VĂN HÓA

Vì sao đáy biển sâu vẫn là vùng đất bí ẩn với nhân loại?

Cẩm Chi • 10-08-2023 • Lượt xem: 1370
Vì sao đáy biển sâu vẫn là vùng đất bí ẩn với nhân loại?

Con người ngày nay đã đạt được những bước tiến vĩ đại trong việc chinh phục vũ trụ. Thế nhưng ngay trên Trái Đất vẫn còn tồn tại một vùng đất rộng lớn mà chúng ta có những hiểu biết rất ít ỏi về nó. Đó chính là đại dương, nhất là những tầng biển sâu.

Đại dương được chia thành từng khu vực theo độ sâu. Và vùng biển dồi dào sự sống nhất chính là từ mặt biển cho tới độ sâu 200m. Nó còn được gọi là “vùng ánh sáng mặt trời”. Trong khu vực này, ánh sáng mặt trời có thể chiếu đến.

Độ sâu từ 200m đến 1km được gọi là vùng chạng vạng. Nơi đây ánh sáng mặt trời giảm mạnh. Vì vậy sự sống cũng kém sinh động hơn hẳn. Vượt qua độ sâu 1km thì nhân loại có sự hiểu biết khá khiêm tốn. Bởi rất ít tàu lặn chuyên dụng được thiết kế để lặn ở độ sâu này.

Sự sống nơi đại dương rất phong phú đa dạng.

Tiếp tục đi xuống, từ 1km đến 5,8km được gọi là vùng aphotic. Nơi đây ánh sáng không thể chiếu tới. Và do đó có rất ít sự sống vì thức ăn ít ỏi. Chủ yếu nguồn thực phẩm đến từ xác các loài vật sống ở những tầng biển trên chìm xuống.

Và khi vượt quá độ sâu 5,8km, đại dương sâu thẳm này được gọi là vùng biển khơi tăm tối hadal (được đặt theo tên thần địa ngục Hades). Đây cũng là khu vực mà nhân loại có những hiểu biết rất ít ỏi về nó. Thậm chí phải đến tận năm 2019, nhà thám hiểu Victor Vescovo mới lần đầu tiên lặn xuống được đến độ sâu 10924m (vực thẳm Challenger).

Những tàu ngầm chiến đấu hiện đại nhất thường chỉ hoạt động ở độ sâu 600m.

Điều khó khăn đầu tiên khi muốn khám phá đáy đại dương là môi trường nơi đây rất khắc nghiệt. Nhiệt độ nước rất thấp, áp suất thì rất cao và hầu như không có ánh sáng. Vì vậy, thợ lặn (dù có đồ bảo hộ) cũng gần như không thể hoạt động ở đây. Nếu muốn nghiên cứu nơi này, bắt buộc phải có các tàu lặn đắt tiền. Và kể cả khi được trang bị đầy đủ thì cũng không thể đảm bảo an toàn tuyệt đối. Mỗi chuyến lặn sâu là một lần đối diện với tử thần.

Khó khăn thứ hai phải đối diện là địa hình phức tạp. Đáy biển không phải là vùng đất bằng phẳng. Ngược lại, nó cực kỳ phức tạp với nhiều loại địa hình đan xen: núi cao, vực sâu, xác tàu đắm, dòng chảy ngầm... Muốn chinh phục các độ sâu lớn, tàu lặn chuyên dụng thường có kích thước nhỏ để chống lại áp suất khủng khiếp ở đáy biển.

Xác tàu Titanic nằm ở vùng biển ánh sáng mặt trời không thể chiếu đến.

Do vậy nó phải chấp nhận hy sinh những trang thiết bị khác. Để tối ưu không gian, tàu chỉ có thể lắp các máy móc nhỏ gọn. Điển hình như rada, máy quét, thiết bị liên lạc... tất cả không thể mạnh mẽ như các tàu ngầm chỉ hoạt động ở độ sâu 1 km.

Vì vậy, để tàu ngầm an toàn phụ thuộc rất nhiều vào kỹ thuật của “bác tài”. Họ thường lái rất chậm và nhờ vào ánh đèn pha công suất lớn quan sát kỹ địa hình (thông qua kính khoang lái) để tránh những tai nạn bất ngờ. Một người lái tàu lặn chuyên nghiệp từng tiết lộ, trong một chuyến thám hiểm tàu Titanic, dù chỉ còn cách xác tàu không đến 500m nhưng anh phải thăm dò mất nửa tiếng mới tìm ra.

Đạo diễn lừng danh James Cameron là một người nổi tiếng đã từng lặn xuống vùng Hadal.

Vị đạo diễn phim Titanic, Avatar lừng danh đã ví việc khám phá vùng biển khơi tăm tối không khác gì thám hiểm vũ trụ. “Đó là một nơi cực kỳ âm u, hoang vắng và cô lập. Cả một thế giới rộng lớn ở đó mà nhân loại sẽ phải mất một thời gian dài mới tìm hiểu được.” – James Cameron chia sẻ.

Sau cùng, khó khăn thứ ba trong việc chinh phục vùng biển tăm tối chính là việc cứu hộ khi lỡ có tai nạn xảy ra. Với độ sâu 5000m so với mặt nước biển thì một khi có tai nạn, mọi thứ gần như hoàn toàn vô vọng. Sẽ không thể có một sự tiếp ứng ngay lập tức cho nạn nhân được. Và đợi khi những nhân sự lẫn trang thiết bị chuyên nghiệp đến nơi thì mọi thứ đã kết thúc.

Rãnh Mariana, phía tây Thái Bình Dương sâu gần 11.000m là rãnh đại dương sâu nhất hành tinh.

Độ sâu lớn nhất của con người chinh phục được (khi không dùng tàu lặn) là 332m. Và khi đó, áp suất lên cơ thể thợ lặn phải chịu là 213kg cho mỗi inch vuông. Dĩ nhiên, khi sử dụng tàu lặn chuyên dụng thì có thể đạt đến độ sâu hơn 10.000m. Tuy nhiên, mỗi chuyến lặn sẽ phải tốn chi phí khổng lồ đồng thời đi kèm với rủi ro tai nạn cao.

Điều đáng kinh ngạc là sự sống vẫn tồn tại ở vùng biển sâu tăm tối. Mật độ dinh dưỡng thấp, áp suất nước cực lớn, thiếu thốn ánh sáng mặt trời... vì vậy các sinh vật đã phải tiến hóa để thích nghi với hoàn cảnh. Một số thì sống dựa vào những ngọn núi lửa ngầm, một số thì có cặp mắt bị thoái hóa hẳn đi (vì không có ánh sáng), một số con khác thì lại có cặp mắt cực to để bắt lấy ánh sáng từ các loài sinh vật nhỏ phát ra...

Hình ảnh một con cá lồng đèn – sinh vật sống ở vùng biển sâu tăm tối.

Hiện tại trên thế giới có không ít những cá nhân hay tổ chức nỗ lực không ngừng để vén bức màn bí mật biển sâu. Họ tin rằng đáy biển rất có thể là nơi che dấu những nền văn minh khác: quốc gia cổ đại, tàn tích thành phố Atlantis, hay căn cứ bí ẩn của người ngoài hành tinh...