VĂN HÓA

Văn hóa đứng đọc của người Nhật Bản

Khanh Khanh • 29-03-2023 • Lượt xem: 1089
Văn hóa đứng đọc của người Nhật Bản

Từ xưa đến nay, Nhật Bản luôn được nhớ đến là đất nước ham đọc sách nhất thế giới. Truyền thống đọc sách của người Nhật thậm chí còn phát triển thành một nét văn hóa dân tộc. Trong đó, văn hóa đứng đọc - tachiyomi của người dân đất nước mặt trời mọc được xem là phổ biến nhất. Không khó để bắt gặp được hình ảnh người Nhật đứng đọc chăm chú tại tàu điện, ga chờ, hiệu sách… hay bất cứ đâu. 

Có thể thấy, người Nhật chú trọng đề cao tri thức không chỉ mới đây mà đã từ rất xa xưa. Cụ thể là vào khoảng 300 năm trước, kể từ thời Genroku (1688-1704) đã hình thành văn hóa đọc với lượng sách khủng được xuất bản là 10.000 quyển mỗi năm. Cho đến thời điểm hiện tại, con số này đã lên đến 43.000. Do đó, tính trung bình mỗi tháng một người dân Nhật đọc hơn 10 quyển sách. 

Công nghệ hiện đại ngày càng phát triển, đời sống người dân cũng trở nên tất bật, vội vã hơn. Tuy các thiết bị di động điện tử ra đời ngày càng nhiều nhưng truyền thống đọc sách của người Nhật lại không hề bị mai một. Thay vào đó, họ còn nghiên cứu ra những cách thức để phục vụ cho việc đọc sách trở nên thuận tiện hơn. Chẳng hạn như quyển sách thu nhỏ cỡ gang bàn tay dễ dàng bỏ vào túi áo, túi xách hay nhật báo dán trên các bảng trường đại học… 

Người Nhật tranh thủ khoảng nghỉ ngắn giữa các hoạt động trong ngày để đọc sách, xem nhanh qua tin tức trong khi đứng trên tàu điện, đứng chờ tại ga, cửa hàng tiện lợi, bến xe buýt… Tachiyomi lúc này có thể xem như một phương pháp cập nhật thông tin, tiếp thu kiến thức nhanh gọn trong một khoảng thời gian ngắn vô cùng hữu ích. Văn hóa đứng đọc - tachiyomi được cho là rõ ràng và dễ thấy nhất tại các hiệu sách tại Nhật khi người người đứng đọc chăm chú quanh các kệ sách trong khoảng thời gian từ ít phút kéo dài cho đến vài giờ. 

Quả không sai khi nói rằng Nhật Bản là đất nước dành cho những mọt sách khi khắp các nẻo đường, phố xá Nhật đều hiện diện các cửa hàng bán sách lớn nhỏ. Thậm chí là các quầy sách cũ. Quảng trường Kanda tại thủ đô Tokyo là nơi dành riêng cho các quầy sách cũ với hàng loạt các đầu sách, tạp chí, sách chuyên ngành với mức giá siêu hời. Đất nước mặt trời mọc sở hữu con số xuất bản và phát hành sách đáng mơ ước khi gia tăng đều đặn trên 7% mỗi năm. 

Người Nhật được giáo dục thói quen đọc sách ngay từ khi còn bé không chỉ bởi từ nhà trường mà còn từ gia đình, môi trường sống bên ngoài. Các trường học tại Nhật luôn chú trọng quan tâm đến các hoạt động tại thư viện, tạo điều kiện tối đa trong việc phát triển cơ sở vật chất, chất lượng sách và thời gian hoạt động để phục vụ cho học sinh dù quy mô trường lớn hay nhỏ. Theo đó, trong thống kê thì mỗi học sinh tiểu học Nhật Bản đọc khoảng 20 quyển sách vào mỗi tháng với đa dạng lĩnh vực phù hợp lứa tuổi. 

Không chỉ đứng khi đọc, người Nhật còn có nhiều thói quen “đứng” khác như tachigui (立ち食い) - đứng ăn, tachinomi (立ち飲み) - đứng uống, tachiuri (立ち売り) - đứng bán. Chúng đều là đặc trưng văn hóa độc đáo của người Nhật khi đứng và làm một công việc gì đó cùng lúc. Hơn nữa còn phản ánh được nếp sống kiên nhẫn của người Nhật khi có thể đứng hàng phút, hàng giờ để chờ xe buýt, tàu điện hay chỉ đơn giản là đến lượt một trò chơi tại khu vui chơi. Tận dụng thời gian đứng đợi để làm nhiều việc khác. Điều này không chỉ giúp họ tiết kiệm thời gian mà còn tiết kiệm cả diện tích khi mật độ dân số tăng cao tại các đô thị.