VĂN HÓA

Văn hóa vùng miền Việt Nam trong mắt du khách quốc tế

Quyên Hà • 11-11-2020 • Lượt xem: 3028
Văn hóa vùng miền Việt Nam trong mắt du khách quốc tế

Đa dạng văn hóa vùng miền Việt Nam từ góc nhìn mới lạ của một người Mỹ sinh sống và làm việc tại Việt Nam hơn 3 năm.

Dù là Nam, Bắc hay Trung thì người Việt vẫn cùng chung màu cờ sắc áo. Nhưng những khác biệt trong văn hóa địa phương là những điều du khách chắc chắn sẽ thấy thú vị, hứa hẹn đem đến những khám phá mới lạ và đa dạng trong những chuyến du lịch tới đất nước xinh đẹp Việt Nam. 

Và sau đây là 15 lý do tai sao.

Ngôn ngữ

Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức của Việt Nam nhưng ở mỗi vùng miền, mỗi tỉnh thành, thậm chí là mỗi địa phương lại sở hữu những âm sắc bản địa khác nhau.

Tiếng Việt ở miền Bắc và miền Nam khác nhau cả về giọng điệu, từ ngữ, câu chữ, cách dùng từ và cách đọc từng âm tiết.

Sự khác biệt này thậm chí có thể gây ra những trở ngại trong giao tiếp giữa người Việt với nhau, nếu họ đến từ hai miền khác nhau. Ví dụ nếu ở miền Bắc gọi “tiền thừa” là “trả lại” thì miền Nam gọi “tiền thừa” là “tiền thối”.

Vì vậy khi học tiếng Việt, người nước ngoài thường lựa chọn giáo viên, giáo trình và cả các ứng dụng điện thoại tùy theo nơi mà họ muốn sử dụng tiếng Việt của mình.

Mưa

Mùa mưa ở Việt Nam kéo dài từ tháng 5 tới tháng 11, suốt những tháng này hãy để sẵn áo mưa trong cốp vì bạn có thể bị ướt bất cứ lúc nào.

Trong khi ở miền Nam các cơn mưa đến bất chợt và chóng qua, miền Bắc thường có xu hướng mưa kéo dài cả ngày. Những cơn mưa Sài Gòn dường như cũng vội vã như lối sống tại đây. Còn Hà Nội là những cơn mùa phùn, mưa xuân, mưa rào của 4 mùa, những cơn mưa dài lê thê chậm rãi như nhịp sống “Hà Nội không vội được đâu” vậy.

Nhiệt độ

Miền Nam thường nắng nóng vào ban ngày, nhưng mát mẻ vào ban đêm. Nhiệt độ có thể xuống thấp dưới 20 độ C vào ban đêm tại Sài Gòn.

Nhiệt độ trung bình của miền Bắc thì có thể xuống thấp tới dưới 10 độ C vào mùa đông. Nhiệt độ đóng băng dưới âm độ C nhiều khi xuất hiện cùng hiện tượng tuyết rơi ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Sapa, Lạng Sơn...

Mùa thu đông tại miền Bắc với nhiệt độ xuống thấp cũng là một trong những yếu tố khiến cuộc sống chậm rãi hơn. Chỉ có ở miền Bắc vào những sáng mùa thu mùa đông se lạnh bạn mới có thể bắt gặp cảnh người ta mặc áo rét chần bông sì sụp ly cà phê nóng trong những con ngõ nhỏ của phố Cổ.

Cà phê

Không cần bàn cãi, cà phê chính là một trong những đại diện văn hóa tiêu biểu nhất của Sài Gòn. Khởi đầu một ngày mới với ly cà phê sữa đá dầy vị sữa đặc và đậm đà vị robusta bên vỉa hè và bạn đã phần nào trở thành người Sài Gòn.

Ở miền Bắc, cà phê cũng phổ biến, nhưng không phải là thức uống buổi sáng của tất cả mọi người như Sài Gòn.

Miền Bắc có văn hóa uống chè mạnh hơn. Pha cho mình một ấm trà buổi sáng đã trở thành thói quen của nhiều thế hệ ông bà cha chú ngoài này. Còn văn hóa trà đá và bây giờ là trà chanh thì phủ sóng tràn ngập các thành phố, nơi mà giới trẻ có thể hàn huyên cắn hướng dương bên ly trà đá hay trà chanh bất cứ khung giờ nào trong ngày.

Ẩm thực

Về cơ bản, người miền Bắc chuộng đồ nước hơn cơm khi ăn sáng. Những món nước như bún riêu, bún chả hay phở là lựa chọn ăn sáng phổ biến. Còn thói quen ăn tiệm ở miền Bắc vào các bữa trưa và bữa tối không phổ biến. Người Bắc thích ăn cơm nhà.

Người Nam cũng có các món nước như hủ tiếu, bún bò huế, bánh canh cua... Nhưng ngoài ra, một trong những món ăn sáng không nước phổ biến nhất phải kể đến cơm tấm.

