VĂN HÓA

Thướt tha tà áo tứ thân xứ kinh Bắc

Hoài Mơ • 23-04-2022 • Lượt xem: 1316
Thướt tha tà áo tứ thân xứ kinh Bắc

Nếu như áo bà ba là trang phục đặc trưng cho người phụ nữ Nam bộ thì áo tứ thân từ lâu đã được xem như một nét đẹp trong văn hóa xứ kinh Bắc. Mặc dù hiện nay, áo tứ thân không còn được sử dụng trong đời sống thường ngày nhưng vẫn luôn được trưng dụng và ưu ái vào những dịp quan trọng hay các buổi biểu diễn nghệ thuật. 

 

 

Lịch sử ra đời của áo tứ thân

Hiện tại, người ta vẫn chưa thể xác định được một cách chính xác áo tứ thân ra đời từ khi nào. Chỉ biết rằng, nó đã có cách đây hàng nghìn năm khi các nhà khảo cổ tìm thấy hình ảnh tà áo tứ thân tung bay được in trên những di sản xa xưa như trống đồng.

Nhiều người cho rằng, áo tứ thân ra đời như một loại trang phục giúp người phụ nữ lao động và làm việc được dễ dàng hơn. Bởi họ có thể buộc hai tà lại với nhau để trở nên gọn gàng và thuận tiện. 

Song một số lại tin vào câu truyện truyền thuyết, rằng trước đây Hai Bà Trưng đã mặc chiếc áo dài có 2 tà giác vàng trong cuộc đánh đuổi quân Nam Hán. Để bày tỏ lòng tôn kính với 2 nữ sĩ nên những người phụ nữ Việt tránh mặc áo dài 2 tà và thay vào đó là áo 4 tà, hay còn gọi là áo tứ thân.

Áo tứ thân phát triển theo năm tháng

Áo tứ thân có 4 phần chính gồm áo dài từ thân khoác bên ngoài, áo yếm bên trong, váy dài và thắt lưng. Nó gắn liền với những hoạt động đời thường của người phụ nữ xứ kinh Bắc như làm nương rẫy, dệt lụa, nuôi tằm hay tát nước đầu đình. Họ cũng mặc áo tứ thân để đến tham dự các lễ hội đình làng và thường kết hợp cùng khăn mỏ quạ hoặc nón quai thao.

Vào khoảng thế kỷ 17-19, áo tứ thân được những người phụ nữ thành thị biến tấu thành áo ngũ thân. Người ta quan niệm rằng những chiếc áo ngũ thân sẽ mang lại cảm giác sang trọng, quý phái nhiều hơn.

Đến hết thế kỷ 20, áo tứ thân chỉ được xuất hiện trên sân khấu, dịp lễ Tết hay cúng đình chùa, hội Liêm. Ngày nay, nó hầu như chỉ được sử dụng trong những buổi biểu diễn như một cách để quảng bá nét đẹp truyền thống Việt. Thế nhưng có thể nói, dù bao năm tháng trôi qua thì áo tứ thân vẫn là biểu trưng cho một nền văn hóa Kinh Bắc lâu đời và mang đậm hồn người con gái Việt Nam.

Áo tứ thân - không chỉ là hoài niệm

Có thể ngày nay, chúng ta sẽ rất khó để bắt gặp tà áo tứ thân, dải yếm đào hay khăn mỏ quạ ở đâu đấy trong cuộc sống đời thường. Tuy nhiên, trong ngăn tủ của các bà, các mẹ xứ Bắc vẫn luôn có một tà áo tứ thân được lưu giữ cẩn thận để diện vào những dịp quan trọng hay truyền lại cho con cháu.

Hơn nữa, làm sao người ta để áo tứ thân trôi vào hoài niệm hay lãng quên nó khi có vô số những tác phẩm văn học giàu giá trị nhắc nhớ đến chiếc áo đặc biệt này: 

“Nào đâu cái yếm lụa sồi?

Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?

Nào đâu cái áo tứ thân?

Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?”

Đoạn trích trong bài Chân quê của thi sĩ Nguyễn Bính về hình ảnh người con gái xưa. Những câu thơ giản dị và mộc mạc về loại trang phục truyền thống này từ lâu đã trở nên quá quen thuộc với những người dân Việt.

Gần đây, áo tứ thân đã bắt đầu đi vào ngành thời trang với nhiều thiết kế mang tính cách tân, hiện đại hơn. Thậm chí, áo tứ thân còn được các người đẹp Việt mang đi “chinh chiến” ở những đấu trường nhan sắc lớn và luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía công chúng.

Tại những lễ hội truyền thống như Hội Lim, Hội Gò Đống Đa, Hội chùa Keo,... bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ xuất hiện trong tà áo tứ thân. Ở nhiều sân khấu nghệ thuật phục vụ du lịch, người ta cũng mặc áo tứ thân như một cách để quảng bá văn hoá Việt. Chiếc áo tứ thân thấm đẫm hồn quê không chỉ là niềm tự hào của người dân Việt mà còn khiến nhiều du khách quốc tế phải ấn tượng, trầm trồ.