ĐỜI SỐNG

Việt Nam có cần xây thêm một SVĐ hiện đại?: Các SVĐ danh tiếng ở Đông Nam Á

DDVN • 13-09-2022 • Lượt xem: 250
Việt Nam có cần xây thêm một SVĐ hiện đại?: Các SVĐ danh tiếng ở Đông Nam Á

Dù được ví như vùng trũng của bóng đá thế giới, nhưng khu vực Đông Nam Á sở hữu nhiều sân vận động (SVĐ) quốc gia hiện đại với sức chứa rất lớn.

Những “ngôi sao” cũ và mới

Trong một cuộc thăm dò do LĐBĐ châu Á (AFC) thực hiện vào năm 2020, người hâm mộ đã chọn Gelora Bung Karno ở Jakarta (Indonesia) là SVĐ được yêu thích nhất Đông Nam Á. “Chảo lửa” Gelora Bung Karno được đánh giá tuyệt đẹp và là sân chính trong khu liên hợp thể thao cùng tên. Với sức chứa 80.000 người, sân này nổi tiếng là một trong những địa điểm thể thao sôi động và độc đáo nhất tại khu vực. Được chia thành 24 khu vực với khán đài trên và dưới, điểm đặc biệt của đấu trường này là mái thép hùng vĩ có hình tượng một chiếc nhẫn khổng lồ.


SVĐ Gelora Bung Karno ở Jakarta (Indonesia) đăng cai ASIAD 2018

Gelora Bung Karno chủ yếu được sử dụng cho bóng đá với mặt cỏ Zoysia nhưng cũng tổ chức hòa nhạc, các sự kiện tôn giáo, chính trị quy mô lớn. Được xây dựng để tổ chức ASIAD lần thứ 4 vào năm 1962, sân này được đặt theo tên vị tổng thống đầu tiên của Indonesia - Sukarno, và tiếp tục tổ chức một số giải bóng đá, trận đấu quốc tế cùng 3 giải vô địch điền kinh châu Á. Mới nhất, sân cũng được chọn cho ASIAD 2018. Ban đầu được xây dựng với sức chứa vượt quá 120.000 chỗ ngồi, việc cải tạo trước thềm VCK Asian Cup 2007 - được tổ chức trên 4 quốc gia Đông Nam Á - đã dẫn đến việc giảm bớt sức chứa.


Sân Morodok Techo (Campuchia) xây mới tuyệt đẹp với thiết kế như chiếc thuyền buồm

Tương tự Gelora Bung Karno, SVĐ quốc gia Malaysia Bukit Jalil cũng được ví như một “chảo lửa”. Sân này đã tổ chức một số trận đấu hấp dẫn của bóng đá Đông Nam Á cũng như Asian Cup 2007. Bukit Jalil có sức chứa hơn 87.000 người, nằm ở phía nam của Kuala Lumpur và là một phần của Khu liên hợp thể thao quốc gia Bukit Jalil, được xây dựng để tổ chức Đại hội thể thao Khối thịnh vượng chung 1998. Đây là SVĐ chính của tuyển Malaysia và cũng là nơi tổ chức nhiều trận đấu bóng đá đỉnh cao với sự tham gia của những “gã khổng lồ” Ngoại hạng Anh như Arsenal, Chelsea, Liverpool và M.U.

Chi phí xây dựng

SVĐ quốc gia Lào: khoảng 80 triệu USD

Morodok Techo (Campuchia): khoảng 160 triệu USD

Hassanal Bolkiah (Brunei): khoảng 70 triệu USD

SVĐ quốc gia Singapore: khoảng 1,3 tỉ USD.

SVĐ Rajamangala (Bangkok, Thái Lan) khánh thành năm 1998 trước thềm ASIAD lần thứ 13, là sân nhà của tuyển Thái Lan. Sân nằm trong Khu liên hợp thể thao Huamark - có sức chứa hơn 50.000 người và là một trong những sân được sử dụng cho Asian Cup 2007. Khu phức hợp này có một sân trong nhà sức chứa 6.500 người, một hồ bơi và nhiều cơ sở thể thao, đồng thời đây cũng là nơi đặt trụ sở của nhiều cơ quan và liên đoàn thể thao của Thái Lan. Khi không có bóng đá, sân này cũng được sử dụng cho các cuộc thi điền kinh và buổi hòa nhạc...

Sân Rajamangala ban đầu mở cửa với sức chứa 80.000 người, nhưng đã giảm trước Asian Cup 2007. Trước đó, một trong những trận đấu lớn nhất được tổ chức tại địa điểm này là lượt về chung kết AFC Champions League giữa BEC Tero Sasana (Thái Lan) và Al Ain (UAE) vào tháng 10.2003. Sân này cũng đã tổ chức giải U.23 châu Á 2020.


Sân Rajamangala của Thái Lan

Campuchia cũng vừa khánh thành SVĐ quốc gia Morodok Techo ở thủ đô Phnom Penh. Sân thuộc khu liên hợp thể thao cùng tên chính thức được khánh thành ngày 18.12.2021. Khu liên hợp này nằm ở Praek Ta Sek của H.Chroy Changvar trên diện tích 16,22 ha và sức chứa 70.000 chỗ ngồi, được thi công bởi Tổng công ty cơ khí - xây dựng nhà nước Trung Quốc từ tháng 4.2017. Khu liên hợp có hồ bơi đạt chuẩn Olympic, đường chạy, khu thể thao trong nhà, sân cricket, sân bóng đá...

