VĂN HÓA

Văn hóa đặt tên con khác lạ tại các quốc gia

Cẩm Chi • 24-11-2022 • Lượt xem: 1101
Văn hóa đặt tên con khác lạ tại các quốc gia

Một số quốc gia châu Á hay châu Mỹ khá đơn giản và thoải mái trong việc đặt tên con. Nhưng với một vài quốc gia châu Âu để đặt được tên cho con theo ý muốn thật sự là một câu chuyện... đau đầu vì phải được các bộ chuyên trách và Chính phủ…duyệt.

Chọn tên theo danh sách có sẵn

Ở châu Âu, Đan Mạch và Bồ Đào Nha là những đất nước có quy định đặt tên nghiêm ngặt bậc nhất thế giới.

Việc chọn tên cho một đứa trẻ là một việc làm nghiêm túc, và cần phải được Bộ Các vấn đề giáo hội cùng Bộ Các vấn đề gia đình và tiêu dùng thông qua tại Đan Mạch. Quốc gia này có danh sách khoảng 7.000 cái tên được chấp thuận cho cha mẹ lựa chọn (gồm 3.000 tên con trai và 4.000 tên con gái), hầu hết là kiểu Anh và Tây Âu.

Nếu phụ huynh muốn đặt tên không có trong danh sách, họ phải gửi lên Phòng Điều tra Tên của Đại học Copenhagen. Những cái tên thông thường mà có cách viết sáng tạo hay phá cách về chính tả thường không được duyệt. Luật quy định tên con trai và con gái phải thể hiện được rõ giới tính, không được phép sử dụng tên họ làm tên gọi. Hơn 1.000 cái tên được gửi lên cơ quan này để xem xét mỗi năm và gần 20% bị từ chối.

Theo Viện Đăng ký và Công chứng Bồ Đào Nha, tên riêng của trẻ phải là tiếng Bồ Đào Nha. Trẻ chỉ được đặt tên theo từ nước ngoài nếu nơi sinh là quốc gia khác. Đặc biệt, cha mẹ phải tránh đặt tên theo danh sách gồm 2.600 cái tên bị cấm tại Viện dos Registos e do Notariado. Bất ngờ hơn là có thể kể đến nhiều cái tên quen thuộc như Thor, Nirvana, Paris, Tom…

Tại Iceland, cha mẹ nước này phải chọn tên cho con từ danh sách khoảng 1.800 tên bé gái và 1.700 tên bé trai, theo BBC.

Gửi đăng ký trước

Ở các nước Thụy Điển, Iceland, Đan Mạch, New Zealand cha mẹ phải gửi tên đề xuất cho con lên các cơ quan nhà nước, Cơ quan Đăng ký Quốc gia, Cơ quan Đăng ký khai sinh, tử vong và hôn nhân hay các phòng điều tra tên để xem xét và phê duyệt trước khi sử dụng. (Ở Thụy Điển trong vòng 3 tháng sau khi sinh, Iceland trong vòng 6 tháng sau sinh). Nếu vượt quá thời gian này, phụ huynh có thể bị phạt. Hầu như hàng ngàn cái tên mới được đề xuất đều bị từ chối và không được sử dụng, phần lớn là vì cách phát âm kỳ quặc. 

Nhiều đứa trẻ mới ra đời mà không có tên chính thức trong nhiều tuần, thậm chí là nhiều tháng khiến nhiều cha mẹ mất ăn mất ngủ.

Không phạm húy, tuân theo quy tắc ngôn ngữ riêng

Tại châu Úc, như New Zealand, những tên không nên đặt cho con liên quan đến hoàng gia như Saint, Prince, King và Royal. Ngoài ra, chính quyền có quy định nghiêm về việc đặt dấu câu trong tên. Một số phụ huynh từng gặp khó khăn khi muốn đặt tên con theo số III của hệ La Mã hay thêm dấu phẩy vào tên của con. Những tên tục tĩu hoặc xúc phạm, trái với lợi ích công cộng cũng được coi là không thể chấp nhận, như Lucifer (chúa quỷ địa ngục trong Kinh thánh), Fish và Chips (tên cá rán ăn kèm khoai tây chiên của Anh).

Gia đình không được sử dụng tên mang ý nghĩa xúc phạm hoặc gây khó chịu, theo luật Thụy Điển ban hành năm 1982. Một số cái tên bị cấm như Metallica, Superman (siêu nhân), Ikea, Elvis…(trùng với tên một doanh nghiệp sản xuất mặt hàng tiêu dùng, gia dụng).

