Vào tối ngày 22/9 - 24/9 mới đây, buổi công diễn diễn về câu chuyện tình xuyên biên giới thế kỷ - vở Opera “Công nữ Anio" chính thức được tái hiện tại Nhà hát lớn Hà Nội. Đây không chỉ là một vở diễn mang ý nghĩa kỷ niệm về ngoại giao 50 năm giữa Việt Nam - Nhật Bản mà còn là biểu tượng của mối tình lịch sử hiếm có cách đây 400 năm giữa nàng công nữ đất Việt và chàng trai xứ sở mặt trời mọc.
Vở Opera “Công nữ Anio" được viết nên từ mối tình thơ mộng hoàn toàn có thật xảy ra vào khoảng đầu thế kỷ XVII giữa công nữ Ngọc Hoa xứ Đàng Trong (con gái nuôi chúa Nguyễn Phúc Nguyên) và thương nhân Nhật Bản - Araki Sotaro. Cho đến nay, câu chuyện độc đáo này vẫn được lưu truyền ở cả hai quốc gia.
Trên chiếc thuyền lênh đênh trên biển vào thế kỷ XVII, công nữ Ngọc Hoa và thương Nhân Araki Sotaro tình cờ gặp nhau và nhanh chóng phải lòng nhau. Tình cảm giữa họ ngày một sâu đậm sau 10 năm và phát triển đến giai đoạn nguyện ý kết thành phu thê. Năm 1619, Chúa Nguyễn vì cảm động trước tình cảm thắm thiết của đôi trẻ mà đồng ý ban hôn. Và công nữ Ngọc Hoa chính thức cùng chồng đến Nhật sinh sống.
Vì sở hữu tư chất thông minh, nàng nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống tại gia đình chồng, học ngôn ngữ và phong tục Nhật Bản. Ở Nhật, công nữ thường hay gọi chồng bằng hai tiếng thân thương “Anh ơi". Vô tình, người dân tại thị trấn Nagasaki lại nghe thành “Anio”. Từ đó, “Anio-san" trở thành cái tên thân mật mà người dân nơi đây dùng để gọi nàng.
Tại buổi công diễn vở “Công nữ Anio" là sự tham dự của dàn khách quý như Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Hoàng Thái tử và Công nương Nhật Bản… Công diễn lần đầu vào các ngày 22 - 24/9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, các buổi diễn đều kín chỗ ngồi. Được biết, vở Opera do chính Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam phối hợp thực hiện cùng Ban điều hành “Công nữ Anio" (Brain Group, Công ty TNHH Âm nhạc Yamaha Việt Nam, Hiệp hội Xúc tiến giao lưu quốc tế NPO).
Bên cạnh đó là góp mặt diễn xuất từ đội ngũ các gương mặt nghệ sĩ có tiếng đến từ hai quốc gia. Tựa như chiếc thuyền xuyên không, vở diễn đưa người xem ngược dòng về quá khứ, hồi tưởng về một câu chuyện tình yêu đẹp qua những thanh âm, nhịp điệu và lời ca êm đềm kết hợp hoà quyện giữa tiếng Việt và tiếng Nhật từ giọng ca của Bùi Thị Trang, Đào Tố Loan (Việt Nam) và Kobori Yusuke, Yamamoto Kohei (Nhật Bản).
Không chỉ đơn thuần là một tác phẩm văn hóa nghệ thuật, “Công nữ Anio" còn là sự kiện văn hóa đối ngoai mang tính cộng hưởng, lưu truyền trong tương lai về nền tảng phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản, thắt chặt tình hữu nghị mối quan hệ song phương. Trong đó, thể hiện rõ nét về sự thấu hiểu và đồng cảm giữa người và người đã xuất hiện từ những năm xa xưa, chứ không chỉ gói gọn trong 50 năm. Từ đó, tạo nguồn cảm hứng vô tận, chủ đề sâu sắc cho nhiều tác phẩm nghệ thuật mãi trong những năm về sau.
Honna Tetsuji - tổng đạo diễn kiêm chỉ huy dàn nhạc cho vở Opera “Công nữ Anio”, nhạc trưởng chia sẻ: “Chúng tôi đã nỗ lực hết sức để tạo nên một tác phẩm được lưu truyền trong tương lai, suốt 50 năm hay 100 năm về sau. Hy vọng, tác phẩm sẽ góp phần vào sự phát triển nền âm nhạc hai quốc gia và thúc đẩy tình hữu nghị song phương”.
Đáng nói hơn, vở Opera được hai Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền ở hai nước đặc biệt khen ngợi và gửi gắm niềm tin. Ông Phạm Quang Hiệu - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Nhật Bản bày tỏ: “Với nội dung cốt truyện có ý nghĩa lịch sử sâu sắc, thông qua chất liệu âm nhạc hiện đại, hàn lâm; sự chuẩn bị chu đáo, chuyên nghiệp của Ban tổ chức, vở diễn Opera “Công nữ “Anio” sẽ là một tác phẩm nghệ thuật ghi dấu ấn mạnh mẽ trong đời sống âm nhạc hai nước.” Còn đối với ông Yamada Takio - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, đây đích thị là cầu nối thắt chặt tình đoàn kết giữa hai nước trong tương lai.