ĐỜI SỐNG

Xe ôm lớn tuổi - Nhọc nhằn mưu sinh giữa thời công nghệ

Nguyễn Nam • 18-05-2023 • Lượt xem: 2931
Xe ôm lớn tuổi - Nhọc nhằn mưu sinh giữa thời công nghệ

Cách đây hơn 10 năm, xe ôm truyền thống phủ khắp thành phố, đi đâu ở bến xe, ngã ba, ngã tư đều có một tốp xe ôm. Mọi người vẫy gọi, cười nói ồn ào cả góc phố mưu sinh. Giờ đây những cảnh như thế đã không còn, nhất là từ ngày có xe ôm công nghệ. Với sự cạnh tranh về giá cả, tiện lợi và lịch sự, xe ôm công nghệ đã chiếm lĩnh vị trí gần như tuyệt đối trong việc di chuyển của khách hàng, đặc biệt là khách hàng trẻ tuổi.

Bám nghề trong may rủi

Những tài xế chạy xe ôm truyền thống đã bỏ việc hoặc chuyển sang chạy xe ôm công nghệ, bởi sự ưu việc về nhiều mặt. Không cần phải bỏ công chèo kéo, giành khách, thu nhập ổn định, miễn chịu khó cày cuốc là được. Chỉ còn số ít những người bám trụ với nghề, nhưng ở họ cũng có những lý do rất đặc trưng. Chú Hoàng Quốc Toản, năm nay 67 tuổi, quê ở Tiền Giang cho biết: "Chú lái xe cũng hơn 20 năm rồi, nhưng lớn tuổi, chú không rành công nghệ, chỉ biết lái xe thôi, ai thương thì kêu chở, ngày chịu khó chạy cũng được trăm mấy chục ngàn". Chú kể tiếp: "Đợt nghỉ lễ 30/4 chú không về, nói thiệt vì chạy lễ đông khách kiếm được nhiều tiền hơn. Kiếm cũng được hơn hai trăm ngàn, bây giờ lớn tuổi kiếm tiền khó, chú tranh thủ lúc nào hay lúc đó".

Cũng đôi khi bắt gặp những tài xế trẻ tuổi, nhưng cũng vì lý do đặc biệt mà không chuyển qua xe ôm công nghệ. Như anh Đinh Phong Phú, 44 tuổi, quê ở Long An, nói: "Anh cũng nộp hồ sơ qua Grap, nhưng họ bắt làm bài kiểm tra thì anh bị rớt vì không biết chữ, khách nhắn thì anh biết họ nhắn gì nhưng mình không biết cách nhắn lại" anh ngậm ngùi nói. Giờ đây, khách hàng của anh Phú và chú Toản chủ yếu là những cô chú lớn tuổi, bản thân họ cũng không rành công nghệ. Phần lớn là trên 60, từ quê lên thăm con cháu hay đi khám chữa bệnh. Chú Toản nói: "Bây giờ lớp trẻ thì mình không bắt được, ở bến xe thì có đội xe ôm của bến, nào đội đó không bắt được thì mới đến mình, khách đi nhiều khi thấy thương chứ họ có nhiều sự lựa chọn". Còn anh Phú tâm sự: "Anh còn trẻ, nhưng chắc phải kiếm việc nào làm, chứ chạy ngày càng ế em, năm nay ế thì năm sau lại ế hơn". 

Nhiều chú bác lớn tuổi, không đủ điều kiện để chạy xe ôm công nghệ nên họ vẫn bám nghề cũ trong sự nhọc nhằn 

Chờ khách quen mỗi ngày

Trước cổng tòa nhà báo Sài Gòn Giải Phóng, số 432-438 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, mỗi sáng sớm thường xuất hiện hai chú xe ôm tuổi đã cao đứng chờ khách xuống từ những chuyến xe buýt. Vì đã quen với giờ và các chuyến đỗ, dừng ra sao nên vì thế cũng có nhiều khách quen thuộc nhớ các chú. Tất nhiên những xe ôm này cũng sẽ phải ghi nhớ khách quen nào, tới đâu, về đâu. Bởi thu nhập cố định của họ xoay quanh khách của những chuyến xe này. Chú H, một xe ôm quen thuộc của chị Mai, người mỗi ngày đều xuống từ tuyến xe 05 cho biết: "Mỗi ngày tôi đều chờ chị ấy xuống xe để chở tới chỗ làm cách đó 2 cây số. Ngoài ra cũng còn vài ba bà đi chăm con dâu ở bệnh viện Từ Dũ, vài bữa lại ghé, nhờ chở ra bến xe buýt khác".

Riêng với một số khách hàng lớn tuổi, không rành dùng công nghệ hay đặt xe ôm trên app, họ lại chuộng những bác xe ôm truyền thống như thế này. Vì chỉ cần vẫy tay là có người chở đi rồi, không phải lòng vòng đặt trên điện thoại, nhiều khi còn không biết đặt xong mình đã làm đúng chưa là tâm lý chung của nhiều người cao tuổi. Hơn nữa nhiều người không dùng điện thoại thông minh để tiện dụng cho thao tác này.

Một số khách hàng khác, trong đó có những người trẻ, họ lại thích đi xe ôm truyền thống vì giữa người chở và khách đã có những câu chuyện thân tình và quen thuộc, khiến họ cảm thấy yên tâm. Hơn nữa, nhiều người đi xe ôm của các chú bác này họ coi như là một sự hỗ trợ để người lao động bằng nghề này có thêm thu nhập.

Chạy theo công nghệ là việc rất khó khăn với xe ôm lớn tuổi

Cuộc sống mưu sinh của những xe ôm truyền thống bám nghề trước sự bùng nổ của công nghệ và đội ngũ những người chạy xe ôm công nghệ khiến họ cảm thấy lao đao. Dù biết thời thế phát triển hiện đại hơn, những người không theo kịp xu thế ắt bị tụt lại phía sau trong sự ngậm ngùi.

Có lẽ, sự thay đổi là điều hiển nhiên, mỗi ngành nghề sẽ bị đào thải nếu cái mới ưu việt hơn. Xe ôm truyền thống cũng vậy, đã có lúc đây từng là nét văn hóa của Sài Gòn, nhưng giờ đây, khi những người cuối cùng còn trụ với nghề, và cả khách hàng, đều đã qua 60 tuổi. Có thể chỉ năm, mười năm sau, xe ôm truyền thống chỉ là câu truyện kể trong người Sài Gòn ở lại.

Hình ảnh: Internet