VĂN HÓA

Trăm năm 'kẻ chợ' Sài thành: Lập chợ vì nhớ món quê

DDVN • 06-05-2022 • Lượt xem: 267
Trăm năm 'kẻ chợ' Sài thành: Lập chợ vì nhớ món quê

TP.HCM có những khu chợ mang theo hồn cốt của ẩm thực người di cư như: muốn ăn món Bắc thì ghé chợ ông Tạ, chợ Hoàng Hoa Thám, chợ Phạm Văn Hai… Ai ăn món Quảng thì qua chợ đặc sản Bà Hoa.

Ngược thời gian về những năm trước 1975, người di cư tứ xứ đến Sài Gòn lý giải: Chợ gắn với đời sống, văn hóa của họ dù tha phương cầu thực. Họ lập chợ vì nhớ những món mang hồn cốt, hào khí quê hương một thuở.

Nghĩa tình của bà Hoa xưa trong chợ mới

Bà Nguyễn Thị Huê, 62 tuổi, nhà ở xã Vĩnh Lộc B (H.Bình Chánh), đã bán cá ở chợ Bà Hoa (Q.Tân Bình) tròm trèm 50 năm. Bà Huê kể xưa chợ này như vắng hơn bây giờ, nhưng chỉ có lên chợ này bà Huê mới bán được các loại cá ruộng như cá rô, cá sặc, cá lóc nhỏ, cá lòng tong… “Nền chợ khi ấy rong đóng dày, muốn bán phải chà mới có chỗ ngồi. Sau nhiều lần tu sửa, tới năm 2003, người ta che tôn, cất chợ lên bán mới bắt đầu sung túc như bây giờ”, bà Huê nói.


Bà Thập dân chợ Ông Tạ nay chuyển về chợ Phạm Văn Hai

Ông Huỳnh Kha, 65 tuổi, vốn là người Quảng Nam, di cư vào Sài Gòn từ những năm 1960, hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh P.11, Q.Tân Bình, kể về gốc tích chợ: Xưa có nhóm thương phế binh chế độ cũ vô ở khu Bảy Hiền này. Họ nói “Người cày có ruộng thì phế binh có nhà”, nên chiếm đất của dân làm nhà ở hay mua đi bán lại. Trong vùng này thời đó có bà Hoa, bà Nghĩa nổi tiếng lắm đất, xây cất nhà cho thuê. Khu đất của bà Hoa ở chợ bây giờ cũng bị thương phế binh chiếm luôn. Nhưng chồng bà Hoa hồi ấy hình như là ông dân biểu chế độ cũ. Ổng mang cảnh sát dã chiến, lính quân cảnh vô giật sụp hết khu nhà thương phế binh năm 1969, năm 1970 thì xây nên khu phố chợ có hình chữ U, bọc lồng chợ bên trong. Lúc đầu chợ này có tên là chợ Linh Hoa, đặt theo tên bà “Nguyễn Thị Hoa”, người xây chợ.

Theo ông Kha, chợ này toàn người Quảng Nam vì đợt di cư lớn vào năm 1950 đến cuối thập niên 1960, khi chiến tranh miền Trung vào giai đoạn khốc liệt. “Khi họ vào được vài năm thì mua nhà, đất ở quanh khu Bảy Hiền, mang theo nghề dệt vải ở quê vào. Chợ Bà Hoa xây được 5 năm thì giải phóng, bà Hoa bán lại cho hầu hết những người xứ Quảng rồi đi nước ngoài. Vì vậy khu này giờ người Quảng có lúc chiếm đến 90%, giờ cũng còn đến 60 - 70%. Hiện trạng nhà và lồng chợ cấu trúc vẫn giữ nguyên, chỉ chỉnh trang lại, bà con người Quảng mang theo đặc sản quê vào bán nên mới có tên gọi là chợ đặc sản Quảng Nam, nhưng vẫn hay gọi chợ Bà Hoa để nhớ ơn người xây chợ”, ông Kha nói.


Bà Ngất bán bánh tét xứ Quảng, chứng nhân của những người kẻ chợ ở chợ Bà Hoa xưa - nay

Bà Ngất, 83 tuổi, một “lão làng” của chợ, còn bán bánh ú, bánh tét xứ Quảng, là người mua lại nhà bà Hoa ở khu phố chợ này trước 1975, kể: “Cách đây khoảng chục năm, bà Hoa có về thăm chợ. Tôi được nói chuyện với bà Hoa mấy lần. Tôi mua cái nhà ni vì hồi 1973, thấy bà bán hết nhà cửa, gom vàng rồi vội vã lên máy bay đi liền. Tôi còn nhớ tướng bả bự lắm, như cái ông vậy. Bả làm nhà hay lắm, chắc chắn, ở tới giờ còn khỏe. Hồi tôi mua nhà ở dãy trệt là 3,5 cây vàng, khu có nhà lầu là 6 - 7 cây. Bả chỉ bán nhà bằng vàng thôi”. Bà Ngất kể trong những lần về thăm lại chốn xưa, bà Hoa nói bà không tiếc khu chợ cũ đã tặng cho nhà nước mà thấy bà con làm ăn sung túc ở khu chợ này, bà cũng phấn khởi.

