VĂN HÓA

Tìm về ký ức tuổi thơ với chuồn chuồn tre Thạch Xá

An Nhiên • 12-05-2022 • Lượt xem: 729
Tìm về ký ức tuổi thơ với chuồn chuồn tre Thạch Xá

Những người con trên mảnh đất Hà Nội dù có đi xa đến đâu, có trải qua vô số trò chơi và những điều mới mẻ trong cuộc sống, thì vẫn không thể quên được trong ký ức tuổi thơ, hình ảnh những chú chuồn chuồn tre đơn sơ mà bình dị. Ngày nay, trước những lo toan, bộn bề cuộc sống, liệu chúng ta có còn thấy được những hình ảnh ấy?  

Nghề làm chuồn chuồn tre đã gắn bó với người dân làng Thạch Xá từ bao đời nay, từ nguyên vật liệu là tre xanh - biểu tượng đẹp đẽ của dân tộc Việt Nam, dưới bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đã cho ra đời món đồ chơi vô cùng độc đáo. Chúng ta đều có một thời tuổi thơ, nhưng không phải ai cũng may mắn được gắn bó với hình ảnh đồng ruộng, lũy tre và những món đồ chơi dân dã, quen thuộc, “chuồn chuồn tre Thạch Xá” đã khiến những đứa trẻ xa quê hương không khỏi nhớ đến những kỉ niệm một thời.

Làng nghề làm chuồn chuồn tre với hơn 20 năm tuổi nghề tại xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội luôn là nơi níu chân khách du lịch bởi những con chuồn tre đầy màu sắc. Cứ ngỡ đơn giản thôi, nhưng điều đặc biệt khiến mọi người thích thú là chúng có thể đậu được ở khắp mọi nơi nhờ nguyên lý cân bằng trọng lực. Khác với những món đồ chơi cầu kì khác, chuồn chuồn tre không cần phải gắn một thiết bị hay động cơ nào.

Chuồn chuồn tre nhìn thì đơn giản vậy, nhưng nhắc đến công đoạn làm là rất cầu kỳ và tốn nhiều thời gian lắm. Tre được chọn phải là những cây được chọn kỹ ở Hà Giang, Vĩnh Phúc… Tre dài, mỏng được đem về cạo sạch, phơi khô rồi sấy cho trắng. Điều đặc biệt là tre phải được phơi khô tự nhiên, không ngâm hay bị mối mọt.

Tiếp đó sẽ là phần tạo hình, phần này cực kỳ rắc rối vì trải qua khá nhiều công đoạn như: cắt chia từng bộ phận cánh, thân, mỏ, của chuồn chuồn. Kế đến là vót thân, uốn mỏ cho cong, lắp ghép cánh vào thân và cuối cùng là sơn vẽ. Khó nhất là khâu chắp cánh vào thân vì người thợ phải đo đạc cẩn thận, tính toán kỹ lưỡng để chuồn chuồn dù không được hỗ trợ bởi một thiết bị nào nhưng vẫn có khả năng đậu lên cây vững và cân đối.

Cuối cùng sẽ là khâu trang trí họa tiết lên chuồn chuồn. Có thể nói đây là khâu thể hiện được trí sáng tạo bay bổng của người làm. Nếu như chọn tre cần đến sự dày dặn kinh nghiệm của những người lớn tuổi thì đến khâu này người trẻ có thể tham gia. Chính vì thế nói chuồn chuồn tre gắn liền với kỉ niệm tuổi thơ là vậy. Các bạn trẻ có thể được chiêm ngưỡng người thân mình làm qua từng công đoạn, được tham gia điểm tô màu sắc cho chuồn chuồn và cuối cùng là chơi đùa với chúng thì còn gì tuyệt vời hơn đúng không nào!

Cứ như thế chuồn chuồn tre dần được hoàn thiện qua đôi bàn tay của nhiều thế hệ và gắn liền với ký ức tuổi thơ của mỗi người. Chuồn chuồn tre càng độc lạ, càng hút mắt nhiều du khách mỗi lần đến Hà Nội không chỉ vì đây là trò chơi dân dã, mà còn là tài năng của những bàn tay khéo léo đã làm, đã trang trí với cảm hứng không đâu xa từ những vật liệu, những hình ảnh quen thuộc từ đời sống làng quê. 

Chuồn chuồn tre Thạch Xá mộc mạc là thế, thân thương là thế, đâu đó trong hình ảnh này, ta bắt gặp lại một thời tuổi thơ đã xa, ở đó mỗi người không cần phải lo nghĩ về những chuyện tương lai, không còn bị cuống vào những bộn bề công việc, chỉ có bờ tre, lũ bạn, và bóng dáng con chuồn chuồn đầy màu sắc bay lượn trên tay.