VĂN HÓA

Xây dựng câu chuyện thương hiệu: Vũ khí tăng sức hút của doanh nghiệp

Cẩm Chi • 28-02-2023 • Lượt xem: 1124
Xây dựng câu chuyện thương hiệu: Vũ khí tăng sức hút của doanh nghiệp

Hàng ngàn công ty đóng cửa hàng năm không phải vì họ không có sản phẩm tuyệt vời mà bởi khách hàng tiềm năng không thể hiểu sản phẩm đó sẽ giúp cuộc sống của họ tốt hơn thế nào. Vì vậy, bạn nên tìm ra câu chuyện của khách hàng và đặt doanh nghiệp của mình chính giữa câu chuyện ấy.

Doanh nghiệp thường mắc sai lầm khi truyền thông

Chúng ta không chỉ chạy đua để rao bán sản phẩm trên thị trường mà còn phải chạy đua trong việc truyền đạt lý do tại sao khách hàng cần những sản phẩm đó trong cuộc đời của họ. Nếu không phân tích chặt chẽ từng yếu tố trong câu chuyện của khách hàng, họ sẽ cảm thấy chúng ta không quan tâm và chuyển sang tin dùng thương hiệu khác đã nỗ lực để kết nối với họ.

Đó là thất bại trong việc tập trung vào các khía cạnh giúp khách hàng sống sót và phát triển trong sản phẩm của họ. Khi chúng ta nói mãi về chuyện mình có nhà máy sản xuất lớn nhất, quy mô nhất, khách hàng sẽ không quan tâm. Bởi vì thông tin này không giúp họ ăn uống, tìm bạn đời, yêu đương, xây dựng cộng đồng của riêng mình, trải nghiệm ý nghĩa sống sâu sắc hơn.

Sai lầm tiếp theo là bạn khiến khách hàng mất quá nhiều thời gian, calo để hiểu được dịch vụ của mình. Bộ não của con người liên tục phân loại thông tin, sẽ loại bỏ hàng triệu dữ kiện không cần thiết hàng ngày. Thông điệp quá vòng vo sẽ chỉ khiến khách hàng bối rối khi tìm hiểu về thương hiệu của bạn.

Cuốn sách “Building a story brand” của Donald Miller đưa ra những lý do thuyết phục vì sao mỗi doanh nghiệp phải làm rõ thông điệp truyền thông đến khách hàng.

Vì vậy, việc truyền thông càng đơn giản và dễ đoán thì sẽ giúp bộ con người não xử lý và tiếp nhận thông tin dễ dàng. Do đó, chúng ta cần quan tâm tới các nhu cầu thực sự của khách hàng, theo như tháp nhu cầu Maslow. Tuy nhiên, việc chúng ta kể câu chuyện gì là rất quan trọng.

Vũ khí bí mật để phát triển kinh doanh

Khung câu chuyện thương hiệu – SB7 giúp doanh nghiệp tăng doanh thu nhờ thấu hiểu tâm lý khách hàng và truyền thông đơn giản. Khi chúng ta xác định các yếu tố của 1 câu chuyện liên quan đến thương hiệu của mình, chúng ta đang tạo ra 1 bản đồ để khách hàng theo dõi và bị thu hút bởi các sản phẩm, dịch vụ của chúng ta.

Những gì chúng ta nghĩ rằng mình đang nói với khách hàng và những gì khách hàng thực sự nghe là 2 điều khác nhau. Và khách hàng mua sắm không dựa vào những gì chúng ta nói mà dựa vào những gì chúng ta nghe. Đơn giản hơn bạn nên tìm ra câu chuyện của khách hàng và đặt mình chính giữa câu chuyện ấy.

Dẫn chứng tiêu biểu nhất chính là thương hiệu APPLE. Trước đây, họ thường sử dụng bài quảng cáo dài, thậm chí lên tới 8-9 trang trên các trang báo lớn kể chi tiết các tính năng kỹ thuật của chiếc máy tính. Thực chất đây là bài báo của gã mọt sách, nói về những điều mà không ai ngoài NASA quan tâm.

Apple nổi tiếng với câu chuyện thương hiệu và slogan đơn giản, súc tích, ấn tượng

Sau đó, họ thay đổi chiến lược truyền thông: tập trung vào khách hàng, rõ ràng và hấp dẫn trong cách truyền thông. Họ tung những chiến dịch quảng cáo chỉ dùng 2 từ trên tất cả các biển quảng cáo khắp nước Mỹ: Think Different (suy nghĩ khác). Họ đơn giản hơn, ngắn gọn, súc tích hơn khi ngừng đề cao chức năng của chiếc máy tính của mình. Họ xác định điều khách hàng mong muốn, thách thức họ gặp phải và cung cấp 1 công cụ họ có thể sử dụng để thể hiện bản thân.