Đầu năm nay, sân Morodok Techo được đưa vào danh sách 10 SVĐ hàng đầu thế giới bởi StadiumDB.com, một trang web trực tuyến trụ sở tại Ba Lan và là cơ quan hàng đầu thống kê về các SVĐ trên toàn cầu. Đây sẽ là địa điểm trọng tâm tổ chức SEA Games 32 vào tháng 5.2023 và ASEAN Para Games cùng năm, cũng như Đại hội thể thao trẻ châu Á lần thứ 5 vào năm 2029. Theo tờ The Phnom Penh Post, Morodok Techo được xây dựng với chi phí khoảng 160 triệu USD do Trung Quốc tài trợ. Đây là khoản tài trợ cơ sở hạ tầng lớn nhất từ trước đến nay của Bắc Kinh cho Campuchia và được ví là dự án trong chương trình “ngoại giao sân vận động” của Trung Quốc.

Sân Morodok Techo được thiết kế giống một chiếc thuyền buồm, các cấu trúc khác lấy ý tưởng dựa trên kỳ quan Angkor Wat. Morodok Techo là 1 trong 2 sân vận động đăng cai giải U.23 Đông Nam Á 2022 hồi tháng 2. Tại giải này, sân tổ chức 9 trận đấu, trong đó có trận chung kết mà U.23 Việt Nam đánh bại U.23 Thái Lan 1-0 để đăng quang.


SVĐ quốc gia Singapore như một tổ hợp thể thao đa dạng và vô cùng hiện đại

SVĐ quốc gia Singapore cũng được đánh giá là một trong những sân lớn, hiện đại ở châu Á. Đó là một sân đa năng ở Kallang, khánh thành ngày 30.6.2014. Sân được xây dựng trên địa điểm sân vận động quốc gia cũ, đã bị đóng cửa năm 2007 và phá bỏ năm 2010.

Sân mới có sức chứa 55.000 chỗ ngồi, là sân nhà của tuyển bóng đá quốc gia Singapore, và là trung tâm của dự án Singapore Sports Hub - một khu thể thao - giải trí kết hợp SVĐ trong nhà Singapore gần đó. Sân là một trong những nơi có cấu trúc mái vòm lớn nhất thế giới, có thiết kế thông gió tự nhiên với mái che di động và sở hữu các cấu hình cho bóng đá, bóng bầu dục, điền kinh và cricket. Sân này có mặt cỏ hỗn hợp (tự nhiên và nhân tạo), từng là địa điểm chính của SEA Games 2015, AFF Cup 2014, 2018, 2021.

Chi phí xây sân từ đâu?

Hầu hết các SVĐ quốc gia ở Đông Nam Á đều có nguồn đầu tư hoặc liên kết các đối tác trong và ngoài nước để khai thác. Theo tờ The Star, sân Bukit Jalil đang được tư nhân hóa trong việc nâng cấp thành Kuala Lumpur Sports City hiện đại với mức đầu tư 2 giai đoạn khoảng 355 triệu USD, trong đó có phần mái che. Malaysia Resources Corp Bhd được cho là tập đoàn sở hữu 85% cổ phần. Trong khi đó, sân Gelora Bung Karno của Indonesia được xây dựng từ ngân sách nhà nước. Chính phủ Indonesia đã nâng cấp cơ sở hạ tầng bao gồm việc cải tạo sân chính trong khu phức hợp Gelora Bung Karno, với chi phí hơn 52 triệu USD để đăng cai ASIAD 2018. Việc xây dựng đã hoàn thiện và khánh thành vào ngày 14.1.2018.


Sân cỏ nhân tạo Rizal Memorial ở Manila, Philippines

Trong khi đó, nguồn đầu tư các sân Rajamangala, Hassanal Bolkiah (Brunei), Rizal Memorial (Philippines) và Timor Leste cũng đều từ ngân sách nhà nước, trong khi chính phủ Singapore mới đây vừa chi trả khoảng 2,5 tỉ USD cho Singapore Sports Hub để lấy lại quyền sở hữu và điều hành sân quốc gia. Sân Morodok Techo, SVĐ quốc gia Lào (chi phí đầu tư gần 80 triệu USD) và Thuwunna (Myanmar) đều nhận được tiền đầu tư từ Trung Quốc trong các hợp đồng hợp tác hoặc cho vay có điều kiện trao đổi.

Sức chứa các sân

Gelora Bung Karno (Indonesia): 80.000 người

Bukit Jalil (Malaysia): hơn 87.000 người

Rajamangala (Thái Lan): hơn 50.000 người

Morodok Techo (Campuchia): 70.000 người

SVĐ quốc gia Singapore: 55.000 người

Rizal Memorial (Philippines): hơn 12.000 người

Thuwunna (Myanmar): 32.000 người

Hassanal Bolkiah (Brunei): 28.000 người

SVĐ quốc gia Timor Leste: 5.000 người

SVĐ quốc gia Lào: 25.000 người

Mỹ Đình (Việt Nam): hơn 40.000 người

Theo Tây Nguyên/Thanhnien.vn