ĐỜI SỐNG

Virus diệt ung thư, hy vọng mới cho nhân loại

Quỳnh Phương • 06-07-2022 • Lượt xem: 395
Virus diệt ung thư, hy vọng mới cho nhân loại

 

Ngày càng có nhiều loại virus được đưa vào thử nghiệm tiêu diệt các tế bào ác tính để điều trị bệnh ung thư.

Từ sự kiện kỳ lạ năm 1904, một người phụ nữ Ý mắc bệnh ung thư cổ tử cung được tiêm vắc xin phòng dại sau khi bị chó cắn, cô đã sống trong 8 năm mà không có ung thư, khối u lớn đã biến mất, các nhà khoa học bắt đầu quan tâm tới vấn đề virus diệt ung thư. Từ năm 1990, các nhà khoa học đã học cách sửa đổi gen của một số loại virus gây bệnh để tối ưu hóa khả năng chống ung thư của chúng, dựa trên liệu pháp miễn dịch và được gọi là liệu pháp virus oncolytic (OV).

Oncolytic lây nhiễm vào tế bào khối u, tạo ra các bản sao của chính nó cho đến khi tế bào này vỡ ra. Tế bào ung thư sắp chết sẽ giải phóng các vật liệu ví dụ như các yếu tố kích thích bạch cầu, kháng nguyên khối u, cho phép hệ thống miễn dịch nhận ra ung thư. Điều này có thể dẫn đến phản ứng miễn dịch chống lại các tế bào khối u lân cận (phản ứng cục bộ) hoặc tế bào khối u ở các bộ phận khác của cơ thể (phản ứng toàn thân). 

Đến nay, mới có duy nhất một virus được cấp phép để điều trị ung thư đó là Herpes biến đổi gen. Herpes là loại virus gây bệnh mụn rộp phổ biến trên thế giới. Năm 2015, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã phê duyệt virus Herpes biến đổi gen để điều trị dạng ung thư da nguy hiểm nhất (ung thư hắc tố giai đoạn cuối). 

Phương pháp điều trị này có tên Talimogene Laherparepvec (Imlygic®), hoặc T-VEC. Virus Herpes biến đổi gen. Viurs được tiêm vào các khối u để tạo ra một loại protein kích thích sản xuất các tế bào miễn dịch trong cơ thể và giảm nguy cơ gây ra bệnh mụn rộp.

Hóa trị liệu tấn công cả tế bào ung thư và các mô khỏe mạnh, trong khi liệu pháp miễn dịch này kích thích hệ thống miễn dịch của chính cơ thể tiêu diệt các tế bào ung thư nhưng tránh tấn công vào các tế bào khỏe mạnh.

Mới đây, một loại virus khác cũng đã được thử nghiệm trên người. Virus CF33-hNIS (Vaccinia) - một loại vi rút thủy đậu đã được biến đổi gen do Trung tâm Y tế Quốc gia City of Hope ở California, Mỹ phối hợp với Công ty Công nghệ Sinh học Imugene Limited phát triển. Khi đi vào cơ thể, Vaccinia sẽ lây lan từ tế bào ung thư này sang tế bào ung thư khác và tự tái tạo bên trong chúng. Cuối cùng, các tế bào ung thư sẽ vỡ ra và giải phóng hàng nghìn bản sao virus mới để kích thích hệ thống miễn dịch phản ứng và nhắm mục tiêu ung thư.

City of Hope và Imugene Limited đã tiêm Vaccinia cho bệnh nhân đầu tiên và đây là lần thử nghiệm đầu tiên trên người với loại thuốc này. Nếu thử nghiệm trên người thành công, Vaccinia sẽ tiếp tục được sử dụng cho nhiều bệnh nhân ung thư và hướng tới việc cấp phép để điều trị ung thư trên toàn thế giới.

Trước đó, một số loại virus cũng đã được thử nghiệm trên động vật nhưng chưa có bước tiến xa hơn. Virus bại liệt (Polio), Virus Zika, Virus Adeno, Virus Maraba, Virus Polinosa morbillorum, Virus bệnh Newcastle, Virus coxsackie, Virus Reo, Virus viêm miệng dạng mụn nước.

Theo Phó chủ tịch kiêm Trưởng bộ phận Miễn dịch - Ung thư tại Tập đoàn Dược phẩm Pfizer (Mỹ) - ông Chris Boshoff: “Liệu pháp miễn dịch là một trong những tiến bộ quan trọng nhất trong liệu pháp điều trị ung thư”. “Trong bức tranh toàn cảnh hơn về việc đánh bại ung thư, liệu pháp miễn dịch sẽ trở thành một trong những trụ cột của điều trị ung thư cùng với liệu pháp nhắm trúng đích, xạ trị, hóa trị, phẫu thuật và các phương pháp tiếp cận khác”.