Bà Phan Thị Xuân Hương, 52 tuổi, bán tạp hóa đường đậu xứ Quảng, là thế hệ thứ 3 bán ở chợ Bà Hoa. Bà kể: “Nhà tôi cũng mua lại của bà Hoa trước 1975. Lúc đầu bán ở trong chợ mấy chục năm, sau dịch ế quá mới dọn về trước cửa nhà. Chợ này người gốc xứ Quảng mang đặc sản từ quê vào bán: mắm nêm, ruốc, đậu phộng… nên phải nói là sống nhờ vào đặc sản miền Trung”.


Chợ đặc sản xứ Quảng nay đổi tên là chợ phường 11

“Canh bún An Lạc, kẹo lạc Quế Hương”

“Tôi nghe kể chợ Ông Tạ do một phụ nữ có tên Trần Thị Nên thuê đất lập năm 1956, bên cạnh có tiệm thuốc Nam của ông Tạ nổi tiếng trong vùng. Chợ Ông Tạ không phải là kiểu chợ nhà lồng, có mái che như các chợ khác. Chợ chủ yếu có các cửa hàng trong nhà dân và các sạp bán hàng bày trên vỉa hè khu ngã ba Ông Tạ. Rau quả chợ Ông Tạ luôn tươi mới vì được đưa từ vùng Bà Quẹo, Hóc Môn xuống bằng xe ngựa vào mỗi sáng sớm”, bà Nguyễn Thị Thập, 67 tuổi, một người có 3 thế hệ bán ở chợ Ông Tạ (Q.Tân Bình), kể.

Sạp rau của bà Thập bây giờ do cô con gái Nguyễn Thụy Thu Trâm, 36 tuổi, bán nối tiếp mẹ ở chợ mới Phạm Văn Hai, sau khi chợ Ông Tạ giải tỏa. Gia đình bà Thập theo đạo thuộc giáo xứ Tân Chí Linh, di cư vào Sài Gòn năm 1954. Thời ba mẹ bà Thập bán trầu cau ở chợ Ông Tạ từ năm 1967. Lúc bé, bà Thập theo mẹ và chị đi bán buôn khi mới 13 tuổi. Bà nhớ lại: “Hồi đó nhà tôi bán trầu cau, sau bán thêm rau củ. Tôi còn nhớ theo dòng người Bắc di cư 1954, những đặc sản “Bắc kỳ” thời đó cũng theo vào chợ Ông Tạ như: thịt chó, thuốc lào, giò chả, lá dong, bún chả. Nhất là có câu vè “Canh bún An Lạc, kẹo lạc Quế Hương” lưu truyền từ thời tôi còn bé, cứ độ tết về là náo nức được ba mẹ mua cho bánh mứt hay kẹo lạc Quế Hương”.


Chợ Bà Hoa nổi tiếng với các món bánh tráng, bánh đập… xứ Quảng

Sau khi giải tỏa chợ Ông Tạ, khu đất chợ cũ bây giờ là Trường tiểu học Phạm Văn Hai. Tiểu thương chợ cũ chuyển về các chợ khác bán món Bắc đặc trưng như chợ Phạm Văn Hai, Hoàng Hoa Thám. Dọc con đường Tân Thới Hòa, một chợ tự phát cũng mọc lên theo bên ngoài lề đường khiến cho bà con trong lồng chợ Phạm Văn Hai bán buôn ế ẩm. Bà Thập than: “Chợ bán chậm lắm, tôi bán mớ rau 8 ngàn đồng cũng phải nhặt sạch sẽ cho người ta. May giờ còn có khách quen mua ủng hộ mới sống được. Nhưng trách sao được, nếp chợ là vậy, khách mua thấy tiện thì ghé, họ cưỡi xe đi một vòng là mua đồ xong, khỏi gởi xe, lấy xe, vừa tốn tiền vừa mất công”.


Chị Phan Thị Xuân Hương, 52 tuổi, bán tạp hoá đường đậu xứ Quảng

(còn tiếp)

Theo Lê Vân/Thanhnien.vn