Người miền Nam ăn tiệm nhiều hơn vào cả bữa trưa và bữa tối, một phần có lẽ do nhịp sống nhanh và hối hả nơi đây.

Thời trang

Thời trang là một đại diện quan trọng của văn hóa và lối sống.

Nói chung, việc ăn mặc nhằm thể hiện tài sản, tiền bạc, địa vị được chú trọng hơn ở miền Bắc. Ăn mặc thể hiện con người bạn là ai, giàu sang hay nghèo khó, là công chức hay làm ăn tự do.

Mặc dù gần đây văn hóa phục vụ tại Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung đã được cải thiện khá nhiều, nhận xét một con người và phục vụ khách hàng qua cách họ ăn mặc vẫn còn là một nét văn hóa phố biến tại đây.

Về cơ bản thì cách ăn mặc của người Sài Gòn bị ảnh hưởng bởi xu hướng thời trang Âu Mỹ nhiều hơn. Đơn giản, khỏe khoắn và năng động thường là phong cách được giới trẻ lựa chọn, với quần jeans và áo phông.

Người Sài Gòn thoải mái hơn trong cách ăn mặc, bạn khó có thể đánh giá tài sản của một người chỉ qua quần áo họ mặc. Về cơ bản, bạn có thể mặc đồ ngủ đi khắp nơi và vẫn được phục vụ như khoác lên người bộ cánh sang trọng nhất, miễn là bạn có khả năng chi trả.

Đồ ăn nhanh

Giới trẻ Sài Gòn và miền Nam nói chung ưa chuộng đồ ăn nhanh kiểu Mỹ và lui tới các chuỗi ăn nhanh khá thường xuyên. Một phần do tư tưởng phương Tây ảnh hưởng nhiều tới văn hóa nơi đây, một phần có lẽ do các thương hiệu ăn nhanh xuất hiện ở đây trước khi tới Hà Nội khá lâu.

Một phép so sánh đơn giản theo số liệu thống kê, chỉ có một cửa hàng Burger King cho mỗi 1,5 triệu người Hà Nội. Con số này ở Sài Gòn là một cửa hàng Burger King cho mỗi 500.000 người.

Văn hóa ăn nhanh ảnh hưởng khá lớn tới ngoại hình của trẻ em và cả người lớn tại Sài Gòn, với tỉ lệ trẻ em mắc bệnh béo phì ngày càng tăng.

Việc làm và kinh doanh

Trong thời đại 4.0, khoảng cách trong phát triển kinh tế tại Sài Gòn và Hà Nội đã dần thu hẹp. Nhiều công ty và doanh nghiệp giờ đây có thể phục vụ không chỉ 2 thành phố này, mà tất cả 36 tỉnh thành trên cả nước.

Tuy nhiên, cơ hội làm việc và phát triển kinh tế cũng như môi trường kinh doanh tự do vẫn nghiêng về Sài Gòn.

Có thể thấy xu hướng người Bắc đổ vào Sài Gòn làm ăn và tìm cho mình một công việc chưa bao giờ dừng lại. Còn để tìm kiếm một giọng nói Sài Gòn giữa lòng Thủ đô có lẽ không phải là việc dễ dàng.

Cuộc sống về đêm

Nếu bạn thuộc tuýp người chỉ ra ngoài vào ban đêm và trở về khi trời sáng thì Sài Gòn sẽ cho bạn cuộc sống lý tưởng.

Các quán bar và club tại Sài Gòn chỉ đông đúc từ ít nhất là 10 giờ đêm và có thể đóng cửa vào muộn nhất là 5h sáng hôm sau.

Hãy một lần lang thang trên Bùi Viện, khu tây ba lô, để tận hưởng những cuộc vui bất tận đến sáng sớm.

Còn tại Hà Nội, khu Tạ Hiện với các quán bar và club tương tự có giờ giới nghiêm là 12h đêm.

Lòng hiếu khách

Mặc dù vẫn có ngoại lệ, người miền Nam có vẻ cởi mở hơn, trong khi người Bắc thường hay khách sáo, cả trong cuộc sống hàng ngày, với người lạ hay trong môi trường kinh doanh.

Với người miền Bắc, mọi người thường nghiêm túc hơn trong công việc và không thường chủ động nói chuyện khi mới gặp, bạn có thể sẽ là người phải chủ động nếu từ nơi khác tới đây.

Người miền nam nói chung hay cười, thân thiện và thoải mái hơn với người lạ. Họ có thể bắt chuyện với bạn không ngại ngần, dù bạn là người nước ngoài.

Hi vọng những góc nhìn mới lạ trên đây về đa dạng văn hóa vùng miền đã gợi cho bạn những suy nghĩ mới mẻ và biết đâu lại truyền cảm hứng cho ai đó xách ba lô lên và đi, để tận mắt chứng kiến những khác biệt này?