ĐỜI SỐNG

Văn hóa nghỉ trưa ở các doanh nghiệp đang dần được nâng tầm

Minh Trung • 07-09-2022 • Lượt xem: 596
Văn hóa nghỉ trưa ở các doanh nghiệp đang dần được nâng tầm

Với Việt Nam, giờ nghỉ trưa rất phổ biến ở nhiều công ty và tổ chức. Thế nhưng đây lại là một điều khá xa xỉ và còn được cho là đáng lên án ở một số nước phát triển trên thế giới. Chính việc xem nhẹ giờ nghỉ trưa đã dẫn tới nhiều trường hợp liên quan tới kiệt sức, đột quỵ, năng xuất làm việc không đạt hiệu quả như mong muốn. Do đó, nhiều công ty đã cân nhắc việc nghỉ trưa cho nhân viên của mình. 
 

Định kiến về văn hóa “nghỉ trưa” đang dần thay đổi 

996 là mô hình được đề cập nhiều trên các phương tiện truyền thông trong những năm trở lại đây. Theo đó, người tiên phong cho mô hình này là ông chủ sáng lập Alibaba nói rằng: Để thành công, nhân viên cần phải áp dụng 996, nghĩa là đi làm từ 9 giờ sáng tới 9 giờ tối, 6 ngày trong tuần. Quan điểm này đã vấp phải không ít dư luận trái chiều. Thế nhưng ít ai biết rằng, 996 đã âm thầm len lỏi vào văn hóa của những công ty đa quốc gia, đặc biệt là công ty thuộc các nước phát triển (như Nhật Bản, Singapore, Mỹ)… Đó là việc không cho nhân viên nghỉ trưa, thậm chí một số công ty còn lên án việc nghỉ trưa. Vậy nguyên nhân do đâu? 

Theo góc nhìn từ số đông, việc nghỉ trưa được cho là lười biếng. Để khẳng định quan điểm này, các phương tiện truyền thông (như sách, báo chí, mạng xã hội) đã khéo léo phác họa hình ảnh của mẫu người thành công vào nhận thức của nhân viên, đặc biệt là nhân viên trẻ thông qua những ví dụ liên quan tới những cá nhân có sức ảnh hưởng như người sáng lập Southwest Airlines (Herb Kelleher), nhà thiết kế kiêm giám đốc làm phim Tom Ford, CEO Yahoo Maissa Mayer hay Donald Trump chỉ ngủ từ 3 - 4 giờ/ngày. Những ví dụ này càng củng cố quan điểm “nghỉ trưa = lười biếng” trong nhận thức của nhiều người. Với Nhật Bản, quốc gia này rất coi trọng sự chăm chỉ đến mức cực đoan. Nhiều người dễ dàng bắt gặp hình ảnh của nhân viên đang ngủ gật tại ga tàu hoặc trạm xe buýt khi trên người vẫn còn bộ đồng phục công sở. Vào năm 2007, bà Arianna Huffington – CEO Huffington Post đã bị bất tỉnh và phải đến bệnh viện, năm 2007, và còn rất nhiều những trường hợp liên quan đến năng suất cũng như sức khỏe khi nhân viên không được ngủ trưa. 

Nap power (chợp mắt) là khái niệm được đưa ra bởi giáo sư tâm lý học thuộc trường Đại học Cornell, James Maas trong bài báo với chủ đề lợi ích của giấc ngủ xuất bản năm 1998. Thế nhưng hơn 20 năm, việc nghỉ trưa vẫn là một thứ xa xỉ, thậm chí đáng lên án ở nhiều doanh nghiệp. Theo nghiên cứu từ sleep.org, hơn 29% nhân viên cho biết họ muốn được ngủ trưa và cảm thấy giảm năng suất công việc sau giờ trưa. Nghiên cứu cũng cho thấy, Mỹ đã thiệt hại hơn 62 tỉ đô xuất phát từ việc không nghỉ trưa của nhân viên, khiến hiệu suất công việc giảm. 

Để thay đổi một tư duy cần rất nhiều thời gian, huống chi là một định kiến đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người. Thế nhưng rất may mắn, dựa trên các nghiên cứu khoa học liên quan tới giấc ngủ ngắn vào buổi trưa hay nhiều thí điểm liên quan tới việc chợp mắt trong thời gian ngắn, các công ty đang dần thử nghiệm và áp dụng rộng rãi văn hóa nghỉ trưa cho doanh nghiệp của mình. Vậy ngủ trưa có thực sự có lợi như mọi người vẫn thường nghĩ? 

Lợi ích của việc nghỉ trưa dưới góc độ khoa học 

Hiện nay, mặc dù nhiều doanh nghiệp và tổ chức đã xem trọng giờ nghỉ trưa, thế nhưng vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều liên quan tới vấn đề này. Thay vì thế, chúng ta cùng điểm qua một vài quan điểm khoa học liên quan tới giấc ngủ trưa để tự có những đánh giá khách quan nhất nhé. 

