ĐỜI SỐNG

Thú vị những group "không-mua-bán" trên facebook phát triển "tình nghĩa xóm làng"

Đan Tâm • 23-01-2021 • Lượt xem: 3091
Thú vị những group "không-mua-bán" trên facebook phát triển "tình nghĩa xóm làng"

Trong thời đại mà mọi người hiếm khi biết mặt hàng xóm của mình, những group 'không-mua-bán' là một cách để làm quen với những người sống cùng trong khu phố, đồng thời đây cũng là một ý tưởng thú vị để giảm thiểu lãng phí, bảo vệ môi trường.

Tin, bài liên quan:

Công ty tái chế đũa thành các đồ dùng hữu ích trong nhà

Phát triển du lịch cộng đồng - một cách làm để giữ gìn văn hoá đặc sắc 


Là một phần trong phong trào chống lãng phí và dự án xây dựng cộng đồng, “không mua bán” đã được thực hiện ở Úc như một cách để xây dựng mối liên kết cộng đồng cũng như tránh việc mua hàng không cần thiết. Ảnh: Dougal Waters/ Getty Images

Tất cả chúng ta đều có những thứ mà chúng ta không sử dụng đến. Đối với Zoe Bowman – một cư dân Canberra, đó là những dụng cụ nạo dưa hấu.

Cô nói: “Tôi thấy ai đó đang cần cái nạo dưa tròn để chuẩn bị cho bữa tiệc của bọn trẻ và tôi tìm thấy trong ngăn kéo có tận ba cái mà tất nhiên là tôi không cần đến tận ba cái nạo dưa rồi!”.

“Lời hỏi xin” được đưa đăng tải trên một trang Facebook mà cô ấy quản lý - một trong hàng nghìn trang facebook được thành lập tại các địa phương tạo nên phong trào "không mua gì cả".

Một phần của phong trào không lãng phí và cũng là một phần của dự án xây dựng cộng đồng, “không mua gì” đã hoạt động ở các vùng ngoại ô của Úc như một cách để tránh việc mua hàng không cần thiết.

Bowman nói: “Những group này cho phép cho mọi người có những lựa chọn tiết kiệm và thông minh hơn trước khi mua sắm”.

Nhưng thực ra việc “hỏi xin” đồ dùng không phải là mục đích chính của những cộng đồng online này. Sai lầm phổ biến nhất mà những thành viên mới mắc phải khi được thêm vào một nhóm “không mua gì” trên Facebook là trao tặng món hàng của họ cho người đầu tiên bình luận, thay vì đợi cho đến khi có kha khá thành viên bình luận rồi mới đưa ra lựa chọn nên tặng nó cho ai.

Dự án “không mua gì” bắt đầu ở Hoa Kỳ như một nỗ lực nhằm tạo ra một nền kinh tế không dùng tiền mặt, lấy cảm hứng từ chuyến đi của một trong những người sáng lập khi đến Nepal. Mục đích của các cộng đồng này là phân phối hàng hóa theo nhu cầu, có nghĩa là để nhận được món hàng, các thành viên trong nhóm phải giải thích lý do họ cần đến nó.

Tặng ngay món hàng cho người đầu tiên comment - như những gì bạn làm trên các trang mua/ bán/ trao đổi đồ - không được khuyến khích đối với cộng đồng “không mua gì”. Nếu một người có thứ gì đó để cho đi, họ phải giữ bài đăng của họ trong một vài tiếng để cho hầu hết các thành viên trong nhóm nhìn thấy và bày tỏ sự quan tâm của họ. Sau đó, người tặng có thể đưa ra một “luật lệ” của riêng họ để quyết định xem ai sẽ nhận được món đồ như đăng bức ảnh thú cưng đáng yêu nhất hoặc kể một câu chuyện hài “nhạt” nhất. Những hành vi dùng tiền để đổi lấy hàng hóa sẽ khiến bạn bị loại khỏi group (một số trang cho phép giao dịch nhưng quy tắc chính thức nêu rõ chúng không được chấp nhận); những bài đăng về vật nuôi mất tich không được khuyến khích và vấn đề chính trị thì hoàn toàn bị cấm.

Bowman khẳng định: “Mục đích chính của những group này thực sự là để xây dựng cộng đồng chứ không phải là để loại bỏ đồ mình không dùng đến”.

