VĂN HÓA

Tiềm năng lớn của thị trường sách nói toàn cầu

Hoài Việt • 29-10-2022 • Lượt xem: 861
Tiềm năng lớn của thị trường sách nói toàn cầu

Nhờ vào sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại, sách nói đang dần quay trở lại trên thị trường và khẳng định tiềm năng nhất định. Có thể nói loại hình này tăng trưởng mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó doanh thu nổi trội nhất là ở Mỹ. Thông qua cách tiếp cận với độc giả bằng âm thanh mà cụ thể là giọng đọc, sách nói được công chúng ủng hộ đông đảo bởi tính tiện lợi mang dấu ấn riêng. 

Với mục đích ra đời vô cùng nhân văn ban đầu là dành cho người khiếm thị và người lớn tuổi, sách nói được nghiên cứu và chính thức ra mắt vào năm 1932 tại Mỹ. Từ đó, sách nói trở thành phương tiện hữu hiệu giúp người cao tuổi có thể dễ dàng đọc được sách ngay cả khi mắt họ dần kém đi. Tuy nhiên không dừng lại ở đó, sách nói giờ đây dần trở thành công cụ sử dụng quen thuộc của tất cả mọi người với độ phủ sóng hết sức rộng rãi. Đặc biệt trong đó có giới trẻ.

Sở hữu hàng loạt ưu điểm riêng mang tính tiện lợi như: không gây mỏi mắt, tích hợp vừa nghe sách vừa làm công việc khác, nhỏ gọn có thể nghe bất cứ lúc nào, có nhạc đệm tăng cảm hứng… sách nói hiện như một phương thức ưu việt được công chúng ưa chuộng. Bắt đầu từ năm 2020, hướng phát triển của sách nói ghi nhận những chuyển mình ngoạn mục. Cụ thể theo công ty nghiên cứu thị trường viễn thông ở Anh - Omdia, báo cáo thống kê doanh thu sách nói toàn cầu đạt mức 4 tỷ USD vào năm này, ước tính tiếp tục tăng lên 4,8 tỷ vào năm 2022 và dự kiến chưa có dấu hiệu ngừng lại vào những năm kế tiếp. Mặt khác, tại Mỹ, Hiệp hội các nhà xuất bản sách nói (Audio Publishers Association) cũng cho biết rằng doanh thu của quốc gia vào năm 2020 là 1,3 tỷ USD. Hơn nữa vào năm 2021 ghi nhận tăng trưởng 23,7% so với năm trước đó và chạm mức ấn tượng ở cột mốc 131,6 triệu USD. Tại Nga, Đức, Tây Ban Nha, Trung Quốc cũng cho biết các mức thống kê phát triển mạnh mẽ tương tự. 

Có thể nói số lượng người dùng tăng không ngừng nghỉ chính là một minh chứng xác đáng cho hướng đi đúng đắn của sách nói. Được biết, tại thị trường Mỹ, Châu Âu hay gần hơn là Trung Quốc, sách nói được ứng dụng kết hợp cùng các phương tiện công cộng như xe buýt, tàu điện hay có cả phương tiện cá nhân như xe hơi trên cao tốc. Đây cũng là một cách để nuôi dưỡng loại hình này. 

Sách nói mang trong mình tiềm lực về phát triển kinh tế số đáng mơ ước. Sau khi phân tích thị trường sách nói toàn cầu và nghiên cứu chi tiết cụ thể hơn ở 20 quốc gia, Omdia đã chỉ ra dự báo tương lai của sách nói vào năm 2026. Con số doanh thu toàn cầu có thể tăng lên 9,3 tỷ USD đi kèm với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 13,9% và người dùng sách nói hàng tháng rơi vào khoảng hơn 337 triệu. 

Lượng người dùng tăng đồng nghĩa với việc các công ty mới gia nhập thị trường nhiều hơn, kéo theo cạnh tranh gay gắt hơn. Từ đó tạo tiền đề cho việc tập trung đầu tư chuyên nghiệp, nâng cấp phương tiện âm thanh, chú trọng trong khâu tìm kiếm nguồn nội dung chọn lọc, đặc biệt cần lưu ý các vấn đề liên quan đến bản quyền. Một số “ông trùm” trong giới thị trường sách nói hiện nay có thể kể đến như doanh nghiệp Audible (thuộc Amazon), Playster, Apple Books, Storytel (công ty Thụy Điển, có trụ sở ở 20 quốc gia), Rbmedia (công ty Mỹ, gồm chuỗi công ty sách nói độc lập khác được mua lại)...

Ở Việt Nam, ngành công nghiệp sách nói cũng nhận được những tín hiệu phát triển đáng kỳ vọng. Theo Statista, nước ta được đánh giá là một thị trường vô cùng tiềm năng với trên 90 triệu dân số, đứng hạng hai Đông Nam Á với 61,3 triệu smartphone đang được sử dụng và văn hoá cập nhật thông tin mọi lúc mọi nơi. Tuy nhiên vẫn còn nhiều rào cản hạn chế cần được xem xét và khắc phục để có thể đáp ứng kịp xu hướng đọc trong tương lai sắp tới.