VĂN HÓA

Triển lãm nghệ thuật 'Linh thú thời nay' của nghệ nhân gốm sứ Bát Tràng

Lan Hương • 19-08-2023 • Lượt xem: 1484
Triển lãm nghệ thuật 'Linh thú thời nay' của nghệ nhân gốm sứ Bát Tràng

Hơn 30 tác phẩm gốm điêu khắc của nghệ nhân Trần Nam Tước được trưng bày trong triển lãm “Linh thú thời nay” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã và đang thu hút rất nhiều khán giả đến tham quan thưởng lãm.

Xuất phát từ sự tìm tòi, sáng tạo trong màu men, hình khối của tác giả, sự kế thừa tinh hoa gốm Bát Tràng truyền thống cộng với sự kết hợp tạo hình trong hội họa, ngôn ngữ điêu khắc trong sáng tạo kiểu dáng. Các tác phẩm được trưng bày tại triển lãm thông qua hình tượng các linh thú tiêu biểu như “Cá rồng”, “Lân sư – đồng bản”, “Ngựa chầu”, “Ngược dòng”… đã chuyển tải thông điệp vô cùng ý nghĩa về văn hóa, lịch sử truyền thống của dân tộc Việt đến người xem một cách tinh tế và xuất sắc.

Triển lãm "Linh thú thời đại" thu hút sự quan tâm của đông đảo của du khách.

Nghệ nhân ưu tú Trần Nam Tước tên thật là Trần Xuân Triều, ông sinh ra và lớn lên tại làng quê lúa Thái Bình vào năm 1974. Trải qua quá trình trưởng thành trên những cánh đồng lúa, những đường làng với chùa chiền, miếu phủ… hình ảnh ấy đã thấm nhuần và hình thành trong con người ông lòng tự tôn dân tộc, tình yêu với kiến trúc, với mỹ cảnh quê hương.

Năm 1996, cơ duyên đã đưa ông đến Bát Tràng, sức hút từ nghề gốm nơi đây đã níu chân ông ở lại kể từ đó. Tuy không phải con nhà nòi và cũng không được đào tạo bài bản, nhưng nhờ năng khiếu bẩm sinh cùng với sự chuyên tâm, lòng yêu nghề, ông đã dành mọi tâm huyết để học hỏi, nghiên cứu về nghề gốm.

Từ những trải nghiệm tích lũy ở trường đời cộng với tư duy làm gốm riêng có của mình, Trần Nam Tước đã nhìn thấy những giá trị đặc biệt của men gốm Bát Tràng, những dòng men tưởng chừng đơn giản nhưng lại vô cùng xuất sắc. Ông chú trọng quan điểm “đơn giản đầu vào, thận trọng đầu ra, tránh xa sao chép”.

Một số tác phẩm trong buổi triển lãm.

Một số tác phẩm trong buổi triển lãm.

Sau 32 năm gắn bó với nghề, Trần Nam Tước luôn tâm niệm mình là thợ mới và không muốn làm thầy của bất kỳ ai. Các tác phẩm của ông luôn để lại trong lòng người xem dấu ấn cá nhân, thể hiện được nét tinh hoa độc đáo qua từng thời kỳ và được các chuyên gia đánh giá cao. Mặc dù không sinh ra tại làng gốm Bát Tràng nhưng ông lại là người duy nhất được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú Bát Tràng cho đến nay.

Nói về các tác phẩm gốm, Trần Nam Tước cho biết để tạo ra một sản phẩm, người nghệ nhân cần trải qua tối thiểu bảy công đoạn. Đầu tiên ông sẽ phác thảo sơ bộ hình hài tác phẩm dựa trên những điển tích, ca dao. Tiếp đến là vẽ thiết kế, dựng hình, tạo khuôn, sản xuất, vào men và nung đốt.

Tác phẩm "Biết đâu nguồn cội".

Hàng loạt các tác phẩm ấn tượng của nghệ nhân Trần Nam Tước như Con sấu, Long Mã, Lân sư, Nghê chầu, Kỳ lân Đình Đăng… đã được lưu giữ tại các địa điểm nổi tiếng như Đền Hùng, Đền Trần Thái Bình, Hoàng thành Thăng Long… cho đến Nhà thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tại khai mạc triển lãm, nghệ nhân Trần Nam Tước chia sẻ: Văn hóa với ông là một sự tiếp biến nghệ thuật, là giao thoa trên tinh thần trụ vững trên văn hóa của dân tộc. Các sản phẩm ông làm là để bất kỳ ai hay ở bất kỳ đâu trên Trái đất này nhìn vào đều sẽ nhận ra dân tộc Việt.

Nghệ nhân Trần Nam Tước chia sẻ tại khai mạc triển lãm.

Bên cạnh lời tri ân mà nghệ nhân dành để gửi tới những làng nghề truyền thống trên mọi miền đất nước, những xóm làng xưa nơi ông đã đi qua, những người thầy ông đã gặp, triển lãm “Linh thú thời nay” còn là mong muốn mà Trần Nam Tước gửi gắm đến công chúng về những câu chuyện văn hóa, lịch sử ngàn năm văn hiến của dân tộc thông qua các tác phẩm. Từ đó nhắn nhủ mỗi người luôn trân quý, nâng niu những giá trị linh thiêng đầy tự hào của dân tộc.

Triển lãm sẽ kéo dài đến 20/8/2023 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam để chào đón mọi người tham quan chiêm ngưỡng.