Vị vua triều Nguyễn không được nhiều thần dân chấp nhận này là vua Đồng Khánh (trị vì 1885 - 1889), bởi lòng dân khi đó hướng cả về vua Hàm Nghi - biểu tượng của phong trào Cần Vương kháng Pháp.
Tháng 7.1884, vua Kiến Phúc đột ngột băng hà, ngày 2.8.1884, triều Nguyễn tôn em của vua Kiến Phúc là Nguyễn Phúc Ưng Lịch lên nối ngôi, đặt niên hiệu là Hàm Nghi. Thông thường, vua mới lên ngôi vào nửa cuối năm thì đầu năm mới (1885) mới tính là năm Hàm Nghi thứ nhất (Hàm Nghi nguyên niên).
Dụ Cần Vương của vua Hàm Nghi (được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia)
Rạng ngày 6.7.1885 (tháng 5, năm Hàm Nghi thứ nhất), quân triều đình tấn công phủ đầu Pháp ở đồn Mang Cá, tuy nhiên cuộc tấn công thất bại. Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị, rồi rút lên vùng rừng núi phía Tây Quảng Bình, ban dụ Cần Vương, tổ chức kháng chiến.
*Triều Nguyễn phá lệ với niên hiệu Đồng Khánh Ất Dậu
Sau khi vua Hàm Nghi rời kinh thành lên chiến khu Tân Sở tổ chức kháng chiến, Pháp bèn dựng lên một người làm Giám quốc. Sách Đại Nam thực lục (tập 9, Đệ lục kỷ, Quyển 1) chép: “Bấy giờ chỉ còn Nguyễn Văn Tường lưu ở ở Kinh […] rồi xin cho Thọ Xuân vương là Miên Định tạm coi việc nước” – ông Nguyễn Phúc Miên Định là con vua Minh Mạng (vai ông của vua Hàm Nghi) khi đó 75 tuổi, là người đứng đầu Tông nhơn phủ - theo Nguyễn Phúc tộc thế phả.
Vua Hàm Nghi lúc mới lên ngôi
Mặt khác, người Pháp gây sức ép với bà Thái hoàng Thái hậu Từ Dũ (bà nội vua Hàm Nghi) để phế truất nhà vua, và ngày 19.9.1885 lập anh ruột của vua Hàm Nghi là Nguyễn Phúc Ưng Đường lên ngôi, tức vua Đồng Khánh.
Theo lệ thường thì từ đầu năm 1886 mới tính là năm Đồng Khánh thứ nhất (Đồng Khánh nguyên niên), nhưng từ khi vua Hàm Nghi lên rừng ban dụ Cần Vương kêu gọi kháng chiến, nhân dân khắp nơi hưởng ứng mạnh mẽ, nên Pháp tiếp tục gây áp lực lên triều đình Huế để dùng niên hiệu Đồng Khánh trên các công văn giấy tờ ngay từ năm 1885. Đại Nam thực lục chép tiếp: “Năm Ất Dậu, Hàm Nghi nguyên niên [1885], mùa thu, tháng 8 (tháng ấy và tháng 9 sau vẫn chép niên hiệu Hàm Nghi. Từ mồng 1 tháng 10 trở về sau, đổi làm năm Đồng Khánh, Ất Dậu)…” – phần còn lại của năm 1885 dùng niên hiệu Đồng Khánh Ất Dậu để phân biệt với năm Đồng Khánh thứ nhất bắt đầu từ năm 1886.
Như vậy về mặt giấy tờ của triều Nguyễn, vua Hàm Nghi chỉ làm vua trong khoảng thời gian gần 1 năm (từ tháng 8.1884 đến tháng 7.1885), và trên các giấy tờ về thời kỳ trị vì của nhà vua chỉ có “Hàm Nghi nguyên niên”. Tuy nhiên trên thực tế, mặc dù Pháp đã dựng vua Đồng Khánh lên ngôi, nhưng lòng dân trong nước nhiều nơi vẫn hướng về vua Hàm Nghi đang là biểu tượng của phong trào Cần Vương chống Pháp.
*Các sĩ tử công khai không công nhận vua Đồng Khánh
Trong bài viết Khảo sát một tài liệu lịch sử quý giá – có hay không niên hiệu “Hàm Nghi năm thứ VI”ởTập san Sử Địa số 26 (tháng 1 - 3 năm 1974), tác giả Nguyễn Quang Tô cho biết: “Theo thể lệ ngày xưa cứ mỗi 3 năm thì mở một khoa thi Hương ở các trường tỉnh, vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu.
Năm Ất Dậu (1885) chính là năm có khoa thi, nhưng vì Kinh thành có biến động, vua Hàm Nghi phải xuất bôn, nên khoa thi năm đó phải bỏ, như trường hợp ở trường Nghệ - Tĩnh…
Qua năm Đồng Khánh nhị niên (1886) triều Đồng Khánh mới cho tổ chức thi lại, gọi là ân khoa. Trong khoa thi Hương này tại trường thi Hương Nghệ - Tĩnh một số đông sĩ tử khi viết ngày tháng (niên hiệu) vào quyển thi lại không viết “Đồng Khánh nhị niên” mà lại viết “Hàm Nghi tam niên”. Hiển nhiên chúng ta đều hiểu là số sĩ tử đó không công nhận Đồng Khánh là vua Việt Nam, mà theo lập trường quan điểm của họ, vua Hàm Nghi vẫn là vị vua duy nhất của thần dân Việt và hiển nhiên chẳng những họ bị hỏng thi, mà còn bị trị tội là “phản loạn”…”
Nguyên văn tài liệu ghi “Hàm Nghi lục niên” trong Tập san Sử Địa số 26
Chỗ này có thể tác giả có chút nhầm lẫn, vì theo lý giải ở phía trên, năm 1886 mới được tính là Đồng Khánh nguyên niên, và nếu tính theo niên hiệu Hàm Nghi thì cũng mới là Hàm Nghi nhị niên. Việc này, sách Đại Nam thực lục (tập 9, Đệ lục kỷ, quyển IV) cũng chép: Thực lục về Cảnh Tông Thuần hoàng đế. Bính Tuất, Đồng Khánh năm thứ nhất [1886].
Cũng trong bài viết đã nêu trong Tập san Sử Địa số 26, tác giả Nguyễn Quang Tô còn đưa ra ảnh chụp nguyên bản của một văn bằng được cấp tại Bắc kỳ có ghi năm cấp là “Hàm Nghi lục niên” (năm Hàm Nghi thứ 6).
Vua Đồng Khánh
Theo chú giải của tác giả, đây là đạo bằng được cấp bởi sĩ quan Cần Vương, nên việc dùng niên hiệu của vua Hàm Nghi - thủ lĩnh tinh thần của phong trào Cần Vương là điều dễ hiểu, nhưng “Hàm Nghi lục niên” phải ở vào khoảng năm 1889 - 1890. Tuy nhiên cuối tháng 12.1888, vua Hàm Nghi đã bị Pháp đày sang Bắc Phi, tức là cả khi nhà vua đã bị đi đày biệt xứ, triều Nguyễn đã lập đến vị vua thứ hai thay ông (tháng 1.1889 vua Đồng Khánh cũng chết vì bệnh), các nghĩa sĩ Cần Vương vẫn coi vua Hàm Nghi là vị vua của nước Việt.
Theo Nam Hoa/Thanhnien.vn