VĂN HÓA

Vì sao phim điện ảnh 'Tây du ký' đầu tiên biến mất hơn 90 năm?

DDVN • 30-09-2021 • Lượt xem: 994
Vì sao phim điện ảnh 'Tây du ký' đầu tiên biến mất hơn 90 năm?

Từng là hiện tượng màn bạc khi công chiếu nhưng bản phim điện ảnh Tây du ký đầu tiên lại bị lên án thậm tệ, cấm lưu hành và biến mất hơn 90 năm.


Cảnh quay trong 'Động Bàn Tơ' năm 1927, các yêu tinh nhền nhện quyến rũ Đường Tăng

"Cơn bão" thanh lọc làng giải trí Trung Quốc đang làm nảy sinh nhiều tin đồn tiêu cực khiến không ít người hoang mang. Mới đây, Tổng Cục Phát thanh Truyền hình Điện ảnh Trung Quốc tỏ rõ ý định sẽ cấm sóng nhiều bộ phim có yếu tố gây hại với trẻ em nên phim truyền hình Tây du ký phiên bản năm 1986 cũng bị réo tên. Thực tế là các cảnh trong phim này rất nhẹ nhàng so với bản phim điện ảnh Tây du ký từng bị cấm chiếu tại Trung Quốc đầu thế kỷ 20.


Một trong những cảnh bị cho là lộ da thịt khiến phim bị cấm chiếu

Do phiên bản phim truyền hình Tây du ký năm 1986 quá thành công suốt 30 năm qua nên nhiều người nhầm tưởng đây là tác phẩm lâu đời nhất. Nhưng sự thật bộ phim sớm nhất chuyển thể từ tiểu thuyết Tây du ký của Ngô Thừa Ân là Động Bàn Tơ được sản xuất năm 1927. Vì thời lượng giới hạn nên phim chỉ tập trung nội dung từ chương 72, 73 của tiểu thuyết, kể chuyện thầy trò Đường Tăng gặp nạn ở động Bàn Tơ. Bộ phim do nữ diễn viên tài sắc nổi danh của bến Thượng Hải lúc bấy giờ là Ân Minh Châu đảm nhiệm vai nữ chính, đạo diễn thế hệ đầu tiên của Trung Quốc là Đán Đỗ Vũ thực hiện. Ngay từ khi ra mắt, phim đã nhận được phản hồi rất lớn của khán giả. Theo trang 163, vào thời đó, giá vé xem phim là một đồng, trong khi lương bình quân của lao động phổ thông là năm đồng. Với giá vé đắt đỏ này nhưng bộ phim vẫn nhanh chóng thu hút đông đảo công chúng vì lần đầu tiên Tây du ký được lên phim.

Khi đạo diễn đang vui mừng chuẩn bị thực hiện phần tiếp theo thì bộ phim nhận được lệnh cấm. Lý do là các nữ diễn viên diện trang phục không phù hợp với chuẩn mực thẩm mỹ thời bấy giờ là áo yếm, quần ngắn…; phim có nhiều cảnh bảy yêu tinh nhền nhện tắm suối, dùng nhan sắc để quyến rũ Đường Tăng… với nhiều hành động, cử chỉ quá táo bạo. Các phe phái bảo thủ lên án bộ phim với lời lẽ rất nặng nề vì đã bôi nhọ hình ảnh người phụ nữ, làm lệch lạc văn hoá thẩm mỹ dân tộc… Năm 1937, trong trận chiến giữa Nhật Bản và Trung Quốc tại Thượng Hải, kho tư liệu của hãng phim bị bom lửa phá huỷ nên Động Bàn Tơ cũng thất truyền từ đó.


Trang phục diễn viên trong phim bị xem là phản cảm năm 1927

Nào ngờ, năm 2012, Trung Quốc biết được thông tin tại Bảo tàng Quốc gia Na Uy có một bộ phim điện ảnh cổ của nước này nên đã tìm cách liên lạc để truy tìm tư liệu. Phía Na Uy chỉ biết đây là bộ phim điện ảnh sớm nhất của Trung Quốc mà họ có đầu tiên với tên gọi Yêu nhền nhện. Sau khi các chuyên gia thẩm định thì bộ phim câm đen trắng với chữ phụ đề tiếng Trung và tiếng Na Uy đang ở bảo tàng chính là bộ phim Động Bàn Tơ đã biến mất từ lâu ở nơi khai sinh. Thì ra năm 1929, tiếng tăm của bộ phim Động Bàn Tơ lan truyền tới Na Uy, phim trình chiếu tại các rạp phim nước này trong vòng 6 ngày. Sau đó bộ phim được đưa vào Bảo tàng Quốc gia Na Uy. Thời gian trôi qua, không ai để ý đến bộ phim này cho đến khi bất ngờ được tìm lại. Vì thời gian quá lâu, phim không tránh khỏi hư hỏng. Na Uy đã nhiệt tình dành hai năm để phục chế và gửi tặng lại Trung Quốc bản phim tốt nhất. Đây là món quà tư liệu quý giá vì các bộ phim điện ảnh đầu thế kỷ 20 của Trung Quốc hiện nay còn lưu giữ chưa đến 20 bộ.


Động Bàn Tơ được nhận xét là tác phẩm tổng hợp các thể loại: kinh dị, thần kỳ, du hành, tình cảm, hài hước, võ thuật… 

Giới chuyên môn được tiếp cận với bộ phim Động Bàn Tơ nhận xét đây là tác phẩm tổng hợp các thể loại: kinh dị, thần kỳ, du hành, tình cảm, hài hước, võ thuật… So với trình độ của điện ảnh cách đây 100 năm, các nhà làm phim đã nỗ lực tái hiện chân thực các tình tiết được miêu tả trong tiểu thuyết. Tuy nhiên do nghệ thuật hoá trang, đạo cụ thô sơ, kỹ xảo giản đơn nên phim không tránh khỏi nhiều hình ảnh thiếu thẩm mỹ, phản cảm. So với trình độ phát triển của điện ảnh thời gian qua, trang phục và diễn xuất của các diễn viên nữ không phải quá phá cách. Nhưng tại thời điểm phim ra mắt thì những hình ảnh đó khó được chấp nhận trên màn ảnh lớn. Dẫu vậy, trong bối cảnh văn hoá phương Tây xâm nhập Trung Quốc rất nhiều thì các hình ảnh trong phim được thể hiện bằng sự tìm tòi tái hiện chất liệu dân tộc khá tốt. Nếu không bị thất lạc quá lâu, Động Bàn Tơ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến không ít tác phẩm đời sau.

Theo Dao Ngôn/Thanhnien.vn