ĐỜI SỐNG

Thay đổi giờ học cho trẻ, câu chuyện vẫn chưa có hồi kết

Lan Hương • 24-10-2022 • Lượt xem: 513
Thay đổi giờ học cho trẻ, câu chuyện vẫn chưa có hồi kết

Câu chuyện về giờ giấc vào học của trẻ vẫn chưa hết nóng trong những ngày vừa qua. Rất nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề này từ nhiều phía bao gồm phụ huynh, học sinh, giáo viên và các chuyên gia. Vậy những người trong cuộc đã nói gì?

Vào các buổi sáng sớm, hầu hết chúng ta đều không xa lạ với hình ảnh các em nhỏ mặt mũi vẫn còn ngái ngủ, má áp vào lưng bố mẹ thiếp đi trên đường đến trường, hoặc có những bạn vừa ngáp vừa ăn sáng để kịp vào giờ học. Tình trạng này phổ biến ở các trường công lập trên địa bàn TP.HCM và đã diễn ra nhiều năm nhưng vẫn chưa tìm được hướng giải quyết thỏa đáng.

Câu chuyện này lại được bàn tán xôn xao trong tuần qua trên các diễn đàn và đang rộ lên tranh luận về việc có nên dời lại giờ học của trẻ muộn hơn hay không.

Thực trạng nhiều trường học ấn định giờ vào học cho trẻ buổi sáng là 7 giờ hoặc một số nơi là 6 giờ 45 phút đã phải có mặt tại trường khiến nhiều phụ huynh và các em đã phải lật đật dậy từ rất sớm để chuẩn bị cho kịp giờ.

Có nhiều người còn ví von việc mỗi sáng đưa con đến trường như một cuộc chạy đua của các thành viên trong nhà, con trẻ thì thiếu ngủ, cha mẹ thì cuống cuồng làm sao để kịp đưa con đến lớp. Và đây cũng là tình chung của rất nhiều gia đình cũng như là câu chuyện muôn thuở không riêng một quốc gia nào.

Nỗi niềm phụ huynh

Anh N.V.H, phụ huynh của bạn nhỏ học lớp 6 tại trường THCS Nguyễn Du (Gò Vấp) bất ngờ khi đầu năm học được nhà trường thông báo học sinh phải có mặt tại trường lúc 6 giờ 45 để chuẩn bị cho tiết học lúc 7 giờ. Anh chia sẻ: “Nhà trường sắp xếp giờ học sớm vào buổi sáng trong khi buổi chiều mới 16 giờ 15 đã tan học, khi đó phụ huynh lại chưa tan sở. Chưa kể buổi sáng các cháu phải thức sớm để vệ sinh các nhân, ăn sáng vội cho kịp đến trường, rất tội nghiệp”.

Chị C, mẹ của hai bé học lớp 6 và 9 tại trường THCS Võ Trường Toản (quận 1) cũng có nỗi lòng tương tự: “các cháu phải có mặt ở trường vào 6 giờ 45 là quá sớm, tại sao trường không bố trí giờ học muộn hơn một chút. Nếu như thế sẽ rất thuận tiện cho phụ huynh trong việc đưa đón con em, các bé cũng đỡ bị áp lực khi phải dậy sớm để đi học”.

Rất nhiều ý kiến ủng hộ việc lùi lại giờ học muộn hơn để phụ huynh và con em được thư thả chuẩn bị, có thời gian ăn sáng đàng hoàng, đưa con đến trường rồi bố mẹ đến cơ quan làm việc. Tuy nhiên vẫn không ít luồng ý kiến tỏ ra không đồng tình và cho rằng vào học sớm là giải pháp hợp lý, phụ huynh nên điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt phù hợp và cho trẻ ngủ sớm hơn.

Nhiều phụ huynh cho rằng thời gian đưa đón con hiện tại đã phù hợp với gia đình nên không muốn thay đổi, vì nếu lùi giờ học lại ảnh hưởng đến giờ làm của bố mẹ. Rồi là đi học muộn hơn lại không đảm bảo lượng kiến thức cho con trong một ngày…

Ví dụ như chia sẻ của chị T.B.N, một phụ huynh của một bạn THCS cho hay: “Có thể vì lượng kiến thức quá nhiều nên nhà trường sắp xếp cho các em đi học sớm hơn, việc này là bất khả kháng nên có thể thông cảm được. Việc cần làm là chủ động hỗ trợ con em biết phân chia thời gian biểu hợp lý, hạn chế tiêu tốn thời gian không cần thiết như vào mạng xã hội hay chơi game quá đà… Như vậy thì trẻ sẽ có thời gian nghỉ ngơi, có giấc ngủ chất lượng và từ đó vào học sớm hay muộn sẽ không còn là vấn đề”.