Bản chất câu chuyện thương hiệu – SB7

Motip của một câu chuyện mà hầu như tất cả các ấn phẩm thương hiệu truyền thông hay 1 sản phẩm nghệ thuật đều có, đó chính là:  Một nhân vật, người muốn cái gì đó, gặp 1 vấn đề trước khi họ có thể đạt được điều đó. Vào thời điểm tuyệt vọng của họ, một người dẫn đường bước vào cuộc sống của họ, cho họ 1 kế hoạch và kêu gọi họ hành động. Hành động đó giúp họ tránh được thất bại và kết thúc bằng 1 thành công.

Đây cũng là cấu trúc của tất cả các bộ phim, vở kịch… mà bạn từng xem.

Câu chuyện thương hiệu là sự tổng hòa của nhiều yếu tố: nội dung, sáng tạo, cảm xúc, trải nghiệm, lan tỏa

Trước khi triển khai 7 điểm này, bạn cần trả lời được các câu hỏi quan trọng để câu chuyện giúp khách hàng kết nối: Người anh hùng muốn gì? Ai/cái gì là thế lực đối nghịch cản trở mong muốn của người anh hùng? Cuộc sống của người anh hùng sẽ thế nào nếu không nhận được những gì mình mong muốn?

Trong khi đó, việc bạn cần làm là giúp khách hàng tiềm năng trả lời 3 câu hỏi trong vòng 5s sau khi nhìn vào trang web và các ấn phẩm tiếp thị: Cty này cung cấp cái gì? Tại sao thứ đó có thể làm cho cuộc sống của tôi tốt hơn? Tôi cần phải làm gì để mua nó?

Các nguyên tắc của câu chuyện thương hiệu

Sau khi tìm được khung câu chuyện, bạn nên nhớ các nguyên tắc để tạo dựng được một câu chuyện ấn tượng, thu hút

  • Nhân vật chính: Khách hàng là người hùng, chứ không phải thương hiệu của bạn
  • Nảy sinh vấn đề: các công ty có xu hướng bán các giải pháp cho vấn đề bên ngoài, nhưng khách hàng lại mua giải pháp cho các vấn đề nội tại
  • Gặp gỡ người dẫn đường: khách hàng không tìm kiếm một người hùng khác, họ tìm kiếm 1 người dẫn đường. Bạn sẽ trở thành người dẫn đường, giải quyết vấn đề đáng tin cậy.
  • Người cho họ 1 kế hoạch: khách hàng tin tưởng 1 người dẫn đường có kế hoạch, mang lại lòng tin và cung cấp cho khách hàng con đường rõ ràng
  • Kêu gọi họ hành động: khách hàng sẽ không hành động trừ khi họ bị thách thức phải hành động
  • Giúp họ tránh khỏi thất bại: Hãy cho họ biết: tại sao tôi nên mua sản phẩm của bạn, giúp khách thấy rõ cái giá phải trả của việc không sử dụng dịch vụ của chúng ta.
  • Kết thúc câu chuyện với thành công: Hãy nói với khách hàng cuộc sống của họ sẽ tuyệt vời thế nào nếu họ mua dịch vụ hay sản phẩm của chúng ta. Và đưa ra tầm nhìn xa hơn về cuộc sống của khách hàng thay đổi tuyệt vời thế nào nếu họ tham gia vào sản phẩm dịch vụ của bạn.

Công thức này cũng làm nên thương hiệu tỷ đô ăn khách bậc nhất của các bom tấn Hollywood suốt nhiều thập kỷ qua, điển hình như seri phim của Marvel, Đấu trường sinh tử, Chiến tranh giữa các vì sao…

Thành công của chuỗi film siêu anh hùng Marvel được xây dựng theo khung câu chuyện thương hiệu SB7

Sau cùng, tác giả đưa ra các bước (ít tốn kém, và có thể free) hữu ích và chi tiết về để phát triển việc kinh doanh thông qua xây dựng thương hiệu:

  • Tạo ra một tuyên ngôn
  • Tạo ra nguồn thu hút khách hàng tiềm năng và thu thập địa chỉ email
  • Tạo ra chiến dịch gửi mail tự động
  • Thu thập và kể các câu chuyện về sự biến đổi
  • Tạo ra hệ thống mang lại các lời giới thiệu

Từ đó, mỗi doanh nghiệp cần chú trọng tạo ra câu chuyện thương hiệu với kế hoạch bài bản, sẽ giúp tăng tương tác, cảm tình từ khách hàng và giúp việc kinh doanh thuận lợi hơn. Trong đó, bạn chú ý xây dựng các kênh online như website, fanpage là cách bạn thuyết phục tới từng khách hàng một cách tối ưu và hiệu quả.