ĐỜI SỐNG

Tự đo huyết áp tại nhà: Nên chọn máy đo cơ hay điện tử?

Gia Hưng • 29-07-2022 • Lượt xem: 273
Tự đo huyết áp tại nhà: Nên chọn máy đo cơ hay điện tử?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam hiện nay đang có khoảng 12 triệu người trưởng thành bị tăng huyết áp. Trên toàn cầu, WHO ước tính sẽ có khoảng 1,56 tỷ người bị tăng huyết áp vào năm 2025.

Huyết áp là áp lực của máu trong động mạch - mạch đưa máu từ tim đến não và phần còn lại của cơ thể. Máu cần một áp lực nhất định để có thể di chuyển khắp cơ thể. Huyết áp bình thường sẽ lên xuống tự nhiên lên xuống suốt cả ngày, tùy tình hình vận động của cơ thể (đang đi bộ, ngồi yên hay vận động mạnh). 

Đây là vấn đề mà mọi người luôn phải đối mặt, không chỉ ở người già mà còn ở những người trẻ, thậm chí là ở trẻ nhỏ. Dù là huyết áp cao hay huyết áp thấp thì đây đều là các nguyên nhân dẫn đến những biến chứng tim mạch nguy hiểm, gây nên những căn bệnh nặng có thể đe dọa tính mạng. Do đó, ở mỗi gia đình nên có sẵn máy đo huyết áp để có thể theo dõi tình hình huyết áp cho các thành viên một cách thường xuyên hơn. 

Trong số các loại máy đo huyết áp thường được lựa chọn sử dụng thì nổi bật với 2 loại, là máy đo huyết áp điện tử và máy đo huyết áp cơ. Việc lựa chọn máy đo huyết áp nào sẽ phụ thuộc vào khả năng tài chính, kiến thức y khoa cũng như kinh nghiệm thực hành của mỗi người. Chưa kể, mỗi loại máy đo đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng, vì vậy cần chọn loại máy phù hợp cho các mục đích và đối tượng sử dụng khác nhau.

Máy đo huyết áp điện tử

Ưu điểm nổi bật của máy đo huyết áp điện tử là có cách thức sử dụng đơn giản và bất cứ ai cũng có thể sử dụng, không cần nhiều kiến thức chuyên môn. Tùy vào từng sản phẩm được thiết kế từ mỗi hãng, người dùng có thể đo ở cổ tay hoặc bắp tay và mọi kết quả được hiển thị ở màn hình LCD kèm theo một cách tiện dụng. 

Ngoài ra, máy đo huyết áp điện tử có tính linh hoạt cao do có thiết kế nhỏ gọn, người đo cũng có thể tự đo cho mình mà không cần ai hỗ trợ; đồng thời máy áp dụng nhiều công nghệ mới như khả năng lưu kết quả rất nhiều lần, cảnh báo vòng quấn lỏng… nên tiện dụng cho người dùng. Tuy nhiên, máy đo huyết áp điện tử thường có giá thành cao, độ chuẩn xác liên quan nhiều đến thế ngồi của người được đo hoặc lượng pin tại thời điểm đo.

Máy đo huyết áp cơ thường là lựa chọn ở các cơ sở y tế như bệnh viện, trung tâm ý tế… và được các y bác sĩ sử dụng thành thạo, đem lại kết quả đo chính xác nhất. Do không cần sử dụng pin và linh phụ kiện điện tử nên có độ bền cao, giá thành rẻ. Việc sử dụng máy đo huyết áp cơ tại nhà cũng là một sự lựa chọn, tuy nhiên cần phải có người hiểu biết cách đo, có kiến thức thực hiện để có được thông số kết quả cuối cùng chính xác. Bởi chỉ cần nghe sai nhịp, đo không quen hoặc quấn tay không đúng kỹ thuật cũng sẽ khiến kết quả sai lệch. 

Máy đo huyết áp cơ

Huyết áp có đơn vị đo là milimet thủy ngân (mmHg) và được hiển thị dưới dạng: huyết áp tâm thu - áp suất khi tim đẩy máu ra ngoài và huyết áp tâm trương - áp suất khi tim nghỉ giữa các nhịp đập. Con số cao nhất luôn là áp suất tâm thu. 

Huyết áp bình thường là từ 90/60 mmHg đến 120/80 mmHg; huyết áp cao thường là từ 140/90 mmHg hoặc cao hơn; huyết áp thấp được coi từ 90/60 mmHg hoặc thấp hơn. Nếu chỉ số từ 120/80 mmHg đến 140/90 mmHg thì có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp. 

Thông thường, con số huyết áp tâm thu là một yếu tố để xác định một người trên 50 tuổi có nguy cơ bị bệnh tim mạch hay không. Ở hầu hết mọi người, huyết áp tâm thu tăng đều theo tuổi do sự gia tăng độ cứng của các động mạch lớn. Sự tích tụ của mảng bám đã làm tăng tỷ lệ mắc bệnh tim và mạch máu.

Ngoài ra, chỉ số huyết áp tâm thu hoặc huyết áp tâm trương tăng cao có thể được sử dụng để chẩn đoán huyết áp cao. Theo các nghiên cứu gần đây, nguy cơ tử vong do thiếu máu cơ tim và đột quỵ tăng gấp đôi với mỗi lần tăng 20 mmHg tâm thu hoặc 10 mmHg tâm trương ở những người từ 40 đến 89 tuổi.

Cách kiểm tra huyết áp bằng máy đo huyết áp điện tử

1. Trước hết, người đo cần được nghỉ ngơi và không cảm thấy lo lắng hay căng thẳng. 

2. Ngồi thẳng và tựa lưng vào ghế; đặt bàn chân phẳng trên sàn. 

3. Đặt cánh tay lên bàn và thả lỏng. Điều quan trọng là không nắm chặt tay khi đo huyết áp. 

4. Đặt vòng quấn lên bắp tay và siết chặt qua cánh tay, đảm bảo có thể nhét hai ngón tay vào bên dưới vòng quấn. 

5. Khi bạn kiểm tra huyết áp thì không nói chuyện và chỉ thư giãn. Nhấn nút Bật, sau đó nhấn nút Bắt đầu. 

6. Vòng quấn bắt đầu phồng lên khá nhanh. Nó có thể tạm thời hơi mềm hoặc khó chịu vì vòng quấn tự động phồng lên và xẹp xuống. Điều này sẽ chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn. 

7. Kết quả cuối cùng sẽ được hiển thị trên màn hình LCD. Vài phút sau khi đo huyết áp, người đo nên kiểm tra lại (đo lại lần nữa) để đảm bảo kết quả đo được là tương tự và chính xác.