Người Việt Nam và Trung Quốc thờ nhiều vị Thần Tài, bao gồm nhóm văn tài thần và vũ tài thần, trong Mật tông thì có nhóm Ngũ Tính Tài thần (còn gọi là Ngũ sắc tài thần), Hoàng Tài thần và Tài Nguyên Thiên Mẫu…
Nói đến Thần Tài, mặc dù Phật giáo yêu cầu các tín đồ phải loại bỏ lòng tham, thậm chí khuyến khích từ bỏ mọi của cải thế gian để sống một cuộc đời tu hành giản dị nhưng quan điểm giáo lý của đạo Phật dạy rằng khi thoát khỏi khổ đau con người sẽ đạt được hạnh phúc, của cải có thể giải quyết một số khổ đau về vật chất, nhưng chỉ có trí tuệ mới có thể hướng dẫn con người thực sự thoát khỏi mọi khổ đau.
Vì vậy, về mặt học thuyết, trí tuệ được coi là của cải cao nhất. Điều này đã được ghi nhận trong bộ Du già sư địa luận (瑜伽師地論) của Bồ Tát Di Lặc, một trong những tác phẩm căn bản nhất của Tông Duy Thức – Pháp Tướng. Ngoài những vị Phật được xem là Thần Tài trong bài trước, ở đây xin giới thiệu thêm những vị Bồ Tát cũng được công nhận là Thần Tài:
Vũ Bảo Trì Thế Bồ Tát (Àrya Sutàre: Thánh Thiện Cứu Độ): là một vị nữ Bồ Tát của Phật giáo, còn được gọi là vị Phật trông coi của cải (Tài Tục Phật Mẫu), Nữ thần tài sản (Tài nguyên Thiên Nữ), hay Nữ thần kho báu (Vũ Bảo Thiên Nữ). Tượng Bồ Tát này giống như một nữ thần điềm lành, dáng vẻ rất đẹp, tay cầm vàng bạc châu báu, dưới chân là chậu vàng.
Người nào quyết tâm tin tưởng vị Bồ Tát này, trì tụng thần chú của Bồ Tát này, thực hành Pháp môn của Bồ Tát này và thấu hiểu Vũ Bảo Đà La Ni Kinh (雨寶陀羅尼經) thì xem như họ có thể hưởng được nhiều báu vật. Nếu chúng sinh gặp tai họa hay bị bệnh tật, Trì Thế Bồ Tát sẽ tiêu diệt tất cả hiểm họa, bảo vệ tất cả chúng sinh trong thế gian.
Chuẩn Đề Bồ Tát (Cundā) là một trong lục quan âm của Phật giáo, một vị Bồ Tát trong tông phái Đại thừa. Ngài từng nói: "Nếu một vị Bồ Tát hoặc một người tu tại gia trì thần chú và trì tụng Kinh Đà La Ni (dhāraṇī) trong 900.000 lần thì việc tạo ra tội ác sẽ được tiêu trừ, sẽ gặp chư Phật và Bồ Tát, nhiều báu vật sẽ đến nhà”.
Bố Đại hòa thượng (布袋和尚): là nhà sư thời Hậu Lương (Ngũ Đại thập quốc), Trước lúc viên tịch, nhà sư mới cho biết mình là hiện thân của Phật Di Lặc. Trong một số chùa Phật giáo, ta thường thấy tượng Di Lặc bụng to (hay Tỳ khưu bụng bự), thể hiện “phúc đức vô lượng”.
Tương truyền, Phật Di Lặc hóa thân thành nhà sư mang túi vải với nụ cười thường trực trên môi. Hình tượng này biểu trưng cho sự kiếm tiền và tích lũy của cải.
Trong tín ngưỡng dân gian, người dân tin Di Lặc Bồ Tát (Maitreya) là Thần Tài, biểu tượng của phúc lộc. Những người buôn bán nói chung, kể cả cửa hàng xổ số, nhà hàng… đều cúng dường vị Bồ Tát này trong các cửa hàng của họ.
Ngoài ra, về các Thần Tài phải cần kể đến Như Ý Luân Quan Thế Âm Bồ Tát (Cintāmaṇicakra), Địa Tạng Bồ Tát (Kṣitigarbha) và Hư Không Tạng Bồ Tát (Ākāśagarbha bodhisattva mahāsattva) - một trong bát đại Bồ Tát chuyên làm nhiệm vụ ban bình an cho mọi chúng sinh. Kinh Hư Không Tạng Bồ Tát miêu tả rằng Ngài có lòng từ bi vô lượng. Nếu chúng sinh nghèo khó, thiếu thốn mà muốn giàu có, họ có thể sử dụng kinh và hướng về Hư Không Tạng Bồ Tát.