VĂN HÓA

Tiếng đàn lyre trong thần thoại Hy Lạp

Tam Nguyên • 22-06-2022 • Lượt xem: 3324
Tiếng đàn lyre trong thần thoại Hy Lạp

Lyre là một nhạc cụ có từ thời Hy Lạp cổ đại, được tạo ra từ một khung gỗ hoặc kim loại hình chữ U và những sợi dây căn đều theo kích thước lớn nhỏ. Loại đàn dây này có họ với đàn hạc và đàn khổng hầu ở Trung Hoa, nó được sử dụng trong các buổi tế lễ thời xưa. 

Đàn lyre và thần Apollo

Theo thần thoại Hy Lạp, Hermes là người đã tạo ra đàn lyre và bàn giao nó cho thần Apollo để chuộc lỗi vì đã trộm bò của vị thần này. Apollo là vị thần đại diện cho sự hài hòa, trật tụ và lý trí, là hiện thân của khả năng xua đuổi và tránh né tai ương. Trong các tác phẩm nghệ thuật, thần Apollo thường được miêu tả là một người đàn ông trẻ, đẹp trai, không có râu và thường cầm một cây đàn lyre hay cái cung.

Câu chuyện cảm động về tình yêu của Orpheus

Người góp phần lớn nhất trong việc sáng tạo  cách chơi đàn lyre và thi ca là Orpheus, con trai của vua Oeagrus xứ Thrace và nữ thần thi ca Calliope. Bởi truyền thống nghệ thuật của gia đình, từ nhỏ Orpheus đã bộc lộ tài năng về âm nhạc và thi ca của mình. Có lời kể rằng mỗi khi chàng cất tiếng đàn thì cây cỏ ngừng đung đưa, muôn thú chẳng dám cất lời và thậm chí gió dừng thổi vì sợ làm gián đoạn khúc nhạc kia. 

Sau này, Orpheus gặp được nàng Eurydice, họ yêu nhau như một cơ duyên tiền định từ những ánh mắt đầu tiên và sau đó họ đã cùng nhau tiến hành một lễ cưới linh đình. Cuộc sống của hai người cứ thế trôi qua và tình yêu ngày càng lớn dần, cho đến một ngày khi hai người đi dạo trong vườn và Eurydice bị một con rắn độc cắn phải. Orpheus đã tìm mọi cách cứu chữa cho vợ chàng nhưng cuối cùng đành phải bất lực nhìn người vợ yêu quý ra đi. Từ đó Orpheus sống như kẻ mất hồn, chàng quanh quẩn tìm kiếm hình bóng người vợ của mình và đến một ngày nọ khi không thể chịu được nỗi thương nhớ ấy, chàng đã xuống địa ngục để tìm Hades và cầu xin ông ta trả lại sinh mạng cho Eurydice. 

Bằng tiếng đàn bi thương của kẻ mất đi tình yêu của đời mình, chàng đã lấy được nước mắt của gã lái đò địa ngục và con chó ba đầu Cerberus để đến gặp Hades. Trước Hades và hoàng hậu địa ngục - Persephone, Orpheus kể về nỗi lòng và sự đau khổ của mình khi mất vợ, rồi chàng cất lên một điệu nhạc từ tận đáy lòng mình. Cả chốn địa phủ thê lương, từ những linh hồn vô cảm đến các vị thần đều không cầm được nước mắt trước khúc ca thuần khiết và bi ai. Persephone giàn dụa nước mắt, trong khi Hades lắc đầu thở dài, rồi họ đồng ý cho Orpheus dẫn Eurydice về nhân gian.

Trước khi trở về dương thế, Hades đã dặn dò Orpheus rất kĩ càng: "Trên đường dẫn Eurydice trở về, tuyệt đối không được nhìn lại dù chỉ một lần!" Orpheus nghe theo lời Hades và dẫn Eurydice đi, thoạt đầu chàng vẫn một mực không nhìn về phía sau nhưng đã quá lâu mà chàng không hề nghe thấy Eurydice lên tiếng hay thậm chí là hơi thở và tiếng bước chân của nàng. Bởi vì Eurydice vẫn chưa bước lên dương thế, nàng vẫn còn là người chết và dĩ nhiên chàng không thể nào cảm nhận được sự tồn tại của nàng, và thế là chàng bất giác nhìn lại phía sau. Người vợ của chàng bị hút về phía bóng đêm thăm thẳm và biến mất khi chàng còn chưa kịp gọi tên. Orpheus gào thét trong đau khổ và đuổi theo nhưng lão lái đò địa ngục đã không cho chàng qua sông lần nữa dù chàng đã quỳ mọp 7 ngày 7 đêm. 

Orpheus trở về dương gian, dù cho bất kì một tuyệt sắc giai nhân nào ngỏ lời chàng vẫn không để ý và nhân thế gọi chàng là tên kiêu căng ngạo mạn. Trong một lần dự buổi tiệc của thần rượu nho Dionysus, do khước từ lời mời hẹn hò mà chàng đã bị một đám đàn bà say xỉn đánh chết, chúng vứt xác chàng xuống dòng sông lạnh giá cùng cây đàn Lyre gãy nát. Thương cảm cho cuộc đời và tài năng của Orpheus, thần Apollo đã đưa chàng lên Thiên đường và phong cho chàng làm Thần Âm nhạc. Từ đó, hình ảnh chiếc đàn lyre được coi là biểu tượng của âm nhạc.