VĂN HÓA

Tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương: từ tranh cãi đến xuất bản tại Hàn Quốc

Khanh Khanh • 29-10-2023 • Lượt xem: 2458
Tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương: từ tranh cãi đến xuất bản tại Hàn Quốc

Theo dòng chuyển động của văn học Việt Nam đương đại, có thể nói nhà văn Nguyễn Bình Phương là cái tên tạo dấu ấn dị biệt với lối văn “khác thường". Hành trình xuất bản các tác phẩm của Nguyễn Bình Phương luôn gây tranh cãi, trong đó nổi bật nhất là tiểu thuyết “Mình và họ". Sau thời gian dài vừa lắm truân chuyên nhưng cũng thu quả ngọt, vừa qua, “Mình và họ” được chuyển ngữ và giới thiệu đến độc giả tại Hàn Quốc.

Cụ thể, họp báo ra mắt “Mình và họ” (Nhà xuất bản Asia) bản chuyển ngữ tiếng Hàn được diễn ra vào sáng ngày 26/10 với sự tham dự của tác giả Nguyễn Bình Phương. Theo đó, tác phẩm được chuyển ngữ bởi dịch giả Ha Jae-Hong - người đã từng dịch hơn chục đầu sách văn học Việt Nam và xuất bản tại Hàn Quốc. Có thể nhắc đến một số bản dịch nổi bật như: “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh và “Cánh đồng bất tận" của Nguyễn Ngọc Tư, “Chí Phèo” của Nam Cao. Được biết, Ha Jae-Hong từng là nghiên cứu sinh khoa Văn học Việt Nam và có mối quan hệ thân thiết với nhiều nhà văn Việt. Ông bày tỏ niềm say mê khi cảm được văn hóa Việt Nam thông qua các tác phẩm văn học và tin tưởng rằng đây sẽ là cầu nối để hai dân tộc có thể hiểu và yêu nhau hơn. 

Thông tin từ hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) - trang Naver đưa ra rằng, câu chuyện trong “Mình và họ" tạo ra thế giới đầy suy tư cho người đọc về ý nghĩa của chiến tranh, nỗi đau và hành trình khó khăn của nhân vật chính. Tác phẩm “Mình và họ" gặt được nhiều thành công, minh chứng bởi giải thưởng Tác phẩm xuất sắc nhất của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2015 và giải Nhất Giải thưởng sáng tác về biên giới và biển đảo vào năm 2020. Không đơn thuần là một tác phẩm để hiểu, “Mình và họ" mang đến những trải nghiệm và giá trị riêng đối với từng cá nhân độc giả khác nhau. 

Không chỉ được chuyển ngữ sang tiếng Hàn, tác phẩm “Mình và họ" còn được giới thiệu trong thế giới nói tiếng Anh và tiếp đến là xuất bản bằng tiếng Trung, tiếng Ý, tiếng Pháp vào thời gian sắp tới. Trước đây vào năm 2019, “Thoạt kỳ thuỷ” và “Trí nhớ suy tàn" (NXB Riveneuve) của Nguyễn Bình Phương cũng lần lượt được dịch và xuất bản tại Pháp vào năm 2014 và 2019.

Ngay từ khi vừa ra mắt, “Mình và họ" đã gây chấn động văn đàn. Văn của Nguyễn Bình Phương được đa phần ý kiến cho rằng là khó đọc, muốn tiếp nhận và hiểu đòi hỏi phải kiên nhẫn ngẫm qua nhiều lần. Hơn thế, không ai cảm nhận giống ai. Nhà văn Đinh Phương nhận định: “Tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương thuộc loại đọc một lần không thấy hay, nhưng qua mỗi lần đọc thì lại phát hiện một giá trị khác!”. Đặc biệt, các tác phẩm của Nguyễn Bình Phương thu hút lượng lớn độc giả là người trẻ khiến các nhà phê bình lẫn báo giới không khỏi bất ngờ. 

Nhà văn Bảo Ninh cho rằng đây là “một kiệt tác khiến tôi ghen tị". Dù chỉ hơn 300 trang nhưng “Mình và họ" được Nguyễn Bình Phương kiến tạo theo cấu trúc thời gian phi tuyến tính, phá vỡ cấu trúc tiểu thuyết. Từ đó, tạo nên một thế giới đa tầng khác với thực tại gồm nhiều mặt đối lập, chồng ghép hai câu chuyện, ranh giới giữa thực và hư, sống và chết, quá khứ và hiện tại, chiến tranh và hòa bình hay “mình và họ". Chính kỹ thuật liên văn bản đã tạo nên nhiều gợi mở trong phương thức tiếp nhận. Trong chính cái bối cảnh hiện thực trộn lẫn bất phân định, số phận con người nhỏ bé trở thành nỗi ám ảnh: “bên trong một cái cây ở vùng này là gì” và “bên trong một con người có cái gì”...? 

Cho đến nay, Nguyễn Bình Phương sở hữu 10 tiểu thuyết kể từ khi ra mắt lần đầu vào năm 1991. Ông cũng là tác giả duy nhất nhận được hai giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Hà Nội trao tặng cho một tác phẩm văn và một tác phẩm thơ. Một nhà văn đương đại tiêu biểu được nhiều nhà nghiên cứu văn học gửi gắm kỳ vọng đưa nền văn học nước nhà phát triển xa hơn với lối diễn ngôn riêng của chính mình.