VĂN HÓA

Triển lãm bộ tranh Kiều pháp lam độc bản: thu hút hàng trăm khách tham quan

Thi Thơ • 05-07-2022 • Lượt xem: 1178
Triển lãm bộ tranh Kiều pháp lam độc bản: thu hút hàng trăm khách tham quan

Bộ tranh chủ đề “Kiều” lần đầu được chế tác bằng kỹ thuật pháp lam Huế đã được triển lãm tại Cung An Định (Huế). Hoạt động đã thu hút nhiều du khách đến tham quan ngay trong ngày khai mạc Festival Huế 2022.

Kỹ thuật pháp lam - di sản của nhà Nguyễn

Có thể nói một trong những di sản độc đáo mà nhà Nguyễn để lại ở Kinh đô Huế không gì khác chính là kỹ thuật chế tác pháp lam Huế. Pháp lam là cách gọi một loại sản phẩm mỹ thuật làm bằng đồng, bên ngoài phủ nhiều lớp men rồi đem nung ở nhiệt độ cao được trang trí với những hình ảnh và màu sắc độc đáo. Do đó, những sản phẩm được làm bằng kỹ thuật này không chỉ đẹp về hình thức bên ngoài mà còn có thể chống chịu dưới những tác động của môi trường. 

Theo lịch sử ghi nhận rằng, năm 1827, người thợ vẽ Vũ Văn Mai ở Sở Nội tạo được vua Minh Mạng cho phép lập Pháp lam tượng cục, cơ quan chuyên lo việc sản xuất đồ pháp lam. Và đó cũng chính là bước ngoặt giúp kỹ thuật pháp lam được lưu truyền đến ngày hôm nay. 

Mặt khác, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa - tác giả của bài viết “Pháp lam Huế - di sản độc đáo của triều Nguyễn” cho biết kỹ thuật này lúc bấy giờ chủ yếu dành để phục vụ triều đình. Do đó, khác với người Trung Hoa, người Nhật thì pháp lam Huế được chia thành 4 loại chủ yếu. 

Đầu tiên, pháp lam được dùng để trang trí ngoại thất các cung điện, lăng tẩm, chùa tháp với những sản phẩm cỡ lớn, hình rồng phượng. Một loại pháp lam khác được dùng để trang trí nội thất như câu đối, liên ba, phần dưới cột nhà… Thứ ba chính là pháp lam gia dụng dùng để tạo ra các loại vật dụng như hộp phấn, bình trà, tách… Và loại pháp lam cuối cùng chính là những sản phẩm thờ tự. 

Bộ tranh Kiều pháp lam độc bản

Kỹ thuật pháp lam phát triển mạnh vào thời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức nhưng đến thời vua Đồng Khánh thì dần dần lụi tàn và biến mất. Mãi đến sau này, một số nhóm nghiên cứu đã nỗ lực khôi phục lại kỹ thuật chế tác pháp lam Huế, hồi sinh một di sản độc đáo của Huế đã bị thất truyền. 

Trong số đó có nhóm thạc sĩ Đỗ Hữu Triết và các cộng sự tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Pháp Lam Huế đã đạt kết quả vô cùng ấn tượng, điển hình là bộ tranh Kiều pháp lam độc bản. Không chỉ hồi sinh một kỹ thuật độc đáo mà nhóm nghiên cứu này còn nâng cao hơn thành nghệ thuật tạo hình. 

Được biết, nguyên tác của bộ tranh minh họa Truyện Kiều này thuộc sở hữu của họa sĩ Mạnh Hưng, trong sách “Truyện Thúy Kiều” ấn hành năm 1925. Bộ tranh pháp lam gồm 20 bức, mỗi bức là một câu thơ riêng được trích từ Truyện Kiều. Từ những đường nét trắng đen đơn giản, các họa sĩ thuộc Công ty TNHH pháp lam Huế đã vẽ nên màu sắc và chế tác trên chất liệu pháp lam. Vì vậ, bộ tranh này không đơn giản chỉ là việc vẽ lại mà cách phối màu độc lạ đến từ kỹ thuật pháp lam khiến cho 20 bức tranh trở nên quý giá hơn bao giờ hết, đặc biệt nó chỉ có một bản duy nhất. 

Bộ tranh Kiều pháp lam độc bản này được triển lãm lần đầu tiên tại Cung An Định trong tuần lễ Festival Huế (25-30/6). Ngay từ ngày đầu, triển lãm đã thu hút rất nhiều khách đến tham quan không chỉ bởi “độc bản” mà còn bởi sự độc đáo, tâm huyết trong từng đường nét của các họa sĩ dành cho tác phẩm được làm bằng kỹ thuật pháp lam này. Được biết, sau khi trưng bày tại Cung An Định thì 20 bức tranh sẽ được triển lãm tại Cung An Thọ trong Hoàng thành Huế, tại Khu lưu niệm thi hào Nguyễn Du ở Hà Tĩnh và cùng nhiều nơi khác để công chúng có thể đến tham quan và chiêm ngưỡng.