VĂN HÓA

Vẻ đẹp Pháp và văn hóa Phục Hưng tại tòa UBND TP.HCM

Cẩm Chi • 30-04-2023 • Lượt xem: 1208
Vẻ đẹp Pháp và văn hóa Phục Hưng tại tòa UBND TP.HCM

Lần đầu tiên chính thức được mở cửa du lịch, tòa nhà UBND TP.HCM đưa du khách khám phá vẻ đẹp kiến trúc cổ điển hơn 110 năm với phong cách nghệ thuật đa văn hóa (Pháp, Ý, Hy Lạp, La Mã) mang tính biểu tượng của Sài Gòn xưa.

Trụ sở HĐND - UBND TP.HCM tọa lạc trên khuôn viên rộng hơn 18.000m2 với ba mặt tiền trên đường Lê Thánh Tôn, Pasteur và Đồng Khởi. Đây là công trình tiêu biểu về phong cách kiến trúc nghệ thuật cổ điển đầu thế kỷ 20 của Sài Gòn, là điểm nhấn của kiến trúc trung tâm thành phố, được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 2020.

Tòa nhà do kiến trúc sư Femand Gardès thiết kế và xây dựng từ năm 1889 đến 1909, sau này nhà điêu khắc Louis - Lucien Ruffier đảm nhiệm phần trang trí kiến trúc bên ngoài. Trải qua hơn 110 năm hình thành và phát triển, tòa nhà đã thay đổi tên gọi qua từng thời kỳ, giai đoạn. Thời Pháp thuộc, công trình có tên gọi là dinh Xã Tây, sau đó được gọi là Tòa đô chánh Sài Gòn (Hôtel de ville - Tòa Thị chính - là nơi làm việc và hội họp của chính quyền thời bấy giờ). Từ 30-4-1975 đến nay, tòa nhà là nơi làm việc của HĐND và UBND TP.HCM.

Trụ sở UBND (Dinh Xã Tây) được xây dựng năm 1908 - ảnh tư liệu

Công trình có lối kiến trúc phong cách Phục Hưng (lấy hình mẫu từ tòa thị chính ở Paris), thiết kế theo dạng lầu chuông đúc cao - kiểu kiến trúc phổ biến ở miền Bắc nước Pháp. Cấu trúc phần cột tròn xen kẽ mái vòm, phần chính là tháp nhọn nhô cao, hai bên có hai tầng mái cân đối. Trang trí bên ngoài dạng phù điêu kiểu Baroque, Rococo, các cửa sắt kiểu Art Nouveau (tân nghệ thuật), cột Hy Lạp, tràng hoa, huy hiệu.... với các họa tiết cách điệu mang tới vẻ đẹp mềm mại cho tòa nhà.

Cổng chính là hệ thống gồm 5 cổng nhỏ hình vòm liên tiếp nhau, làm bằng sắt uốn hình hoa cầu kỳ, đặt ngay giữa tòa nhà.  

Mũ tự do Phrygia, vành nguyệt quế và nhà cách mạng là những biểu tượng được lặp lại trên mặt tiền của tòa nhà. Chính giữa mặt tiền là tượng trang trí hình người phụ nữ và hai đứa bé đang chế ngự thú dữ. Hai bên cũng là hai bức phù điêu hình người phụ nữ. Đây là ba cụm điêu khắc thường xuất hiện tại những tòa tháp thị chính của nước Pháp xưa, là hình tượng nhân cách hóa quốc gia về Nữ thần Marianne, biểu hiện cho những giá trị tự do, bình đẳng, huynh đệ, bác ái của nền cộng hòa Pháp.

Những biểu tượng trang trí mang đậm văn hóa châu Âu 

Công trình còn thể hiện sự giao hòa với kiến trúc Italy giai đoạn Phục Hưng, thể hiện ở 2 lầu chuông 2 bên được bổ sung sau này. Ngoài ra, nét kiến trúc Italy còn thể hiện có hàng cột tròn theo thức cột Corinth (một trong 3 kiểu cột cơ bản của kiến trúc Hy Lạp và La Mã cổ đại) chống đỡ phần trung tâm của lầu một, được xen kẽ với các cửa vòm cung, tạo sự thông thoáng, mềm mại cho tòa nhà. 

Toàn bộ bên trong trụ sở được bảo tồn hầu như còn nguyên giá trị kiến trúc sau hơn 100 năm tồn tại.

Các chi tiết trang trí được thực hiện với độ tinh xảo cao, ít có công trình nào sánh được về tính cầu kỳ, đa dạng bởi sự kết hợp giữa kiến trúc, điêu khắc và hội họa. Những tấm phướn, bờ tường chạm khắc tỉ mỉ trên các mái vòm cong, khung cửa sổ, cột trang trí. Các phù điêu được trang trí khắp cầu thang, cột, trần bằng những bức tranh nhiều màu sắc, chủ đề về những thiên thần, vẻ đẹp phụ nữ, vòng hoa, lá cọ, cành nguyệt quế, thiên sứ... Du khách có thể chiêm ngưỡng bức tranh khổng lồ cầu kì và tinh tế sắp xếp vòng hoa, lá hoa lan tây cách điệu, lá laurier theo phong cách Louis XV, kết cấu hình học, kính màu...

Những hình ảnh trang trí nổi bật của thời kỳ văn hóa Phục hưng

Tòa nhà có nhiều căn phòng họp lớn nhỏ khác nhau dùng là nơi làm việc và hội họp với số lượng hàng chục người tham dự.  Một số phòng dùng tiếp khách trong và ngoài nước được trải thảm đỏ, tường gỗ kèm các họa tiết, kết hợp hài hòa với nội thất, tạo nên quang cảnh vừa trang trọng, vừa cổ điển. Ngoài ra, phía sau khoảng sân giữa là một dãy nhà công vụ cũng tạo nên đường nét xưa. 

Bên trong phòng họp quốc tế với bản đồ quy hoạch Sài Gòn năm 1900

Trong thời kỳ đầu khi mới xây dựng, tòa nhà đã có một vị trí đặc biệt trong không gian Sài Gòn xưa, là điểm cuối của con kênh dẫn thẳng ra sông và là một phần của thành Quy (còn gọi là thành Bát Quái).

Hệ thống cửa gỗ trăm năm vẫn còn nguyên vẹn khu hành lang

Ban công tầng 2 của tòa nhà có tầm nhìn ra phố đi bộ Nguyễn Huệ và sông Sài Gòn.

Trụ sở UBND TPHCM cùng với một số công trình ở trung tâm thành phố như Dinh Thượng thư (trụ sở Sở Thông tin và Truyền thông), Nhà hát Thành phố, Tòa án, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố đều là chứng nhân cho những chuyển biến lịch sử, chính trị, hành chính, địa lý của Sài Gòn. Các công trình này đều có giá trị mỹ thuật cao, có câu chuyện lịch sử trải dài, dự kiến sẽ thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Người dân và du khách có nhu cầu tham quan có thể đăng ký qua các công ty dịch vụ lữ hành hoặc đăng ký trực tuyến tại website.