Có thể thấy rẳng, rất nhiều lý do được đưa ra nhưng có lẽ nội dung chủ yếu xoay quanh vấn đề một bên là phụ huynh có thể xắp xếp thời gian đưa con đi học và một bên là không thể sắp xếp được thời gian để đưa con đi học.

Về phần các bạn nhỏ, việc mỗi sáng phải dậy sớm đi học quả thật có vẻ rất khó khăn vất vả. Đa phần các em đều mong muốn được đến trường trễ hơn một chút để không cập rập về thời gian, để không phải ăn sáng vội vàng hay bỏ bữa, để tinh thần tình táo và không bị “gật gù” trong những tiết học đầu tiên.

Các chuyên gia nói gì

Xoay quanh vấn đề tranh luận về đi học sớm hay muộn, các nhà nghiên cứu cũng đưa ra nhiều thông tin trong việc ngủ đủ giấc và bữa ăn sáng quan trọng thế nào cho trẻ.

Theo khuyến cáo của các tổ chức Y tế, trẻ em trong độ tuổi 6 - 13 cần được ngủ tối thiểu 7 - 8 tiếng/ ngày, lứa tuổi 14 - 17 tối thiểu 7 tiếng/ngày. Như vậy thời gian khuyến cáo trung bình cho các lứa tuổi này trong khoảng 9 - 11 tiếng mỗi đêm. Nhu cầu ngủ đủ giấc với trẻ là vô cùng quan trọng, thiếu ngủ có thể dẫn đến tinh thần mất tỉnh táo, thiếu sáng suốt và không thể tập trung cho việc học.

Ngoài ra việc ăn sáng vội vàng, ăn sáng trong khi ngồi trên xe để đi đến trường còn ảnh hưởng đến dạ dày, ảnh hưởng đến sự phát thể chất của con trẻ.

Thêm vào đó là lịch học thêm, làm bài tập về nhà dày đặc, một số gia đình bố mẹ thường hay đi ngủ muộn khiến các cháu cũng bị ảnh hưởng và hình thành thói quen ngủ trễ, và từ đó thiếu ngủ là việc đương nhiên.

Từ phía nhà trường

Đứng về phương diện nhà trường, việc cho trẻ đi học sớm là chính sách giải quyết tình trạng tắc đường nhất là những khu vực đô thị trên địa bàn TP.HCM. Mặt khác, đưa trẻ đến trường sớm cũng thuận tiện cho phụ huynh có giờ làm lúc 7 giờ 15 hay 7 giờ 30.

Cô Mỹ Hạnh (hiệu trưởng trường THCS Võ Trường Toản, Q1) cho biết trường vẫn bố trí lệch giờ cho học sinh vào học cũng như ra về. Ví dụ năm nay học sinh các khối 7, 9 sẽ có mặt tại trường lúc 6 giờ 45 để học tiết đầu vào 7 giờ và học sinh khối 6, 8 sẽ đến trường lúc 7 giờ 30 và bắt đầu tiết một lúc 7 giờ 45 để tránh kẹt xe và ùn tắc trước cổng trường.  

Ngoài ra, đa phần các trường tại Việt Nam quy định ca sáng cần kéo dài trong khoảng 4,5 giờ, nếu vào học trễ hơn có thể sẽ không đủ thời gian học hết ca sáng.

Về vấn đề này, đại diện sở GD&ĐT TP.HCM cho biết thời gian bắt đầu vào học và ra về sẽ được giao cho các đơn vị chủ động sắp xếp. Tuy nhiên việc điều chỉnh còn phụ thuộc rất nhiều vào kế hoạch giảng dạy của mỗi trường ở từng địa phương, độ tuổi học sinh, hoàn cảnh chung của các em, công việc của bố mẹ cũng như tình hình giao thông trên khu vực.

Câu chuyện này có thể sẽ còn kéo dài rất lâu và ai cũng mong muốn có một hướng giải quyết thuận cả đôi đường. Nhưng quan trọng nhất, hãy để lợi ích của trẻ em lên hàng đầu trong tất cả mọi quyết định để các con có được sự phát triển lành mạnh và an toàn.