VĂN HÓA

Vì sao trang trí cây thông trở thành truyền thống dịp Giáng sinh?

Ngân Nguyễn • 24-12-2023 • Lượt xem: 1079
Vì sao trang trí cây thông trở thành truyền thống dịp Giáng sinh?

Cây thông có thể nói là một biểu tượng không thể thiếu trong mỗi dịp Giáng sinh. Tuy nhiên, về nguồn gốc trang trí cây thông thì không phải ai cũng biết. 

Mỗi khi đến tháng 12 - mùa Giáng sinh, người dân ở trên toàn thế giới lại mang về ngôi nhà nhỏ của mình một cây thông và trang trí trên đó lấp lánh đủ các loại đèn, dây kim tuyến, ngôi sao, quả thông, trái châu… Đây được xem như một truyền thống lâu đời và là một việc nhất định phải làm mỗi khi đến Giáng sinh. 

Tuy nhiên, vì sao trang trí cây thông lại trở thành truyền thống dịp Giáng sinh thì thật khó để xác định từ bao giờ. Một điều có thể chắc chắn rằng là con người đã sử dụng cây để trang trí trong các dịp lễ này từ hàng nghìn năm qua, ngay cả trước khi Cơ đốc giáo ra đời. Giáo sư nghiên cứu tôn giáo tại Đại học Sydney Carole Cusack cho biết: "Cây xanh tại các lễ hội mùa đông là truyền thống từ thế giới cổ đại, biểu tượng của chiến thắng từ sự sống, ánh sáng trước cái chết và bóng tối".

Trong khi đó, Tiến sĩ Dominique Wilson từ Đại học Sydney (Úc) cho biết: “Ý tưởng mang cây thông vào nhà tượng trưng cho khả năng sinh sản và cuộc sống mới nảy mầm trong bóng tối của mùa đông. Đây cũng là nguồn gốc cho những ý tưởng về cây ô rô, cây thường xuân và cây tầm gửi bởi vì chúng là những loài thực vật ít ra hoa vào mùa đông nên chúng có ý nghĩa đặc biệt. Vì vậy, ý tưởng mang cây thông vào nhà bắt đầu từ đó và cuối cùng phát triển cho tới ngày nay". Mặt khác, nhiều quốc gia cũng tuyên bố họ là nguồn gốc của cây thông Noel và nhiều thần thoại cũng ra đời nhằm tìm cách lý giải ý nghĩa của nó.

Cây thông Noel ở Bắc Âu 

Ở Bắc Âu, Latvia và Estonia đều tuyên bố chính họ là nơi đầu tiên ra đời của việc trang trí cây thông Noel. Từ 1510, Latvia đã có truyền thống này, một hội buôn là House of the Black Heads mang một cây thông vào thành phố để trang trí và sau đó lại đốt cháy nó. Mặt khác, Estonia lại cho rằng nơi này có bằng chứng về một lễ hội tương tự như thế tại thủ đô Tallinn vào năm 1441 cũng bởi hội buôn này. 

Mãi đến năm 2016, các nhà sử học sau quá trình dài nghiên cứu đã cho rằng cả hai lễ hội này hoàn toàn không liên quan gì đến Giáng sinh. Tuy nhiên, người dân cả hai đất nước đều không đồng ý với kết luận này. Thậm chí, một tấm bảng đã được đặt giữa trung tâm Quảng trường Tòa thị chính ở Riga (Latvia) nhằm đánh dấu vị trí của cây thông Noel đầu tiên. 

Cây Giáng sinh ở Đức

Trong một nghiên cứu, Giáo sư nghiên cứu tôn giáo Carole Cusack cho biết có nhiều khả năng cây Giáng sinh đã ra đời vào thế kỷ XVI tại vùng Alsace (nơi được cho là lãnh thổ của Đức tại thời điểm đó). Được biết, vào năm 1539, một cây thông đã được dựng lên tại nhà thờ Strasbourg và từ đó, truyền thống này đã lan tỏa phổ biến khắp vùng, đến mức thành phố Freiburg đã cấm chặt cây vào lễ Giáng sinh năm 1554.

Ngoài ra, văn hóa dân gian cũng chỉ ra một số cách giải thích về ý nghĩa của cây thông vào dịp Giáng sinh. Một số người cho rằng, cây Giáng Sinh được lấy cảm hứng từ cây thiên đường - một biểu tượng của vườn Địa đàng xuất hiện trong một vở kịch thời Trung cổ. Một số người khác lại cho rằng, cây Giáng sinh tương tự như các kim tự tháp Giáng sinh - những công trình bằng gỗ được trang trí bằng cành cây xanh và các nhân vật tôn giáo.

Từ đó, truyền thống cây thông vào dịp Giáng sinh vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển, lan tỏa rộng hơn ở các gia đình người Đức từ thế hệ này sang thế hệ khác, dần trở thành một biểu tượng mỗi mùa Giáng sinh. Và đến thế kỷ XVIII, cây Giáng sinh đã có mặt trên khắp châu Âu.

Cây thông Noel trở thành xu hướng tại Anh

Theo nhiều thông tin được biết, nữ hoàng Charlotte được xem là người đầu tiên mang cây thông Noel về trong gia đình Hoàng gia Anh. Tuy nhiên, bà lại không phải là người biến cây thông trở thành biểu tượng. Năm 1848, tờ Illustrated London News đã đăng tải một bức ảnh gia đình Hoàng gia Anh tụ tập quanh cây thông Noel được trang trí rực rỡ. Nữ hoàng Victoria và chồng Albert đã thu hút sự chú ý của công chúng ở hình ảnh này và giúp truyền thống trang trí cây thông Noel lan tỏa rộng rãi hơn ở thời đại của bà. 

Lễ thắp sáng cây thông tại Mỹ

Có thể nói truyền thống trang trí cây thông vào dịp Giáng sinh của Đức có thể đã du nhập vào Mỹ cuối thế kỷ XVIII, khi quân đội Hessian gia nhập quân đội Anh để chiến đấu trong Chiến tranh Cách mạng Mỹ. Sau đó, những người nhập cư Đức đã dần biến truyền thống này trở nên rộng rãi hơn tại Mỹ. 

Ngày nay, có thể nói việc thắp sáng hai cây thông Noel tại Mỹ đã trở thành một phần trong việc chào đón Giáng sinh đến. Năm 1923, Tổng thống Calvin Coolidge giám sát việc thắp sáng Cây thông Giáng sinh Quốc gia Mỹ đầu tiên. Một thập kỷ sau đó, New York thắp sáng cây thông Giáng sinh đầu tiên tại Rockefeller. Từ đó, hai cây thông được chiếu sáng hàng năm và trở thành truyền thống yêu thích của người dân.