VĂN HÓA

Tranh khỏa thân đầy tính nghệ thuật của cố họa sĩ Nguyễn Ngọc Thọ

Ngân Nguyễn • 04-01-2024 • Lượt xem: 1727
Tranh khỏa thân đầy tính nghệ thuật của cố họa sĩ Nguyễn Ngọc Thọ

Tại triển lãm 75 bức tranh của họa sĩ Nguyễn Ngọc Thọ, nhiều người phải bất ngờ vì phụ nữ khỏa thân phong cảnh Việt Nam là chủ đề nổi bật trong tranh của ông. 

Mới đây, tại Không gian văn hóa Việt (16 Lê Thái Tổ, Hà Nội), gia đình nhà sưu tập Đào Danh Hưng - Trần Cường khai mạc triển lãm các tác phẩm của cố họa sĩ Nguyễn Ngọc Thọ. Được biết, đây là lần đầu tiên có một triển lãm trưng bày riêng với 75 tác phẩm của họa sĩ trong suốt thời gian sáng tác nghệ thuật của ông. Bởi lẽ khi sinh thời, dù là một nghệ sĩ có cá tính sáng tạo nhưng ông chỉ lẳng lặng cống hiến cho nền nghệ thuật mà không tổ chức một triển lãm cá nhân nào. Cho đến 5 năm sau khi mất, công chúng mới được chứng kiến nét tài hoa của cố nghệ sĩ. 

Có thể nói, cố họa sĩ Nguyễn Ngọc Thọ (1925 - 2016) thuộc thế hệ thứ ba của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, sau “Đông Dương” và “Kháng chiến”. Ông là một họa sĩ khá có tiếng thời bấy giờ và cũng là 1 trong 76 học viên của khóa Tô Ngọc Vân (1955-1957) - khóa đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. 

Sinh thời, cố họa sĩ được trao nhiều giải thưởng tại các triển lãm mỹ thuật trong nước và quốc tế như Huân chương kháng chiến hạng nhì (1986), giải thưởng 35 năm Hội Mỹ thuật Việt Nam, Huân chương lao động hạng nhất (1992), huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam (1997), huy chương Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (1999).

Nói về sự nghiệp sáng tác nghệ thuật của cố họa sĩ thì sơn mài, sơn dầu, bột mầu, màu nước và tranh khắc gỗ đen trắng là những thể loại tranh làm nên tên tuổi của Nguyễn Ngọc Thọ. Các tác phẩm của ông nổi bật ở việc đậm chất Á Đông, mang hơi thở và tinh thần của thời đại, mang dấu ấn văn hóa, lịch sử qua nhiều giai đoạn có tính bước ngoặt, góp phần ca ngợi tinh thần, vẻ đẹp con người, quê hương Việt Nam. 

Tại triển lãm lần này, hơn 70 tác phẩm chủ yếu là tranh sơn mài được chọn ra trong bộ sưu tập của gia đình nhà sưu tập Đào Danh Hưng - Trần Cường. Chia sẻ về cơ duyên có được bộ tranh quý giá, nhà sưu tập Trần Cường cho biết: "Thời điểm đó, họa sĩ Nguyễn Ngọc Thọ tuổi cao sức yếu, phải điều trị trong bệnh viện. Chiêm ngưỡng, xúc động trước tác phẩm, đồng thời hiểu rõ họa sĩ điều trị rất tốn kém, chúng tôi đã nhận sự chuyển nhượng từ gia đình họa sĩ. Bộ sưu tập đồ sộ hôm nay được tích lũy trong suốt quá trình dài, khoảng 5 năm. Có thể khẳng định, đây là một bộ tranh khá đầy đủ, khẳng định rõ nét chân dung, cống hiến của họa sĩ Nguyễn Ngọc Thọ bằng mọi chất liệu, nhiều kích thước, qua nhiều giai đoạn gắn với sự thay đổi của đời sống, lịch sử, văn hóa của nước nhà".

Và ở triển lãm này, nhà sưu tập Trần Cường giới thiệu đến với giới mộ điệu những bức vẽ phụ nữ khỏa thân vô cùng tinh tế, đầy tính nghệ thuật, rung cảm. Đây đều là những thiếu nữ Hà Nội tuyệt đẹp ở dung mạo lẫn khí chất bên cạnh đó còn có những bức vẽ con giống rất thú vị. Nhiều người yêu nghệ thuật sau khi xem tranh của Nguyễn Ngọc Thọ cho rằng ở tranh của ông, các thiếu nữ đều rất có hồn, thu hút bởi mái tóc đen dài óng ánh, bởi đôi mắt to tròn và thân hình gợi cảm, không thô tục. Ông đã dùng nét bút, màu sắc nghệ thuật riêng của mình để vẽ nên vẻ đẹp thiếu nữ Hà Nội của một thời mà rất có thể khó tìm ở thời nay. 

Mặt khác, trong những bức tranh dê, ngựa, gà và bức Cơn lốc cho thấy rõ những thử nghiệm táo bạo về bút pháp, phong cách của Nguyễn Ngọc Thọ. Trong khi đó ở tranh phụ nữ, ông không quan tâm tới phong cách mà chỉ một lòng vẽ sao cho ra được cái hồn nhân vật. Nhìn chung, với một người sáng tạo nghệ thuật thì việc làm rung cảm khán giả, lay động công chúng, những người yêu nghệ thuật, cùng đồng điệu trong tâm hồn là một việc không hề dễ dàng. Nhưng với Nguyễn Ngọc Thọ, ông đã làm được, thậm chí còn làm hay hơn thế nữa và chọn cách giản dị, mộc mạc nhất từ trái tim nghệ thuật của ông để đi thẳng đến trái tim của khán giả. 

Vì lẽ đó, nhận xét về những tác phẩm khỏa thân của cố họa sĩ, nhà sưu tập Trần Cường khẳng định: "Tác phẩm nude của họa sĩ Nguyễn Ngọc Thọ đầy tính nghệ thuật, người xem bị cuốn hút bởi vẻ đẹp của người phụ nữ nhưng không mang tính dung tục". Hơn thế nữa, họa sĩ Lê Huy Tiếp - học trò của họa sĩ Nguyễn Ngọc Thọ bày tỏ lòng biết ơn và sự trân trọng dành cho cố họa sĩ gói gọn trong 3 từ "lãng tử, đam mê, sáng tạo".