Điểm khác biệt lớn nhất là một số tác phẩm đã cho ngài có hình dạng không phải của một em bé. Điều này cũng hợp lý khi có khá nhiều thần thoại về Eros không phù hợp ở vai trò một đứa trẻ, nhất là chuyện tình với nàng Psyche.

Trong số các tác phẩm nổi tiếng về thần tình yêu ở giai đoạn phục hưng, ngài thường xuất hiện chung với nữ thần Venus, tiêu biểu là trong tác phẩm ‘Cupid Complaining to Venus,’ năm 1525 của Raphael.

Một phần của bức bích họa "Chiến thắng của Galatea", được Raphael tạo ra vào khoảng năm 1512

Ở các giai đoạn nghệ thuật tiếp theo, thần tình yêu Eros (Cupid) vẫn tiếp tục là một đề tài yêu thích của các nghệ sĩ. Giai đoạn Baroque thì có tác phẩm ‘The Feast of Venus’ (1636-1637) của Peter Paul Rubens. Ở phong trào Rococo thì có tác phẩm ‘The Toilet of Venus’ (1751) của François Boucher, giai đoạn tân cổ điển thì có tác phẩm ‘The Birth of Venus’ (1879) của William Adolphe Bouguereau...

Có thể nói, ái tình là một phần không thể thiếu của nhân loại. Mọi người dù giàu hay nghèo, xấu hay đẹp... thì đều có nhu cầu yêu và được yêu. Theo dòng thời gian trôi, nhiều thần thoại đã mai một, nhiều vị thần đã trôi dần vào quên lãng, thế nhưng thần tình yêu vẫn luôn được giới trẻ nhớ đến trong suốt nhiều thế kỷ qua.