Tên của trẻ em ở Iceland phải không xung đột với cấu trúc ngôn ngữ Iceland, và viết theo quy tắc chính tả thông thường ở nước này. Bảng chữ cái của Iceland không có chữ C, Q, W nên bất kỳ tên nào bắt đầu bằng những ký tự này đều không được phép sử dụng. Một số tên bị cấm ở nước này như Zoe, Harriet, Duncan, Enrique…

Việc khó khăn trong đặt tên nhằm hạn chế những chuyện không hay về sự trêu chọc hay điều cấm kị trong văn hóa bản địa

Theo quan niệm của người Đức, cái tên phản ánh giới tính. Nếu đó là một cái tên trung tính, bố mẹ phải đặt thêm một tên phụ vào tên của đứa trẻ để biết đó là bé trai hay bé gái. Ngoài ra, bố mẹ không được đặt tên theo đồ vật, sản phẩm. Hay ở một đất nước đa tôn giáo (Hồi giáo, Phật giáo, Cơ Đốc giáo...) như Malaysia, chính quyền nước này không cho phép bố mẹ đặt tên con theo tên động vật, rau củ quả hoặc tên có chữ số...

Không dùng tên dễ bị trêu chọc

Sở dĩ luật đặt tên khắt khe của Đan Mạch được thi hành nhằm bảo vệ trẻ em khỏi việc bị trêu chọc hay xa lánh, cô lập vì mang những cái tên quá lạ, trở thành trò cười trong tương lai hoặc đôi khi chỉ mang tính giải trí cho bố mẹ.

Theo Business Insider, chính quyền Pháp sẽ xét duyệt tên của em bé khi cha mẹ làm giấy khai sinh. Tòa án địa phương có thể từ chối tên đó nếu họ cho rằng tên gọi có ý nghĩa nhạo báng, dễ khiến bé gặp nhiều rắc rối sau này. Ví dụ như một cặp vợ chồng tại Pháp muốn gọi con của họ với cái tên Nutella vì yêu thích món ăn này. Tuy nhiên, giới chức địa phương yêu cầu họ đổi tên, vì lo ngại em bé sẽ bị trêu chọc. Nutella vốn là tên một nhãn hiệu sản xuất sốt chocolate.

Tại quốc gia này, một trường hợp bị cấm đặt tên khác là Fraise, có nghĩa là dâu tây, nhưng cũng dễ bị hiểu sai thành một từ lóng mang tính tục tĩu. Do đó, cặp vợ chồng định đặt tên con là Fra ise đã đổi thành Fraisine. Ngoài hai cái tên trên, những tên không nên đặt cho con ở Pháp như: MJ, Manhattan, Joyeux, Deamon, Prince William, Mini Cooper…

Những cái tên được yêu thích

Ở Mỹ, cái tên Matthew (có nghĩa là "món quà của thượng đế" trong tiếng Do Thái) và Sophia (có nghĩa là "trí tuệ" trong tiếng Hy Lạp) là sự lựa chọn hoàn hảo cả về ý nghĩa lẫn cảm xúc trong phát âm. Ngoài ra, những cái tên "đẹp" nhất được xuất hiện trong danh sách gồm: Julian, William Isaiah, Leo, Levi, Joseph, Isaac, Samuel, Zoe, Everly, Sophie, Riley, Ivy, Paisley, Willow, Ellie, Emily.

My 1st Years cho biết những người Mỹ chọn tên con từ danh sách tên phổ biến thường là những cái tên có "hàm ý tích cực". Những tên bé gái xuất hiện trong danh sách thường bắt đầu bằng chữ "e", bao gồm Ellie, Emily, Evelyn, Eva và Elena hoặc được kết hợp với "bụi cây" như Ivy, Lily và Violet.

Những cái tên mang hàm ý tích cực và may mắn luôn được bố mẹ săn đón

Người dân Vương quốc Anh thường bị ảnh hưởng bởi người nổi tiếng và hoàng gia khi đặt tên cho con, đặc biệt đối với bé trai. Cái tên Zayn - có nghĩa là "vẻ đẹp, sự duyên dáng" trong tiếng Ả Rập luôn được ưu ái. Liam và Harry (hai cái tên cũng gắn liền với One Direction), hay Louis, William và George - cái tên gắn liền với Công tước xứ Cambridge (Hoàng tử William) và các con trai của ông (Hoàng tử Louis và Hoàng tử George) là những cái tên được yêu thích.

Với bé gái, cái tên đẹp nhất được chọn là Sophia, Jesse, Ali, Daniel, Riley, Louie, Zoe, Rosie, Sophie, Ivy, Phoebe, Violet, Hannah, Ellie… Những tên bé gái được cho là "đẹp" ở Anh kết thúc bằng âm "ee", gồm Zoe, Rosie, Sophie, Phoebe và Ellie.

Bên cạnh những cái tên đẹp và ý nghĩa nhất, các nước cũng đưa quy định cấm một số cách đặt tên. Những cái tên như Adolf Hitler, JoyceLynn Aryan Nation và Heinrich Hinler Hons không còn xa lạ tại Mỹ. Ở quốc gia này, hầu như không có quy định về việc đặt tên cho trẻ. Nhìn chung Hiến pháp Mỹ trao cho cha mẹ mọi quyền tự chủ trong việc đặt tên, nuôi dạy con cái.