VĂN HÓA

Vì sao người Ấn Độ là tín đồ của món ăn dạng sệt?

Cẩm Chi • 19-06-2023 • Lượt xem: 4015
Vì sao người Ấn Độ là tín đồ của món ăn dạng sệt?

Cà ri, súp và các món dạng sệt, lỏng được người Ấn yêu thích không chỉ bởi kích thích vị giác, giúp ăn uống ngon miệng mà còn là cách sử dụng tối đa các loại gia vị phong phú - yếu tố ẩm thực quan trọng tạo nên hương vị độc đáo cho nền ẩm thực.

Đất nước của ăn chay và gia vị

Ấn Độ có truyền thống ăn chay lâu đời trong lịch sử, và mang ý nghĩa văn hóa tâm linh. Trong Ấn Độ giáo và Phật giáo, ăn chay được coi như một hình thức bảo vệ và tôn kính sự sống, vì vậy, rất nhiều người Ấn Độ ít ăn thịt mà thích ăn rau, đậu và gạo.

Ấn Độ còn được mệnh danh là “xứ sở của gia vị”, chỉ riêng quốc gia này đã sản xuất hơn 70% lượng gia vị của thế giới. Người Ấn cũng rất coi trọng mùi vị và mùi thơm của thức ăn. Nhiều loại gia vị, rau gia vị, thường được sử dụng trong ẩm thực Ấn Độ, chẳng hạn như nghệ, gừng, tỏi, thảo quả, quế, hạt thì là, hạt ngò,… Chúng có tác dụng làm sánh đặc thức ăn và hơn nữa còn tạo mùi vị “không đụng hàng” cho từng món ăn nữa, giúp hương vị của món ăn đậm đà hơn.

Gia vị được coi là yếu tố cực kỳ quan trọng để tạo ra hương vị hấp dẫn cho mỗi món ăn Ấn Độ.

Ngoài ra, một đặc điểm khác là họ thường dùng bơ sữa để nấu nướng và tạo độ sệt sánh mịn, thơm hương cho món ăn. Bơ sữa thường có trong mỗi món chay với mục đích thanh lọc tinh thần. Ở Ấn Độ sữa thường được lấy từ sữa trâu và sữa dê. Người Ấn thường dùng sữa và các chế phẩm từ sữa làm đồ tráng miệng sau mỗi bữa ăn. Điều này tạo sự khác biệt, riêng biệt chỉ có ẩm thực Ấn Độ mới có.

Người Ấn thường cho sữa hay bơ vào các món ăn để tăng mùi thơm và độ sánh của món ăn.

Có thể kể đến những món ăn nổi tiếng nhất xứ Ấn từ khai vị, món chính hay tráng miệng đều ở dạng sệt như: Pav bhaji - biểu tượng của ẩm thực đường phố Mumbai với mùi thơm, chua và cay với chiết xuất chanh. Misal Pav - món cà ri đậu lăng cay và thơm với bánh mì, đậm vị rau mầm, farsan và nước thịt. Ragda Pattice - những miếng khoai tây được trộn với cà ri đậu Hà Lan, hành tây và các loại gia vị khác để chế biến món ăn nhẹ thú vị…

Món Pav bhaji - Misal Pav làm từ các loại đậu và nước thịt ăn kèm với bánh mì.

Trong số những món ăn có hương liệu và gia vị cay nồng ở dạng sệt điển hình là món cà ri. Có đủ cả một “thế giới cà ri” trong bữa ăn của người Ấn như cà ri trứng, cà ri hải sản, thịt bằm cà ri, cà ri gà, cà ri rau củ. Người Ấn thường dùng bột cà ri làm từ các loại gia vị tổng hợp như: bột nghệ, hạt mù tạt, bột ớt, hạt thì là, đinh hương. Người Ấn có thể ăn kèm cà ri với cơm, bánh, rau củ… Ngoài ra thì còn phải kể đến các loại gia vị khác được làm từ trái cây như dừa, me, xoài…đều được người Ấn khai thác triệt để để tạo độ chua, cay, béo cho món ăn.

Món cà ri gà với màu vàng đậm thơm lừng gia vị khi ăn cùng với cơm.

Giá trị dinh dưỡng và sức khỏe

Trong chế độ ăn uống của người Ấn Độ, nghiền các nguyên liệu thành bột nhão cũng là một phương pháp chế biến phổ biến nhằm giữ trọn dưỡng chất của thực phẩm. Những nguyên liệu mà họ thường sử dụng như ngũ cốc, bột mì nguyên cám, gạo, đậu nành, đậu phụ, đậu xanh… là nguồn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể con người, như protein, chất xơ, vitamin…. Nghiền các thành phần này thành bột nhão không chỉ có thể cải thiện hương vị của thức ăn mà còn giúp cơ thể hấp thụ các chất dinh dưỡng này dễ dàng hơn.

Các món ăn đường phố Ấn Độ thường làm từ các loại bột, rau củ nghiền. 

Mỗi khu vực ở Ấn Độ có đặc trưng món ăn và kỹ thuật nấu ăn khác nhau nhưng hầu hết chúng đều có dạng sệt. Cà ri Ấn Độ, súp cà ri… được làm bằng cách nghiền các loại gia vị và rau củ thành dạng sệt, sau đó thêm các nguyên liệu khác để nấu. Thức ăn dạng sệt có cảm giác mềm và dễ nhai, cũng có thể mang lại trải nghiệm hương vị độc đáo, điều này khiến món ăn trông ngon miệng và dễ ăn hơn.

Bên cạnh đó, các loại gia vị thường được sử dụng trong ẩm thực Ấn Độ mang lại màu sắc rất rực rỡ, bắt mắt cho món ăn đồng thời có tác dụng chống oxy hóa mạnh, giúp nâng cao khả năng miễn dịch và sức đề kháng. Do đó, ăn thức ăn Ấn Độ thường mang tới nhiều lợi ích bổ dưỡng cho cơ thể.

Văn hóa ăn bốc là cách đơn giản nhất để thưởng thức ẩm thực của người Ấn. 

Ngoài ra, thói quen ăn uống của người Ấn Độ cũng có tác động nhất định đến độ sệt của thức ăn. Ở Ấn Độ, nhiều người ăn bằng ngón tay để họ có thể cảm nhận rõ hơn mùi vị và mùi thơm của thức ăn. Người Ấn luôn tâm niệm rằng thức ăn là trời ban. Vì thế phải dùng tay, trực tiếp bốc, cầm vào đồ ăn để thể hiện sự trân trọng, biết ơn chúa trời. Và theo người Ấn, 5 ngón tay tượng trưng cho đất, lửa, nước, không khí, trời. Khi ăn bằng tay sẽ cảm nhận hương vị của đồ ăn chuẩn, ngon. Và thức ăn dạng sệt có thể giúp cho việc ăn bằng tay dễ dàng cảm nhận mùi vị món ăn hơn.