VĂN HÓA

Tìm về nét Trung thu truyền thống với làng nghề làm đồ chơi Ông Hảo

Lan Hương • 27-09-2023 • Lượt xem: 2325
Tìm về nét Trung thu truyền thống với làng nghề làm đồ chơi Ông Hảo

Giữa những sản phẩm đồ chơi đẹp mắt liên tục ra đời cho các em vui Tết Trung thu hiện đại, đâu đó vẫn còn rất nhiều nơi gìn giữ kỷ niệm xưa cũ bởi những món đồ chơi dân gian, ghi dấu trong lòng bao thế hệ một thời. Một trong những làng nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống vẫn lưu giữ và nổi tiếng đến tận bây giờ chính là làng Ông Hảo.

Làng Ông Hảo còn được gọi là làng Hảo, có địa chỉ tại xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Chỉ cách Hà Nội chưa tới một giờ lái xe chúng ta sẽ đến được nơi khởi thủy làm đồ chơi Trung thu truyền thống có tuổi đời dễ đến khoảng 60 năm có lẻ.

Từ khoảng những năm 1961, lúc đấy người dân làng nghề chủ yếu làm trống đồ chơi. Sau này làng đã phát triển thêm nhiều loại đồ chơi khác như mặt nạ, đầu lân, đèn kéo quân… đa dạng kiểu dáng và đậm đà bản sắc dân tộc.

Làng Ông Hảo với các loại đồ chơi Trung thu truyền thống.

Không giống với các xưởng đồ chơi ở nhiều nơi, làng Ông Hảo chuyên sản xuất ra các sản phẩm hoàn toàn bằng bằng phương pháp thủ công vô cùng tỉ mỉ, kiểu dáng đơn sơ mà gần gũi từ các nguyên liệu dân giã, thiên nhiên như giấy bồi, tre nứa, bìa các tông…

Có thể kể đến như đèn kéo quân, đèn ông sao được làm từ tre, nứa, da trâu, gỗ dùng làm trống, mặt nạ được phù phép từ giấy báo phế liệu hay giấy bìa, đến cả chất keo dùng bồi giấy cũng được làm từ bột quấy đặc, các nguyên vật liệu đều thân thiện với môi trường.

Các loại đồ chơi đều được làm từ vật liệu thân thiện với người dùng.

Mặt nạ giấy bồi thu hút bao lớp trẻ

Để làm được hoàn chỉnh một chiếc mặt nạ từ giấy bồi khắc họa các nhân vật trẻ con yêu thích như chú Tễu, ông Địa, thằng Bờm hay các con giáp, người thợ sẽ dựa trên cốt  hay còn gọi là khuôn mẫu từ xi măng, rồi bồi thôi bằng giấy mộc. Công đoạn này thực hiện bằng cách xé nhỏ giấy bão cũ, bìa các tông rồi dán thành nhiều lớp bằng hồ đến khi thành hình mặt nạ. Cốt mặt nạ sau khi bồi đủ độ cứng sẽ được phơi khô, cắt viền và sơn màu hoàn thiện.

Mặt nạ giấy bồi với nhiều mẫu mã bắt mắt

Công đoạn vẽ màu là quan trọng nhất, đòi hỏi người thợ phải có tay nghề vững, cộng với khiếu thẩm mỹ cùng sự sáng tạo để chiếc mặt nạ có hồn và không bị trơ cứng. Để màu sắc không tươi sáng và không bị lem, lớp màu này khô mới được vẽ lớp mới, chiếc mặt nạ nhiều màu sẽ phải tô vẽ nhiều lần, tuy tốn nhiều thời gian nhưng nước sơn sau khi khô sẽ lên màu nổi bật và rực rỡ. Vẽ đầu lân là khó nhất, nhiều người thợ cho biết, bởi nó đòi hỏi các đường nét cầu kỳ, tuy nhiên cũng vì thế mà giá thành sẽ cao hơn. Mặt nạ sau khi vẽ được phủ một lớp sơn bóng để giữ màu và tăng độ bền cho sản phẩm.

Công đoạn thổi hồn cho từng chiếc mặt nạ giấy bồi.

Những chiếc mặt nạ giấy bồi qua đôi bàn tay khéo léo của người thợ làng Ông Hảo đã hiện ra sinh động, mang dáng dấp thuần Việt, mang hồn cốt dân tộc bao đời. Không chỉ có thế, nó còn thể hiện sự duyên dáng, nét hóm hỉnh và một nền văn hóa không thể trộn lẫn của người dân Việt.

Trung thu không thể thiếu trống ếch

Trống gỗ là mặt hàng sơ khai của làng nghề Ông Hảo, trống được làm từ da trâu bò và gỗ. Đầu tiên người ta ngâm da trong nước vôi để tẩy màu khoảng 5 – 7 ngày, trong thời gian ngâm cứ cách 1, 2 ngày lại trở mặt để nước vôi ngấm đều, nếu không da sẽ bị khô và loang ố, màu không đẹp.

Trống gỗ là món đồ không thể thiếu trong Tết Trung thu xưa của nhiều người.

Thời gian ngâm da trong nước vôi được căn chỉnh cẩn thận bởi nếu ngắn quá, vớt da ra sớm da sẽ bị non và lên màu không đều. Ngược lại nếu vớt da trễ, da chín quá sẽ bị thối và hư hỏng. Da sau khi đã đủ độ chín tới được vớt ra, phơi khô và cắt thành từng miếng tròn để giáp vào thân trống (công đoạn này được gọi là bưng trống).

Tang trống (thân trống) được làm từ gỗ mỡ hoặc gỗ bồ đề vì đây là các loại gỗ xốp, dễ tạo hình, đục đẽo. Trước kia trang trống được đẽo bằng tay, ngày nay với sự hỗ trợ của máy móc, công đoạn này được rút ngắn lại, người thợ bây giờ chỉ tập trung vào phần xử lý da và bưng trống.

Thời gian đầu làm trống người ta bưng trống bằng đinh vầu, đinh được vót bằng tre có kích cỡ nhỉnh hơn cái tăm một ít. Để đinh vầu ghim cố định mặt da vào tang trống phải đục từng lỗ trên tang trống, dùng kéo cắt phần đinh thừa còn lại và mài nhẵn để mặt trống không còn gồ ghề, không làm xước tay chân người chơi. Giờ phương tiện sẵn hơn, việc bưng trống không vất vả như trước, người thợ đã thay bằng đinh ghim hình chữ U, chỉ cần bóp cò súng bắn ghim là đinh đã bám chắc trên mặt trống.

Nếu như làm mặt nạ giấy bồi công đoạn quan trọng nhất là vẽ màu thì với làm trống, quy trình bưng trống cũng là công đoạn cần sự khéo léo và tay nghề lâu năm của người thợ. Nếu bưng quá căng, trống đánh không tròn tiếng, nếu quá chùng tiếng lại non, sản phẩm sẽ nhanh hỏng. Mất khoảng 5 – 10 phút để người thợ lành nghề bưng hoàn thành một chiếc trống cỡ nhỏ. Trống sau khi bưng được đem phơi một hoặc hai ngày nắng cho khô rồi quét sơn và vẽ hoa văn đẹp mắt.

Công đoạn phủ sơn trang trí trống gỗ.

Không chỉ đơn thuần là giải trí, đồ chơi Trung thu dân gian còn là công cụ để nhắc nhớ, nuôi dưỡng thế hệ trẻ về tinh thần hiếu học, gìn giữ truyền thống, nét văn hóa đặc sắc và cả hồn cốt dân tộc mà cha ông để lại.