VĂN HÓA

Thật bất ngờ khi món ăn này của Việt Nam lọt top 10 món phải thưởng thức được thế giới bình chọn

Võ Hoàng Tuấn • 14-02-2023 • Lượt xem: 894
Thật bất ngờ khi món ăn này của Việt Nam lọt top 10 món phải thưởng thức được thế giới bình chọn

Bánh cuốn là một trong những món ăn hấp dẫn, quen thuộc và mang đậm văn hóa ẩm thực Việt. Bánh cuốn tùy theo vùng miền, địa phương mà sẽ có những cách chế biến khác nhau. Mới đây, trang du lịch nổi tiếng của Úc là Traveller đã bình chọn bánh cuốn là 1 trong 10 món ăn hấp dẫn mà du khách nhất định phải thưởng thức trong năm 2023.

Nguồn gốc của bánh cuốn

Bánh cuốn là món ăn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Khi vào Việt Nam, tùy theo từng vùng miền mà bánh cuốn sẽ có cách chế biến khác nhau. Trong đó, nổi tiếng có thể kế đến bánh cuốn Thanh Trì, bánh cuốn Tây Hồ, bánh cuốn làng Kênh, bánh cuốn Nghệ An…

Nghề làm bánh cuốn ở Việt Nam bắt đầu được hình thành từ thời vua Hùng thứ 18, sau khi con trai của vua Hùng là An Quốc dạy nghề cày cấy cho nhân dân. Có thể thấy, bánh cuốn là món ăn lâu đời, phổ biến, không chỉ có người dân Việt Nam mà cả du khách nước ngoài khi đến Việt Nam cũng hết lời khen ngợi khi thưởng thức món ăn này.

Đa dạng cách chế biến

Bánh cuốn Thanh Trì ở Hà Nội nổi tiếng với phần bột bánh được cán mỏng ăn chung với nước mắm cà cuống. Bánh cuốn Thanh Trì có hai loại, có nhân và không có nhân. Nhân bánh cuốn Thanh Trì gồm có thịt heo băm, tôm nõn được giã nhuyễn, nấm hương và mộc nhĩ. Một dĩa bánh cuốn Thanh Trì sẽ gồm có bánh cuốn, chả, một ít hành phi bên trên và một chén nước mắm cà cuống. Món ăn tuy đơn giản nhưng đã khiến cho biết bao du khách nước ngoài phải trầm trồ khen ngợi.

Bánh cuốn Cao Bằng có hương vị đặc sắc, khác lạ với bánh cuốn ở những địa phương khác. Bánh cuốn Cao Bằng đặc biệt dẻo, thơm thoang thoảng mùi gạo. Phần nhân bánh cuốn gồm có thịt heo, mộc nhĩ băm nhỏ. Một điều thú vị là người dân ở đây gọi món này là “bánh cuốn canh”, vì mọi người ăn bánh cuốn cùng với nước hầm xương thay vì nước mắm như những nơi khác.

Bánh cuốn Cao Bằng ăn kèm với nước hầm xương nóng hổi

Bánh cuốn Lạng Sơn lại độc đáo với lớp bột bánh được tráng mỏng, nhân thịt và trứng gà lòng đào, ăn cùng nước dùng được ninh trong nhiều giờ. Nước dùng của món này được ninh hoàn toàn từ xương ống và những gia vị như muối, tiêu, hành, ớt… Đặc biệt, khi ăn bánh cuốn Lạng Sơn sẽ có thêm một lọ măng ngâm ớt để bạn thêm vào nước chấm nhằm tăng thêm hương vị.

Bánh cuốn Lạng Sơn với nhân thịt bằm và trứng gà lòng đào

Bánh cuốn Hà Giang được làm từ bột gạo. Có hai sự lựa chọn cho phần nhân bánh cuốn là mộc nhĩ và thịt băm hoặc trứng gà lòng đào. Trên mỗi dĩa bánh cuốn Hà Giang đều được rắc một ít hành phi giòn tan. Bánh cuốn sẽ được dùng chung với nước hầm xương heo, trong phần nước dùng sẽ có thanh giò và một ít rau mùi. Sỡ dĩ, người dân ở những vùng cao như Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng… ăn bánh cuốn với nước hầm xương nóng hổi là để giữ ấm cơ thể trước thời tiết có phần se lạnh của vùng cao.

Bánh cuốn Hà Nội có lớp bột được tráng mỏng, có độ dai nhất định. Có nơi bán bánh cuốn không nhân, có nơi bán bánh cuốn với nhân mộc nhĩ và thịt heo băm nhỏ. Bên cạnh bánh cuốn thường, có quán ăn còn bán thêm bánh cuốn trứng. Trứng sẽ được đánh đều chung với bột trước khi tráng. Bánh cuốn sẽ ăn kèm với nước mắm chua ngọt, chả quế, có khi là chả nướng than và một ít hành phi rắc lên trên.

Bánh cuốn Sài Gòn cũng gần giống với bánh cuốn Thanh Trì ngoài Hà Nội nhưng phần nước mắm có phần ngọt hơn một xíu. Trong Sài Gòn, một dĩa bánh cuốn đầy đủ sẽ có bánh cuốn được cắt đôi hoặc cắt 3, nem, bánh tôm chiên, chả, hành phi và rau thơm, giá ăn cùng để chống ngấy.

Món ăn sáng quen thuộc của người dân Sài Gòn

Khác với các loại bánh cuốn kia, bánh cuốn ngọt ở miền Tây được chế biến từ bột gạo, nước cốt dừa và các loại nước màu tự nhiên như lá cẩm, lá dứa, hoa đậu biếc. Nhân bánh gồm có đậu xanh, dừa và khoai môn. Thay vì rắc hành phi lên trên, bánh cuốn ngọt sẽ được tăng thêm độ béo ngậy bằng một lớp mè rang.

Bánh cuốn ngọt miền Tây thơm ngon, hấp dẫn

Những vùng miền, địa phương khác cũng có những cách chế biến, biến tấu lại món bánh cuốn cho hợp khẩu vị. Nhưng có thể thấy, dù ở bất cứ đâu, bánh cuốn cũng là món bánh phổ biến, mang đậm bản sắc Việt đã gắn bó với tuổi thơ của bao người.