Thứ nhất, giấc ngủ trưa giúp phục hồi năng lượng đã tiêu hao vào buổi sáng khi hiệu suất làm việc đã bắt đầu giảm dần. Đây là lúc phần ý thức trong bộ não được nghỉ ngơi. Theo các nhà tâm lý học, con người chỉ sử dụng 2% ý thức lúc làm việc nên giấc ngủ là quãng thời gian để 2% não được nghỉ ngơi, nhường chỗ cho 98% phần vô thức và tiền ý thức hoạt động. Thứ hai, giấc ngủ trưa giúp tăng cường hệ miễn dịch, sản sinh kháng thể để cơ thể có nhiều đề kháng. Theo đó, thời gian nghỉ trưa là thời điểm tốt để kích thích tế bào linfo và tế bào lympho B - loại tế bào giúp cơ thể tăng sức chống chọi với virus và mầm bệnh. Thứ ba, việc nghỉ trưa giúp mắt được nghỉ ngơi, kích thích tuyến lệ và hạn chế mắc các tật khúc xạ về mắt. Hiện nay, khi ngày càng nhiều các thiết bị công nghệ được ứng dụng trong công việc, việc có một giấc ngủ ngắn để mắt được nghỉ ngơi và phục hồi là một nhu cầu cấp thiết. Cuối cùng, chợp mắt trong một khoảng thời gian ngắn giúp khí huyết lưu thông, tác động tích cực tới việc phụ phục hồi và tái tạo của da, ngăn ngừa quá trình lão hóa, hạn chế các bệnh liên quan tới da (như mụn, mày đay, tàng nhang). Chúng ta có thể thấy, những người thức khuya thường bị nổi mụn, vì thời gian ngủ ít hơn những người khác. Vậy ngủ trưa bao nhiêu thì đủ? 

Tùy vào tính chất công việc cũng như môi trường sống, chúng ta có thể sắp xếp thời gian ngủ phù hợp để bản thân cảm thấy thoải mái. Thông thường, giấc ngủ ngắn sẽ dao động từ 6-90 phút. Dưới đây là một số công bố khoa học về tác động của giấc ngủ ngắn. 

Theo các nhà nghiên cứu từ Đức, thời gian ngủ 6 phút sẽ giúp cải thiện trí nhớ, chuyển các dữ liệu ở trí nhớ ngắn hạn sang trí nhớ dài hạn - loại trí nhớ hữu ích hơn. Theo Cơ quan hàng không và vũ trụ Hoa Kỳ (NASA), 20-30 phút nghỉ trưa sẽ giúp cải thiện hiệu suất 34% trong thời gian làm việc sau đó. Một số các nghiên cứu khác cho rằng, 40-45 phút ngủ ngắn sẽ giúp điều hòa hệ miễn dịch 90 phút (một chu kì ngủ) sẽ giúp cơ thể sửa chữa và tái tạo các “hư hại” một cách tự nhiên. 

Ở phía ngược lại, quan điểm không ủng hộ hoạt động nghỉ trưa cho rằng, việc chợp mắt là quá tốn thời gian vì sau khi thức dậy, nhân viên phải vệ sinh cá nhân, đợi cơ thể phục hồi, tỉnh táo. Nhiều nhân viên cảm thấy đói và phải nạp năng lượng bằng một thứ gì đó. Bên cạnh đó, một số nhà khoa học khuyến cáo, việc ngủ trưa quá ít là không tốt vì chưa đủ một chu kì ngủ (90 phút). Do đó, việc tỉnh dậy khi cơ thể đang ở giai đoạn ngủ sâu hoặc mơ sẽ khiến cơ thể trở nên mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, lừ đừ trong thời gian còn lại. Ngoài ra, ngủ trưa cũng có hại với những người bị mất ngủ, vì giấc ngủ trưa sẽ làm họ lại mất giấc ngủ đêm, thứ mà cơ thể cần có nhu cầu cao hơn. 

 Nhiều công ty đã đầu tư vào giờ nghỉ trưa của nhân viên 

Sau khi cân nhắc về những lợi ích và tác hại của việc nghỉ trưa, nhiều doanh nghiệp đã quyết định không chỉ để nhân viên nghỉ trưa, mà còn xây dựng những mô hình nghỉ ngơi vô cùng độc đáo.

