VĂN HÓA

Virus Corona và sự khác biệt về tư duy giữa Đông và Tây

Trần Phụng Tiên Phuông • 23-03-2020 • Lượt xem: 1396
Virus Corona và sự khác biệt về tư duy giữa Đông và Tây

Dịch bệnh do virus Corona chủng mới gây ra đã làm đảo lộn cuộc sống và gây ảnh hưởng nặng nề về nhiều lĩnh vực, không chỉ đơn thuần về vấn đề sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới. Cây bút thường đặt các vấn đề khá sắc sảo Trần Phụng Tiên Phuông, cộng tác viên thân thiết của DDVN vừa gửi đến cho chúng tôi một bài dưới góc nhìn của một Kiến trúc sư. Trân trọng giới thiệu... 

Tin, bài liên quan:

Không gian sống xanh và cuộc hành trình tìm về thiên nhiên

Phát triển công trình xanh: Làm thế nào cho hiệu quả?

Khi tôi viết bài này, cuộc chiến chống dịch bệnh vẫn đang diễn ra và chưa biết chính xác thời gian kết thúc, dù vẫn có một số tín hiệu lạc quan… Bên cạnh những yếu tố đơn thuần về chuyên môn của ngành y tế, trong quá trình chống chọi với sự hoành hành của dịch bệnh, những khác biệt về tư duy của người phương Đông và phương Tây cũng dần dần được hé lộ với nhiều điều thú vị…

Từ những chiếc khẩu trang của người châu Á...

Cái mà người châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng đổ xô đi lùng sục khi dịch bệnh nổ ra đó là cái khẩu trang! Từ một vật dụng rẻ bèo vứt xó chẳng ai thèm quan tâm, bỗng chốc khẩu trang trở thành mặt hàng khan hiếm đắt đỏ không thể ngờ được! Các tiệm tạp hóa, nhà thuốc Tây, siêu thị đều cháy hàng… Các thương lái tranh thủ trữ hàng để đầu cơ nâng giá tạo nên sự hỗn loạn trên thị trường gây tác động xấu đến môi trường xã hội…

Nhưng có một điều lạ là người phương Tây đa phần lại không đeo khẩu trang với một lập luận rất đơn giản là họ đang khỏe thì việc gì phải đeo khẩu trang, họ chỉ đeo khi nào mắc bệnh mà thôi! Thậm chí, họ còn tổ chức cả đại nhạc hội với hàng ngàn người tham dự và tất nhiên là không cần đến khẩu trang… Nhiều người trong chúng ta đang nghĩ rằng họ khùng, họ điên, họ sống thiếu trách nhiệm với cộng đồng…

Nhưng dường như sự việc không đơn giản như thế! Họ là những con người đến từ thế giới văn minh, đến từ những nước tiến bộ, phát triển đi trước chúng ta cả trăm năm thì đừng vội nghĩ rằng họ "ngu" hơn chúng ta… Vấn đề ở đây là sự thực dụng và tính hiệu quả…

Có ai dám cam đoan rằng đeo khẩu trang thì chắc chắn 100% là không bị nhiễm bệnh hay không ? Ngay cả Tổ chức Y tế Thế giới cũng không dám khẳng định điều đó! Người châu Á chúng ta thì hay suy nghĩ theo hướng an toàn rằng đeo khẩu trang cho nó yên tâm, có còn hơn không, bảo vệ được chút nào hay chút đó… Nhưng tư duy của người phương Tây thì khác hoàn toàn. Không có chuyện làm cho có, làm cầu may, làm cũng được mà không làm cũng chẳng sao …

Đối với họ, khi đã làm thì phải hiệu quả, còn nếu không chắc chắn hiệu quả thì tốt nhất là không làm! Họ cần có cơ sở rõ ràng chứ không thể sống bằng niềm tin.

Với tư duy đó, họ rất tự tin khi không đeo khẩu trang và sẵn sàng chấp nhận nhiễm bệnh vì cho dù có đeo khẩu trang thì cũng không thể chắc chắn 100% là tránh được bệnh! Và cứ thế họ vô tư tận hưởng cuộc sống cũng như sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro từ dịch bệnh nếu không may mắc phải.

Trong khi người châu Á chúng ta vừa đeo khẩu trang kín mít, vừa hạn chế đi ra đường, vừa không dám gặp gỡ bất kỳ ai nhưng trong lòng vẫn cứ nơm nớp lo sợ mình sẽ bị nhiễm bệnh bất cứ lúc nào…

Và như thế cuộc sống chẳng khác gì địa ngục!!!

Đeo khẩu trang đề phòng lây nhiễm nCoV mặc dù cách nhìn nhận vẫn còn khác nhau (Ảnh tư liệu) 

Đến những cuộn giấy vệ sinh của người Mỹ...

Trong thời gian diễn ra dịch bệnh, có một điều làm người châu Á hết sức ngạc nhiên là người phương Tây, đặc biệt là người Mỹ lại đổ xô đi thu gom giấy vệ sinh về nhà tích trữ!!? Câu hỏi đặt ra là người ta ùn ùn đi mua giấy vệ sinh thật nhiều về để làm gì? Phải chăng giấy vệ sinh có tác dụng đặc biệt gì để chống virus Corona??? Nhiều người còn phán rằng người ta mua giấy vệ sinh về để làm khẩu trang đeo chống dịch!!?

