VĂN HÓA

Xu hướng mới của nội thất Việt

Mạnh Tuấn • 26-04-2022 • Lượt xem: 319
Xu hướng mới của nội thất Việt

Trong nhiều năm trước đây, những thiết kế nặng nề siêu nhiều gỗ đã chiếm ưu thế trong nội thất Việt. Tuy nhiên, cùng với quá trình giao lưu văn hoá và những yêu cầu khắt khe từ các đối tác trong và ngoài nước, nội thất Việt đang dần hình thành một xu hướng thiết kế mới tinh tế hơn, chi tiết hơn và sử dụng nhiều chất liệu mới hơn. 

Những bước chập chững đầu tiên  

Nhà điêu khắc Đinh Công Đạt đã chia sẻ câu chuyện của ông về một lần làm sản phẩm cho đối tác nước ngoài. Lần đó ông đã làm những chiếc nhẫn dùng để quàng khăn, xỏ khăn rất đẹp. Tuy nhiên khi ông gửi cho đối tác thì nhận được câu trả lời rằng nhẫn nhẹ quá thì không nâng được tầm giá trị của sản phẩm.Vì vậy ông phải thêm đồng vào những chiếc nhẫn. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, bởi vì đồng thường được thêm kim loại khác để tạo hợp kim phù hợp cho chế tác. Nếu sử dụng không đúng có thể gây hại cho sức khỏe người dùng. Do đó, các đối tác yêu cầu ông Đạt phải cung cấp mẫu đồng gửi kèm và đảm bảo mẫu đồng đó không có chì.  

Hoạ sĩ Lê Thiết Cương cũng chia sẻ câu chuyện: Năm 2003, ông có làm một số mẫu ghế rồi lưu kho. Cách đây vài năm ông làm thêm một ít ghế nữa. Nhìn lại thiết kế cũ, ông nhận ra những chiếc ghế này cần được hàn thêm một miếng sắt nhỏ để gắn đệm cao su giúp ghế không làm xước gạch. 

Các đối tác nước ngoài luôn có những yêu cầu khắt khe nhất và đòi hỏi sản phẩm phải được làm với chất lượng tốt nhất có thể. Vì vậy người thiết kế nội thất cần chăm chút sản phẩm mình thật chi tiết. Trong đó cả việc dùng sản phẩm như thế nào, tính cách của người dùng ra sao cũng cần được tính toán kỹ lưỡng. Như vậy sẽ tránh sự thô kệch ngột ngạt cho ngôi nhà. 

Thổi hồn vào nội thất Việt 

Ông Lê Thiết Cương cho rằng muốn sản phẩm nội thất Việt đi xa thì sản phẩm cần phải chuyên chở được văn hóa Việt Nam. Ông cho một ví dụ đơn giản. Khi ông làm một cái bình thì có 2 làng nghề giúp là làng gốm Bát Tràng và làng sơn mài Phú Xuyên. Rồi ông lại vào làng nghề Phú Vinh để đặt làm hộp tre cho bình và dùng giấy dó để làm túi. Như vậy chỉ một sản phẩm mà bao hàm rất nhiều câu chuyện lịch sử - văn hoá. Muốn sản phẩm nội thất Việt vươn lên cần gắn sản phẩm với những câu chuyện.liên quan sản phẩm đó. Có như vậy thì không còn là bán những sản phẩm nội thất đơn thuần mà là bán những câu chuyện về sản phẩm. Điều đó mới tạo ra sự độc đáo của sản phẩm. 

Ông Đạt chia sẻ muốn thiết kế tốt thì người thiết kế cần phải am hiểu đời sống.Bởi vì đôi khi có những thiết kế rất đẹp nhưng lại không phù hợp với quan niệm dân gian hoặc phong tục. Do đó ông khuyến khich cần học hỏi những nghệ nhân xưa vừa có tay nghề điêu luyện vừa có những hiểu biết rất sâu về những quan niệm truyền thống xưa. Điều đó sẽ giúp sản phẩm càng ngày càng tốt hơn, tinh xảo hơn.