VĂN HÓA

Văn chương có linh ứng khi một cuốn tiểu thuyết từng nhắc tới dịch Corona?

DDVN • 02-03-2020 • Lượt xem: 699
Văn chương có linh ứng khi một cuốn tiểu thuyết từng nhắc tới dịch Corona?

Trong cuốn tiểu thuyết mang tên Cơn sốt, nhà văn Deon Meyer đã đề cập và miêu tả về sự hoành hành của dịch corona. Nhiều quãng trong tác phẩm được tác giả đề cập giống tới giật mình so với hiện thực mà thế giới đang gánh chịu.

 

Tại Nam Phi, Willem Storm và con trai Nico dừng lại bên một trạm xăng vắng để tìm kiếm nhiên liệu. Cảnh vật chìm trong hiu quạnh, tuyệt vọng. Hai cha con họ là những người hiếm hoi sống sót sau khi thế giới đã chết quá nhiều.

Dịch bệnh đã giết chết 90% dân số thế giới. Năm sư tử - theo lịch của người địa phương - là năm Willem Storm qua đời vì bị sát hại sau đó.

Bùng nổ từ châu Phi nhiệt đới, dịch bệnh này gây ra bởi sự hợp nhất của hai chủng virus corona, một ở người, một ở động vật. Người đàn ông đầu tiên nhiễm loại virus chết chóc này đã lây cho một người thân làm tại sân bay. 

Cuối cùng từ việc người truyền qua người, dịch đã lan toàn thế giới.

Bìa cuốn sách có nhắc tới dịch bệnh Corona, xuất bản 2016

Đây không chỉ là tiểu thuyết ăn khách của Deon Meyer mà còn làm độc giả ngạc nhiên với cụm từ "dịch bệnh corona toàn cầu" trong tác phẩm.

Đây không phải là lần đầu tiên một tác phẩm văn học trở thành dự báo. Trong tiểu thuyết Plateforme (tựa Việt: Chênh vênh) phát hành ngày 3-9-2001 (một năm trước vụ khủng bố 12-10-2002 tại Bali, Indonesia), Michel Houellebecq đã đề cập đến việc một nhóm Hồi giáo cực đoan tàn sát 117 khách nước ngoài trong một hộp đêm.

Những minh chứng này dấy lên một hoài nghi: Liệu văn chương có sự linh ứng sau đó?