VĂN HÓA

Viện Nghiên cứu Hán Nôm nói gì về việc mất 25 cuốn sách cổ quý hiếm

Mỹ Nhi • 28-12-2022 • Lượt xem: 870
Viện Nghiên cứu Hán Nôm nói gì về việc mất 25 cuốn sách cổ quý hiếm

Mới đây vào ngày 21/12, Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho biết đã bị thất lạc 25 quyển sách cổ quý và đang trong quá trình tiến hành rà soát, tìm kiếm lại. Theo đó, Viện cũng thông tin thêm nội dung của những quyển sách bị mất vẫn còn đầy đủ nhờ việc thực hiện scan, photocopy từ trước đó.

Thời điểm sách bị thất thoát được xác định vào khoảng 5 năm trở lại đây. Việc tìm kiếm bản gốc bị thất thoát vẫn đang được Viện đặt lên hàng đầu với tinh thần khẩn trương, phối hợp cùng các cơ quan chức năng để tiến hành điều tra, kiểm kê lại các sách trên giá một lần nữa để tránh tình trạng sách để nhằm kệ hoặc bị lẫn, rơi rớt trong không gian trưng giữ. Bên cạnh đó, Viện cũng tiến hành xác định giá trị nội dung của bản scan và trách nhiệm liên quan.

Theo chia sẻ của Ban quản lý Viện Nghiên cứu Hán Nôm, vào tháng 3 - 4/2020 cán bộ quản lý kho sách thông báo việc không tìm thấy sách ở một số vị trí trên giá theo quy định. Ban lãnh đạo đã có làm việc với cán bộ quản lý kho sách và tiến hành tìm giải pháp điều chỉnh quy trình quản lý sách để tránh thất thoát. Song, do tình hình dịch Covid căng thẳng nên công tác quản lý vẫn còn nhiều bất cập. Đến tháng 4/2022, trong điều kiện "bình thường mới" Viện đã cho kiểm kê toàn bộ kho sách Hán Nôm. 

Sau hơn ba tháng làm việc, bộ phận kiểm kê của Viện vào phiên họp Hội đồng Khoa học ngày 15/07 thông báo bị mất 29 quyển sách Hán Nôm. Song, gần một tháng sau quá trình tìm kiếm chỉ tìm thấy 4 quyển bị rơi trong khe giá sách, tức vẫn còn thiếu 25 quyển, trong đó có 3 quyển Toàn Việt Thi Lục thuộc ba bộ khác nhau của nhà bác học Lê Quý Đôn và Việt  m Thi Tập do nhà sử học Phan Phu Tiên cùng Thị ngự sử Chu Xa kế tục biên soạn. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian dài số sách thất lạc vẫn chưa được tìm thấy. Ngày 20/12, trước tình hình cấp thiết đó, ông Nguyễn Xuân Diện - Phó trưởng phòng Phòng Văn bản học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã có động thái chia sẻ thông tin vụ việc trên trang cá nhân thu hút đông đảo lượt tương tác và sự quan tâm của nhiều độc giả, nhà nghiên cứu. Ông Xuân Diện chia sẻ :"Tôi im lặng thời gian qua vì trông chờ Viện có phương thức xử lý đúng đắn, hợp lý. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được giải quyết nên tôi quyết định lên tiếng".

Toàn Việt Thi Lục là bộ sách với số lượng các bài thơ và tác giả khủng do Lê Quý Đôn biên soạn, hoàn thành năm 1786 để dâng vua Lê Hiển Tông đọc, gồm 2.303 bài thơ của 173 tác giả từ thế kỷ 10 đến 16. Đồng thời, đây cũng là bộ sách có số lượng văn bản còn lại lớn nhất với độ dài 11.000 trang bao gồm các tác phẩm nguyên bản và dị bản, trong đó có nhiều văn bản trước giờ chưa từng được biên dịch và công bố. Bộ sách hiện còn lại 11 bộ, Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam giữ 10 bộ và Hiệp hội Châu Á tại Paris, Pháp giữ 1 bộ. Về Việt  m Thi Tập, đây là tuyển tập thơ viết bằng chữ Hán gồm sáu quyển, 624 bài thơ của 119 nhà thơ từ thời Trần đến Lê sơ. Việc thất lạc hai tác phẩm này chính là một mất mát rất lớn cho văn hoá dân tộc. 

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cho hay, kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm là nơi được Nhà nước giao cho nhiệm vụ bảo vệ và gìn giữ tài sản quốc gia quý giá, kế thừa di sản của Viện Viễn Đông Bác cổ sưu tập đời trước. Mọi công tác của các cán bộ quản lý, nhà nghiên cứu, khách tham quan có nhu cầu tìm hiểu tài liệu Hán Nôm cổ chỉ được tiếp xúc với bản scan. Trường hợp đặc biệt để xác định chất liệu giấy, màu mực hay các nghiên cứu khác về tuổi sách, xác định niên đại ra đời phục vụ nghiên cứu lịch sử, văn hoá thì phải làm đơn trình Viện trưởng phê duyệt mới được phép xem bản chính.

Viện Nghiên cứu Hán Nôm là trung tâm trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, nơi có kho sách lưu giữ và bảo vệ hàng ngàn tư liệu, tài liệu, hiện vật, sách cổ Hán Nôm có giá trị lịch sử và văn hoá dân tộc vô cùng to lớn. Theo thống kê, kho sách đang bảo quản hơn 35.000 cuốn sách Hán Nôm và 65.000 thác bản văn bia đã có biên mục. Đồng thời, Viện từ lâu đã là nơi tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, phục chế, bảo quản, nhân bản, xuất bản các di sản Hán Nôm của quốc gia, nắm giữ vị trí quan trọng trong công cuộc bảo tồn và phát huy những tinh hoa văn hoá của cha ông ta ngày trước.