VĂN HÓA

'Trò chơi thuở bé anh ưa kéo mo cau chở em quanh ngõ vườn'

Diệu Huyền • 14-06-2022 • Lượt xem: 1395
'Trò chơi thuở bé anh ưa kéo mo cau chở em quanh ngõ vườn'

Thế hệ Gen X, Gen Y là những thế hệ đi từ sự thô sơ của công nghệ cho tới giai đoạn thịnh vượng của thời 4.0. Họ nhanh chóng tiếp cận với thời đại công nghệ phát triển như là điện thoại thông minh, ti vi, máy tính... Nhưng có những khi họ như nhàm chán và mệt nhoài với máy móc, công việc và thế giới ảo. Thế hệ ấy, hẳn vẫn ghi dấu sâu sắc những trò chơi thời thơ ấu trong tim mình.

 

Những trò chơi dân dã ngày xưa của họ rất được yêu thích vì nó mang tính trí tuệ, rèn luyện sức khỏe, ghi dấu một thời nghịch ngợm cùng lũ bạn. Những sắc thái ấy đã tạo nên tuổi thơ dữ dội một thời của thế hệ Gen X, Gen Y. 

Đối với thế hệ Gen X (sinh năm 1965 đến năm 1979): là thế hệ có tuổi tác hoặc thâm niên trong công việc, nhiều người giờ đã về hưu và đã lên chức ông bà nội, ngoại.

Đối với thế hệ Gen Y (sinh năm 1980 đến năm 1994): thế hệ những người có hiểu biết về công nghệ cao, họ cũng thành công khi có công việc ổn định, cơ hội học tập với sự phát triển công nghệ.

Thế nhưng, khác xa với những trò chơi của các em học sinh thế hệ hôm nay, họ đã đi qua thời của những trò chơi mà đối với các em nhỏ bây giờ, giống như là cổ tích. Một thời thanh xuân, một thời ấu thơ đi qua, chắc chắn nhắc lại kỷ niệm xưa, ai cũng hồi hộp, bâng khuâng.

Trò chơi bắn súng phốc (ống thụt cò ke)

Ống thụt cò ke hay còn gọi là súng phốc (tùy theo từng địa phương). Trò chơi ống thụt cò ke được cả con trai và con gái rất yêu thích. Khi đến mùa cò ke, mọi người xúm lại rủ nhau lên rừng hái từng chùm về làm đạn, cho vào ống tre rồi bắn. Trái cò ke cứng, vừa có nhựa bắn trúng vào rát bỏng và rất đau, khiến cả con trai và con gái đều rất sợ mỗi khi thấy đối phương cầm ống thụt cò ke là tranh thủ vừa núp, vừa bắn lại. Trò chơi thú vị, có chút nguy hiểm này hầu như không còn nữa do thế hệ sau này chỉ tập trung chơi các trò chơi công nghệ, rất ít quan tâm đến trò chơi dân dã này.

Trò chơi kéo mo cau

Đây là trò chơi đã đi vào ký ức của bao nhiêu thế hệ, nhất là thế hệ Gen X, Gen Y. Đối với những ai đã sinh ra và lớn lên ở làng quê thì kéo mo cau như là phương tiện có thể di chuyển từ nhà này qua nhà kia, từ sân này tới sân kia. Với chiếc tàu mo cau rất đỗi bình dị nhưng đã chuyên chở cả một bầu trời tuổi thơ cho những ai được ngồi trên đó cho bạn mình kéo đi. Trò chơi này, không có sự phân định thắng thua. Mà chỉ là phân chia, thỏa thuận thay nhau kéo để đỡ mất sức, vừa được thưởng cảm giác sung sướng khi được người khác chuyên chở phục vụ mình trên một chuyến xe rất dung dị bằng mo cau.

Ngoài ra, trò chơi dân dã này đã đi vào lời ca bài hát của nhạc sĩ Vinh Sử với bài hát “Người phu kéo mo cau” với những ca từ rất gần gủi như “Trò chơi thuở bé anh quen kéo mo cau, chở em trên phố chiều…”

Trò chơi ô ăn quan

Đây là trò chơi cũng rất phổ biến trong thế hệ Gen X, Gen Y ngày xưa. Không thể quên được cảm giác thích thú khi thắng cuộc chơi và được  bụp (đập) một lần ăn hết. Phải có ít nhất 2 người để chơi trò chơi này. Hai đầu có hai vòng cung lớn mỗi đầu là một quan to (tính là 10), mỗi bên có thêm 5 ô nhỏ, mỗi ô là 5 quân.  Sau đó, hai người chơi đánh tù xì để quyết định ai đi trước, ai đi sau dùng quân bên phía mình rải đều cho các ô. Trong quá trình chơi, cứ có một ô trống thì người chơi được ăn toàn bộ quan hay ăn quân tùy theo phương pháp chơi của mỗi người. Người chơi cần thật khéo léo, tính đường đi nước bước để có thể thắng đối phương.

Ngày nay, thế hệ Gen Z  ít khi chơi trò này, do đã có các trò chơi hiện đại thay thế.

Trò chơi nhảy lò cò

Trò chơi nhảy lò còn có tên là nhảy ngục (tên gọi tùy địa phương). Ngày xưa khi chơi trên nền đất hay nền cát thì dùng cái nhánh cây dùng như cây bút để vẽ lò cò ngang, hay lò cò dọc do mỗi địa phương sẽ có cách vẽ khác nhau để chơi theo từng sở thích của nhóm bạn. Sau đó, sẽ có luật chơi riêng, trò này vẫn có xây nhà hay tậu ruộng tùy từng nơi. Người chơi không được nhảy vào khu vực đã được xây nhà hay tậu ruộng của đối phương.

Đây là trò chơi đơn giản, dễ nhớ, giúp người chơi rèn luyện sức khỏe, được đông đảo trẻ em từ nông thôn ra thành thị được cả phái nam lẫn phái nữ rất yêu thích.

Với một vài trò chơi kể trên đã tạo nên một nét rất riêng cho thế hệ Gen X, Gen Y.