Nhiều vụ kiệt sức do thời gian làm việc quá mức, đòi hỏi quyền lợi từ nhân viên, những bằng chứng khoa học thuyết phục về giờ nghỉ trưa đã tác động đến suy nghĩ và tư duy của nhiều chủ doanh nghiệp, thúc đẩy họ xây dựng văn hóa “nghỉ trưa” cho nhân viên. Với một số trụ sở lớn của Nike và Uber, để đáp ứng nhu cầu nghỉ trưa của nhân viên, công ty đã lắp đặt các phòng để nhân viên có thể nghỉ ngơi hoặc ngồi thiền bất kì khi nào họ muốn. Chúng gọi chung là sleepbox. Đây là một trong những công ty hiếm hoi linh động với giờ làm của nhân viên, dù họ có tới công ty vào bất kì thời điểm nào. Lãnh đạo trong công ty cho biết, họ tôn trọng sự khác biệt về mặt đồng hồ sinh học của mỗi cá nhân, vì có người sẽ làm việc tốt nhất vào buổi sáng, nhưng cũng có người làm việc tốt nhất vào chiều tối. CEO của Nike nói rằng, chúng tôi chỉ cần kết quả, nhân viên được tự do làm những gì họ thích. Sleepbox là mô hình phòng ngủ tinh gọn giống với các phòng chợp mắt ở sân bay, rộng khoảng 4.2 m2. Đây là không gian cá nhân giúp mọi người có thể thư dãn bằng nhiều cách khác nhau, rất riêng tư và tiện lợi, dễ dàng lắp đặt và di chuyển.  

Nap Pod (hay Nap York) là cách mà các nhân viên Google nhắc đến không gian nghỉ ngơi của mình. Với Nap Pod, nhân viên không chỉ có một không gian giống như một khách sạn con nhộng dùng cho việc nghỉ ngơi mà còn có thể sử dụng các tiện ích đi kèm như massage, tắm vòi hoa sen, yêu cầu cà phê. Phó giám đốc bất động sản của công ty David Radcliffe cho biết, Nap Pod tác động rất nhiều khiến ngày làm việc của ông trọn vẹn hơn. Ngoài ra, cái tên nap York sẽ phổ biến hơn với nhiều người Mỹ vì mô hình này rất được ưa chuộng ở NewYork bởi tính linh động và tiện dụng của nó. Ta có thể thấy các Nap York được xây dựng bên ngoài các tòa nhà văn phòng hoặc trường đại học. 

Bên cạnh một số doanh nghiệp như Zappos, Huffington Post, các cơ sở đào tạo như Đại học kỹ thuật Virginia, Đại học Florida, Đại học Miami… lại sử dụng ghế EnergyPod để nhân viên hay sinh viên có thể chợp mắt. Đây là sản phẩm tiên phong về văn hóa nghỉ trưa thuộc công ty MetroNaps nhằm khuyến khích các doanh nghiệp cho phép nhân viên nghỉ trưa. Theo đó, với sự nhỏ gọn, linh động, dễ dàng bảo hành, EnergyPod rất phù hợp với quãng thời gian chợp mắt trong khoảng từ 15 - 30 phút. Chia sẻ từ Christopher Lindholst – founder và CEO của công ty cho biết, việc thiếu năng lượng khi chứng kiến sự mệt mỏi của nhân viên do thiếu ngủ là động lực khiến bà phải thành công trong sản phẩm này. Ban đầu, nhiều người có những nghi ngờ nhất định liên quan đến thiết kế và tác dụng của sản phẩm, nhưng việc ngày càng nhiều EnergyPod được bán khiến bà tin rằng, tầm nhìn của bà đã đúng, đồng nghĩa với việc ý thức về việc cải thiện giấc ngủ trưa cho người lao động càng được chú trọng. 

Ghế EnergyPod

 Ngoài những mô hình phổ biến trên, các công ty và trường Đại học khác cũng áp dụng một số mô hình để nhân viên nghỉ trưa như  “NapQ” của Framery - không gian kết hợp giữa nghỉ ngơi và làm việc, Nappify - mô hình nghỉ trưa bằng những chiếc xe kéo dài 5 mét với 4 khoang ngủ. “Tôi rất mừng khi ngày nay các công ty đã ít tranh luận về việc có nên khuyến khích nhân viên nghỉ trưa hay không. Thay vào đó, câu hỏi mà họ đang hỏi là chi bao nhiêu ngân sách để nhân viên của mình được nghỉ trưa”, bà Christopher Lindholst – CEO và founder của MetroNaps chia sẻ. 

Nhìn chung, các công ty đa quốc gia đã chú trọng hơn đến giờ nghỉ trưa của nhân viên, một số doanh nghiệp còn linh hoạt đối với thời gian nghỉ ngơi của người lao động. Bên cạnh đó, các trường Đại học lớn cũng khuyến khích sinh viên có một giấc ngủ ngắn để phục hồi hiệu suất làm việc cho thời gian còn lại trong ngày. Đó là một tín hiệu tích cực liên quan đến văn hóa nghỉ trưa.