Câu trả lời thật đơn giản: người ta mua giấy vệ sinh về chỉ để lau chùi khi đi vệ sinh!!! Hoàn toàn không có mục đích gì khác hơn.

Lý do là vì ở bên Mỹ khi đi vệ sinh người ta lau chùi bằng giấy vệ sinh chứ không phải xịt nước rửa như ở Việt Nam và các nước châu Á khác. Ban đầu, nhiều người trong chúng ta sẽ nghĩ rằng người Mỹ văn minh mà sao ở dơ như thế, sao không chịu rửa bằng nước cho nó sạch???

Nhưng nếu nhìn vấn đề ở một khía cạnh khác – khía cạnh chuyên nghiệp – thì người Mỹ đã làm đúng vì họ sử dụng giấy vệ sinh đúng với chức năng của nó, trong khi người châu Á chúng ta lại sử dụng nguồn nước đã qua xử lý có thể uống được để rửa khi đi vệ sinh! Đây là việc sử dụng nước uống sai mục đích gây nên sự lãng phí nguồn nước sạch rất lớn.

Và có một điều khôi hài khác là người Việt Nam chúng ta lại sử dụng sai mục đích của giấy vệ sinh (toilet paper), sử dụng giấy vệ sinh để lau miệng, lau mặt thay cho khăn giấy chuyên dụng để lau mặt (tissue)!!! Hiện tại, chúng ta đã quá quen với việc chùi rửa khi đi vệ sinh bằng nước uống hoặc thậm chí lau chùi nhà cửa cũng bằng nước uống vì chúng ta nghĩ rằng nguồn tài nguyên nước do Mẹ thiên nhiên ban tặng là vô tận, không bao giờ hết… Đó là một suy nghĩ hết sức sai lầm!

Thiếu nguồn nước đang là vấn đề nhức nhối ở đồng bằng sông Cửu Long (Ảnh tư liệu)

Hãy nhìn vào bài học nhãn tiền về việc thiếu nước ngọt đang xảy ra ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long gây nhức nhối trong dư luận. Khi những người bạn “láng giềng tốt” của chúng ta xây đập thủy điện ở thượng nguồn ngăn dòng chảy của sông Mekong thì các nước ở hạ nguồn như Việt Nam chúng ta sẽ lãnh hậu quả vì thiếu nước ngọt. Và cứ thế, nước mặn từ ngoài biển xâm nhập vào làm tăng độ mặn của nước lên mức báo động, gây thiệt hại mùa màng cho bà con nông dân nhưng quan trọng nhất là người dân đã mất đi nguồn nước ngọt để uống và sinh hoạt!!! Bao nhiêu xe nước thậm chí là tàu chở nước từ các tỉnh lân cận được chở về để giải cứu cho bà con miền Tây nhưng vấn đề là giải cứu đến bao giờ và hậu quả tồi tệ của việc thiếu nước ngọt ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là vô cùng nghiêm trọng!

Trong khi đó, ở thành thị chúng ta lại sử dụng nguồn nước ngọt để rửa khi đi vệ sinh! Nếu chúng ta ý thức được rằng nguồn nước đó đã được xử lý và có thể uống được thì mới thấy mỗi ngày cả thế giới đã đổ bỏ hàng triệu m3 nước uống cho mục đích rửa vệ sinh! Do sử dụng sai mục đích mà chúng ta đã phí phạm nguồn tài nguyên nước không hề nhỏ.

Vì thế, có một hạng mục trong các tiêu chí về công trình xanh mà cả thế giới đang cổ xúy là sử dụng hệ thống xử lý nước thải tại nhà để tái tạo nguồn nước bẩn qua tắm rửa để sử dụng làm nước rửa khi đi vệ sinh, nước xả bồn cầu, nước lau chùi nhà cửa…

Hãy nghĩ cho tương lai!

Bài viết này không nhằm mục đích kết luận tư duy nào đúng tư duy nào sai hoặc ở thời điểm này thì tư duy này đúng, ở thời điểm kia thì tư duy kia đúng… Mục đích của người viết chỉ nhằm phân tích sự khác biệt của 2 kiểu tư duy để mọi người có thêm một góc nhìn khác suy ngẫm…

Nhưng dù là tư duy theo kiểu nào, truyền thống phương Đông hay thực dụng phương Tây thì chúng ta cũng nên hướng về một cuộc sống bền vững cho tương lai của cả nhân loại trên Trái Đất…

Muốn thế thì tiêu chí công trình xanh, tiết kiệm và hiệu quả phải luôn được đặt lên hàng đầu. Có một điều khá khôi hài nhưng có thật đó là: người càng giàu có thì càng tiết kiệm, người càng nghèo khó thì càng phung phí!! Người giàu có đặc biệt là người phương Tây xài tiền rất kỹ với phương châm là tính hợp lý. Họ sẵn sàng bỏ ra 1 tỷ đồng cho 1 việc cần thiết nhưng cương quyết không chi dù chỉ 1 đồng cho những việc vô bổ…

Trong khi người Việt chúng ta lại hay có thói quen ăn xài vô tội vạ, sống không cần biết đến ngày mai, làm bao nhiêu ăn hết bấy nhiêu nên phải chăng đó là một trong những lý do mà dân ta làm mãi nhưng vẫn nghèo, nước ta thì bị các nước văn minh trên thế giới bỏ xa đến hàng chục, hàng trăm năm!??

KTS. Trần Phụng Tiên Phuông