Trong một thế giới mà mọi người hiếm khi biết hàng xóm của họ là ai, một trang “không mua gì” trên facebook là một cách để làm quen với những người sống trong khu phố của bạn. “Tâm lý làng quê” này đang được bồi đắp trên Facebook – mạng xã hội của thời đại công nghệ. Và theo ý muốn của “dân làng”, cả hành vi và tư cách thành viên tham gia đều được kiểm soát chặt chẽ.

Bowman, một trong những quản trị viên của trang, là một trong những người thực hiện công tác kiểm soát, mặc dù cô chia sẻ rằng cô thích áp dụng chính sách "cho qua nhân từ" thay vì thực thi nghiêm ngặt các quy tắc phức tạp của cộng đồng.

Khi một nhóm trở nên quá lớn, thường là hơn 1.000 hoặc 1.500 thành viên, nó sẽ được chia thành các nhóm nhỏ hơn và bạn không thể là thành viên của nhiều hơn một trang. Khi Bowman gia nhập nhóm của cô ở Canberra, nó bao gồm cư dân của một phần sáu thành phố. Bây giờ nó chỉ bao gồm ba vùng ngoại ô: Aranda, Cook và Macquarie. Mục đích luôn là làm cho các nhóm càng “địa phương” càng tốt.

Cô vui mừng: “Canberra rất rất thành công. Tôi không biết rằng có bất kỳ nơi nào trên thế giới có mật độ "không mua gì cả” dày đặc như chúng tôi ở đây không”.

Vùng nội ô phía bắc của Perth có mật độ group “không mua gì” khá dày, có thể so với Canberra. Anton Schirripa là thành viên của một trong bốn nhóm ở ngoại ô Bắc Perth.


Anton Schirripa cho biết cộng đồng 'không mua gì' hoạt động dựa trên sự tin tưởng, chứ không như một trang mua bán ở Broome nơi chứa đựng “đầy rẫy phân biệt chủng tộc”. Ảnh: Anton Schirripa

Trước khi Schirripa chuyển đến Broome vài năm trước, anh ấy đã nhận được một chiếc tủ lạnh mới và bốn vé tham dự một buổi hòa nhạc Missy Higgins từ group. Đáng tiếc rằng, Broome không có trang “không mua gì cả”, nó chỉ có trang mua/ bán đầy nạn phân biệt chủng tộc. Tuy vậy, anh cũng cho biết thêm một yếu tố cần khắc phục của những cộng đồng “không mua-bán”: “Tôi khó mà biết đến các group này nếu không phải là một nhân viên văn phòng, thuộc tầng lớp trung lưu. Tôi không biết chuyện sẽ như thế nào nếu bạn không phù hợp với những gì mà mọi người vốn đã chấp thuận trong cộng đồng. "

Anh cũng chia sẻ cộng đồng “không mua gì” hoạt động dựa trên sự thoải mái và tin cậy. Mọi người quen biết nhau và để cổng sau không khóa nhằm giúp mọi người có thể đến lấy những thứ họ cần. Khi Schirripa đi nhận đồng hồ từ một người phụ nữ trong nhóm, cô nhận ra anh đang chuyển đến Broome với cực ít đồ đạc nên đã tặng thêm cho anh một bàn uống cà phê.

Tuy vậy, Schirripa nói rằng anh ấy cũng nhận thấy một số chuyện hơi kỳ lạ. Ví như việc nhiều người sẵn sàng lấy thức ăn chẳng hạn, thậm chí là cả những lọ gia vị đã dùng một nửa trong sự háo hức vui vẻ.

Không có nhóm “không mua gì” bao phủ ngoại ô Melbourne của Hawthorn, nơi Danielle Chubb sống. Thay vào đó, cô và những người khác ở các vùng ngoại ô xung quanh tham gia một nhóm có tên là Zero Waste Freebies. Group này cũng hoạt động để chống lãng phí và bảo vệ môi trường. Chubb sẽ đăng ảnh những thứ cô có mà không cần đến và đổi lấy những thứ cô cần.

“Tôi thường bắt gặp những người bạn thường xuyên đăng bài và chia sẻ ý tưởng về mọi thứ và nhận ra rằng chúng tôi trong cùng một khu phố - điều đó thật tuyệt”, cô nói. “Tôi chưa bao giờ gặp những người này trong đời thực nhưng tôi lại biết rõ họ là ai… có một cộng đồng như vậy thật là tuyệt vời”.