VĂN HÓA

Thực trạng lạm phát giải thưởng văn học

Mỹ Nhàn • 27-04-2023 • Lượt xem: 918
Thực trạng lạm phát giải thưởng văn học

Mới đây, tại buổi nói chuyện với chuyên đề “Nói gì khi nói về giải thưởng văn học?” diễn ra tại Phố sách Hà Nội, những nội dung về tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của các giải thưởng văn học đã được các nhà nghiên cứu, dịch giả mang ra bàn luận. Đây được biết đến là một trong những sự kiện nhằm hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2023.

Lạm phát về mặt số lượng
Tại buổi thảo luận, các chuyên gia đã đặt vấn đề về tình trạng “lạm phát” giải thưởng văn học tại Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới. Bên cạnh những giải thưởng mang tính quốc tế, được tổ chức định kỳ như Nobel Văn học, Goncourt hay Femina, đa số ở mỗi quốc gia đều có nhiều giải thưởng thường niên nhằm vinh danh những tác phẩm nổi bật. 

Lấy ví dụ như ở Pháp, một quốc gia có bề dày lịch sử đối với các giải thưởng và “salon văn chương” từ những thế kỷ 17 - 18, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho rằng, trong số hơn 1.500 giải thưởng đó chỉ có từ 5 đến 6 giải được xem là uy tín. Trong khi đó, theo thống kê của Viện Goethe vào năm 2022, con số này ở Đức cũng lên đến gần 1.400 giải thưởng.

Tại Việt Nam, hằng năm có đến hàng trăm giải thưởng từ nhỏ đến lớn, từ trung ương đến địa phương được tổ chức. Từ đó đặt ra cho các chuyên gia những nghi ngại về độ uy tín của các giải thưởng này. Bởi để xây dựng danh tiếng cho một giải thưởng là điều không hề đơn giản mà tiến sĩ văn học Nguyễn Quyên cho rằng, đôi khi cần đến hàng trăm năm để chứng minh.

Lễ trao giải thưởng văn học năm 2022 và giải nhà văn nữ ấn tượng do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.

Quy trình chấm giải còn nhiều bất cập
Từng giữ chức vụ Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội từ năm 2010 đến 2017, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã có những chia sẻ thẳng thắn về quy trình chấm và trao giải. Theo quy định, các chuyên ngành được xét trao giải bao gồm thơ, văn xuôi, văn học dịch và lý luận phê bình.

Thông thường, các tác phẩm đăng ký dự thi hoặc ứng cử giải thưởng sẽ được hội đồng sơ khảo đọc và bàn luận, sau đó đề cử lên hội đồng chung khảo. Hội đồng ban giám khảo chung khảo sẽ tổ chức đánh giá, xem xét và bình chọn ra tác phẩm xứng đáng để tiến hành tôn vinh. Tuy nhiên, do số lượng tác phẩm hằng năm được gửi về quá lớn, việc hội đồng giám khảo chưa đọc hết tác phẩm mà đã trao giải không phải là trường hợp hiếm. Không chỉ ở riêng Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới cũng gặp phải tình trạng này.

Bên cạnh đó, quan điểm nghệ thuật và phong cách văn chương của mỗi giám khảo cũng có tác động không nhỏ đến việc chấm điểm cũng như yêu ghét một tác phẩm nào đó. Ví dụ sẽ có giám khảo thiên về sự ổn định trong sáng tác trong khi một số khác lại yêu thích sự mới mẻ, đột phá trong sáng tạo. "Chính vì thế việc chọn cuốn sách giành giải hoàn toàn có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau như chính trị, mục đích trao giải, định hướng giải thưởng", tiến sĩ Nguyễn Quyên nói thêm.

Tác động tích cực từ các giải thưởng uy tín
Song song với đó, các diễn giả cũng phân tích những khía cạnh tích cực mà giải thưởng mang lại cho nền văn học hiện đại. Bởi ngoài việc ghi nhận thành tích, những tác phẩm đạt giải còn nhận được sự chú đặc biệt từ phía công chúng. Nhận định về vấn đề này, dịch giả Lê Quang chia sẻ: "Như vậy cả nhà xuất bản và tác giả đều được hưởng lợi. Nhà xuất bản thu lại được lợi ích kinh tế, còn tác giả sẽ nâng cao danh tiếng". Nhưng hơn hết, mục đích của những giải thưởng vẫn nhằm khẳng định và tôn vinh những giá trị tốt đẹp của tác phẩm nghệ thuật.  

Đơn cử như nhà văn người Ai Cập Naguib Mahfouz, sau khi thắng giải Nobel văn học năm 1988, số lượng sách bán ra của ông đã tăng một cách chóng mặt. "Trước khi Naguib Mahfouz giành giải, không một ai biết, thậm chí là đọc đúng tên ông ấy. Chúng tôi từng mất ba năm để bán 300 cuốn sách. Nhưng sau giải Nobel, chúng tôi bán được 30.000 cuốn sách trong ba phút.”, ông Lucien Leitess - giám đốc Unionsverlag cho biết.

Tuy nhiên, giải thưởng văn học cũng chưa phải thước đo chuẩn xác nhất cho mọi tác phẩm. Độc giả vẫn nên giữ thái độ trung lập, khách quan và dành những trải nghiệm cá nhân để thưởng thức văn chương.