VĂN HÓA
Tiếng Việt như thế nào trong mắt người nước ngoài
Hoa Hồng • 11-05-2022 • Lượt xem: 1575

Người ta thường nói “phong ba bão táp, không bằng ngữ pháp Việt Nam". Với chính người Việt còn phức tạp như thế thì trong mắt người nước ngoài, ngôn ngữ của chúng ta sẽ như thế nào?
Nhiều trở ngại khi bắt đầu
Hầu hết những người nước ngoài khi bắt đầu tiếp xúc với tiếng Việt đều than vãn rằng đây là một ngôn ngữ rất khó. Thực tế, tiếng Việt của chúng ta đã từng đứng thứ 3 trong top ngôn ngữ “khó nuốt" nhất thế giới trong vài bảng xếp hạng và thuộc nhóm khó trung bình theo kết quả của Viện Dịch vụ Đối ngoại của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Chính sự linh hoạt trong cấu trúc câu của tiếng Việt đã khiến nó trở thành ngôn ngữ khó đối với nhiều người ngoại quốc. Bên cạnh đó, việc phát âm tiếng Việt đối với người ngoại quốc thực sự là một vấn đề khi nó tồn tại đến với tông giọng, quá nhiều nguyên âm khác với tiếng Anh và các ngôn ngữ khác.
Cực kỳ gợi thanh và nổi bật
Hệ thống thanh điệu khiến tiếng Việt trở thành “nỗi ác mộng" với nhiều người nước ngoài, song chính điều này lại giúp chúng tạo nên đặc trưng và sức hút riêng biệt. Trong mắt bạn bè quốc tế, tiếng Việt luôn cực kỳ gợi thanh và vô cùng nổi bật.
Nhiều người nước ngoài còn gọi tiếng Việt là ngôn ngữ “chân thành" vì có vẻ như chúng ta luôn có rất nhiều cảm xúc trong từng lời nói. Cũng nhờ đó mà ngay từ lần đầu tiếp xúc với tiếng Việt, họ đã phải bất ngờ công nhận ngôn ngữ này có một sự hấp dẫn và vẻ đẹp rất riêng biệt.
Không khó như “lời đồn"
Một phần vì những đặc trưng riêng và phần vì không phải ngôn ngữ phổ biến trên thế giới nên việc học nó trở nên mơ hồ, khó định hướng. Cũng vì thế mà tiếng Việt vẫn thường bị mặc định là khó nhằn.
Tuy nhiên theo nhiều người nước ngoài, ngôn ngữ của chúng ta thực chất không phải là quá khó. Thậm chí, ngữ pháp tiếng Việt còn dễ hơn nhiều quốc gia khác vì tiếng của họ còn có giống đực, giống cái, số nhiều hay các dạng thức khác nhau của động từ.
Việc xưng hô trở thành rắc rối
Nếu như tiếng Anh chỉ có 2 đại từ để xưng hô là “you" và “me" thì tiếng Việt lại có rất nhiều từ để chỉ từng đối tượng khác nhau như: ba, mẹ, anh, chị, cô, dì, chú, bác... Cũng vì thế mà khi học tiếng Việt, việc xưng hô bỗng trở thành rắc rối lớn.
Với những người mới bắt đầu học tiếng Việt, trường hợp lẫn lộn đại từ nhân xưng là rất thường xảy ra. Sự nhầm lẫn này đã dẫn đến rất nhiều câu chuyện hài hước, “dở khóc dở cười".
Nhiều “nghịch lý” thú vị
Khi tìm hiểu và nghiên cứu tiếng Việt, nhiều người nước ngoài đã vô cùng bất ngờ khi nhận ra trong cả chục nghìn từ mà chúng ta dùng để giao tiếp, nói chuyện hằng ngày có rất nhiều điểm bất thường nhưng cũng vô cùng hợp lý. Ví dụ như cụm “lạnh” - “ấm" vốn mang nghĩa đối lập nhưng người Việt lại dùng “áo ấm” hoặc “áo lạnh” để chỉ cùng một món đồ.
Ngoài ra, chúng ta cũng vẫn thường dùng “trên” trong ngữ cảnh “cái gì đó treo trên trần nhà". Song thực tế những thứ ấy lại được treo “dưới" trần nhà. Nhìn chung, người Việt có phần hơi cảm tính trong đánh giá sự vật bởi thế mà đúng - sai trong tiếng Việt là rất khó để phân biệt rạch ròi.
Ngôn ngữ “cuốn” người ta vào văn hóa đất nước
Tiếng Việt chất chứa trí tuệ dân gian, từ vựng dồi dào và vô cùng phong phú. Đặc biệt, ngôn ngữ của chúng ta còn có kho tàng ca dao tục ngữ vô cùng đa dạng chất chứa nhiều bài học quý giá của cha ông và truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Nhờ đó, tiếng Việt đã giúp nhiều người nước ngoài cảm thấy gắn bó và muốn tìm hiểu về văn hoá Việt nhiều hơn. Có lẽ chính điều này mà nhiều người ngoại quốc khi tìm hiểu về ngôn ngữ đã ngày một có thêm hứng thú và tìm hiểu về nó và cả đất nước hình chữ S.