VĂN HÓA

Về Cổ Loa nghe chuyện Mỵ Châu

Khuê Việt Trường • 14-05-2022 • Lượt xem: 747
Về Cổ Loa nghe chuyện Mỵ Châu

Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội) là một địa danh mà ai cũng biết đến câu chuyện nỏ thần và câu chuyện tình Trọng Thủy - Mỵ Châu. Nhưng có bao nhiêu người đã đặt chân đến vùng đất này, để mang trong mình cái cảm giác như trở về không gian của một câu chuyện đã đi vào sử sách.

Cổ Loa tính ra không xa Hà Nội, nhưng cuộc hành trình từ Hà Nội đến Cổ Loa chỉ gần 24 km mãi đến nay tôi mới đến. Và gần như ám ảnh bởi bốn câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu/Trái tim lầm chỗ để trên đầu/Nỏ thần vô ý trao tay giặc/Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu...”


Am Mỵ Châu

Chuyện nỏ thần bây giờ chỉ còn trong sách vở, chuyện kể rằng: sau khi thành Cổ Loa thất thủ, vua An Dương Vương cưỡi ngựa đưa công chúa Mỵ Châu chạy về phía Nam, đến đèo Mộ Dạ (thuộc đất Diễn Châu, Nghệ An bây giờ).Thần Kim Quy hiện lên và chỉ: “Giặc đang ngồi sau lưng nhà vua đó”...Vua An Dương Vương nhìn lại, thấy công chúa Mỵ Châu đang rứt lông ngỗng từ chiếc áo thả theo lối đi để làm dấu. Thế là vua cha rút gươm, chém đầu Mỵ Châu. Máu của nàng chảy xuống biển, các loài trai, sò ăn vào biến thành ngọc. 


Bảng đề thơ ở Am Mỵ Châu

Bàn thờ Mỵ Châu

Cổ Loa là một làng quê miền Bắc đúng nghĩa. Khu vực các đền thờ trải dài trên con đường, dấu vết thời gian lữ giữ trên từng trụ đá. Bên kia đường là một sân cỏ rộng để các cháu chơi đá bóng và để tổ chức các ngày hội trong làng. Người dân ở đây vẫn sử dụng xe đạp đi chợ hoặc chở hàng đi bán dạo, có một vẻ gì đó rất dân dã. Không nhiều du khách đến, nếu không nói là rất vắng, và gần như chỉ có chúng tôi tìm đến. Người giữ di tích bán vé và cho biết vé dùng để tham quan các đền. Thành Cổ Loa được xây dựng kiểu vòng ốc nên được gọi là Loa thành. Tương truyền rằng có 9 vòng thành xoáy trôn ốc, tuy nhiên đến hiện tại chỉ còn 3 vòng. Thành Nội chu vi 1600m, thành Ngoại chu vi 15km, hình dáng khúc khuỷu, bao gồm vô số những công trình kiến trúc độc đáo như Giếng Ngọc, tượng Cao Lỗ, am Mị Châu, đền thờ An Dương Vương.

Am Mỵ Châu nhỏ, sân tráng xi măng cũng giống như các đền đài cổ những không được trang trí nhiều. Bởi Mỵ Châu là người có tội nên chỉ là cái am tưởng nhớ. Điều thú vị là bên cạnh bàn thờ có một cách của chấn song sắt, có khóa hẳn hoi. Nơi đây là nơi nhốt bức tượng không đầu của Mỵ Châu. Theo chuyện kể, thì khi bị chém đầu, thân mình Mỵ Châu biến thành một tượng đá cụt đầu trôi ngược biển Đông, về đến dòng sông, đất Cổ Loa thì dừng lại ở đó. Dân làng Cổ Loa làm lễ xin được rước tượng đá về thờ. Tượng khiêng bằng võng. Khi khiêng về đến đền “Ngự triều Di quy” (Đình Ngự Triều Di Quy nằm gần giữa khu thành Nội, cách đền thờ An Dương Vương khoảng 300m về phía đông, phía trước là một khoảng sân rộng, bên tây là am Mỵ Châu, bên đông là xóm Chợ, phía sau là chùa Bảo Sơ). bỗng nhiên tượng  tuột xuống, không thể khiêng đi được nữa.


Tượng đá cho là Mỵ Châu nhập vào

Chuyện xưa có truyền lại, nguyên thủy của pho tượng cụt đầu là một khối đá nguyên vẹn, có hình dáng của một người cụt đầu ngồi theo thế xếp bằng, hai tay song song, đặt lên đầu gối. Chuyện pho tượng đá cụt đầu có phải là hiện thân của nàng Mỵ Châu công chúa hay không vẫn đang còn là truyền thuyết. Nhưng pho tượng lại bị “giam” trong căn phòng nhỏ ở Am Mỵ Châu, và cánh cửa bằng song sắt khóa lại ấy làm cho bao người tò mò. May mắn cho chúng tôi là hôm ấy người giữ am đã mở cánh của cho chúng tôi xem tượng. Thật ra cũng chẳng thấy nguyên khối đá, mà là tấm vải điều  vàng có thêu hoa văn phủ kín, trong ánh đèn đỏ và âm thanh tiếng nhạc rất thâm u. Người giữ đền bảo bức tượng mỗi năm có cao thêm một chút, có thể chỉ là truyền thuyết mà thôi.


Đường làng Cổ Loa

Chuyện tình Trọng Thủy - Mỵ Châu đã đi qua thời gian, để lại cho nhân gian một câu chuyện ở Cổ Loa này, và khi đến một hồ nước trước đền An Dương Vương, có một ngôi đền nhỏ ở giữa. Nơi này được gọi là giếng Trọng Thủy, và Trọng Thủy cũng bị giam giữ giữa hồ nước bao nhiêu năm nay như thế đó.


Giếng Trọng Thủy

Bài và ảnh: Khuê Việt Trường