VĂN HÓA

Ý nghĩa của những loài hoa trong ngày Tết có thể bạn chưa biết

Minh Trung • 21-01-2023 • Lượt xem: 896
Ý nghĩa của những loài hoa trong ngày Tết có thể bạn chưa biết

Mỗi dịp Tết đến xuân về, người người nhà nhà dù cho có khó khăn hay sung túc cũng sẽ chọn cho mình những chậu hoa phù hợp để tô thêm sắc xuân trong nhà. Người Việt đều quan niệm rằng, có hoa là có Tết. Do đó, việc chưng các chậu hoa trong nhà cũng là cách rất riêng để thể hiện cá tính của người chơi hoa. Vậy ý nghĩa của các loài hoa được chưng trong dịp Tết thể hiện niềm mong mỏi gì của gia chủ, hay đơn giản chỉ là sự may mắn? 
 

Nhóm hoa cho sự may mắn  

Đầu tiên, không thể nhắc đến hoa mai, một đại diện cho những ngày xuân ở miền Nam. Bởi sự phát triển bền bỉ trong môi trường khắc nghiệt, sự thanh tao trong dáng dấp, và sự độc đáo trong số lượng của những cành hoa mà mai nghiễm nhiên chiếm một vị trí quan trọng trong lòng mỗi người dân miền Nam. Quan trọng nhất, mai là loài hoa thường nở đúng vào cuối tháng Chạp và đầu tháng Giêng, cũng trùng với dịp Tết. Dân gian quan niệm rằng, mai nhà ai nở càng nhiều cánh thì nhà đó càng đón nhiều may mắn. Đặc biệt, mai tứ quý hay mai bảy cánh rất được ưa chuộng cũng bởi người Việt tin rằng, đó là lộc mà không phải nhà nào cũng có được. Ngoài ra, hoa mai còn có một ý nghĩa sâu xa mà ít ai biết được. Đó là món quà của một người con gửi lại cho gia đình khi không thể trở về nhà kịp đoàn tụ trong ngày Tết. Hoa mai ngoài ý nghĩa may mắn thì cũng là món quà nhắc nhở mỗi người trong chúng ta hãy quay về đoàn tụ với gia đình trong những ngày cuối năm nữa. 

Nếu sắc vàng của hoa mai đại diện cho những ngày xuân ở miền Nam thì miền bắc được tô điểm với sắc hồng của hoa đào. Khác với sự rực rỡ của hoa mai, hoa đào như những cô thiếu nữ e ấp mà kín đáo tô điểm cho những ngày xuân vùng đất Bắc bộ. Sắc hồng từ hoa đào đại diện cho sự mong cầu hạnh phúc từ gia chủ, xua đuổi tà ma và mang lại luồng sinh khí dồi dào năng lượng để đón chào một năm mới bình an. 

Ngoài đại diện cho hai miền Nam Bắc trong dịp Tết cổ truyền, hoa ly cũng là một loại hoa được nhiều gia đình chọn để trang trí cho ngôi nhà của mình bởi vẻ ngoài sang trọng, mùi hương nhẹ nhàng và đa dạng mầu sắc, với trắng, đỏ, cam, vàng. Với hoa ly, người ta thường chọn những bông to và chưng chúng trong những chiếc chậu be bé để tạo điểm nhấn cho không gian phòng khách. Hoa ly có thể ở cùng với gia chủ trong khoảng thời gian khá lâu. Li đỏ tượng trưng cho sự may mắn, phú quý, cát tường. Ly trắng tượng trưng cho sự thanh tao, thuần khiết. Tuy nhiên, một số người tin vào một ý nghĩa khác của hoa ly nên tránh chưng chúng trong nhà. Đó là sự chia ly, và quan niệm này xuất phát từ cái tên Hán - Việt của nó. Cuối cùng, quyết định chưng hay không vẫn là niềm tin của mỗi gia đình. 

Hoa li đại diện cho sự may mắn

Đã nhắc đến may mắn, không thể không nhắc đến một loài hoa chỉ cần nghe tên là đã thấy tràn đầy niềm hi vọng, đó là cát tường. Với loài hoa này, chưa cần nói đến vẻ đẹp của nó, chính cái tên cát tường đã khiến nó không thể không có mặt trong mỗi gia đình vào dịp Tết. Trích từ từ  điển Hán - Việt, Cát (Kiết) nghĩa là tốt, tường nghĩa là phước lành hay điều lành. Chỉ với cách giải nghĩa đó, nghiễm nhiên, cát tường là đại diện cho sự cầu gì được nấy, phước lộc bao la. 

Nhóm hoa cho những mong ước về mặt tinh thần 

Phổ biến sau mai và đào không thể không kể đến hoa cúc. Với sắc vàng của mình, hoa cúc nghiễm nhiên chiếm được một vị trí quan trọng trong lòng người Việt bởi hương thơm nhẹ và sự thuận tiện trong việc chăm sóc.  Theo dân gian, hoa cúc đọc hơi giống với chữ phúc nên đây là loài hoa mang lại tài khí khi đặt trong nhà. Theo kinh nghiệm từ ông bà ta, cúc ở nơi càng sáng sủa, càng đem lại cho gia chủ nhiều phúc lộc, thịnh vượng cả năm. 

Cùng với họ nhà cúc, cúc vạn thọ cũng dần dần được nhiều người chọn chưng trong ngày Tết. Đúng với cái tên, cúc vạn thọ là niềm hi vọng về một sức khỏe dồi dào, gửi gắm lời chúc “sống lâu trăm tuổi” từ con cháu tới ông bà, và là niềm hi vọng cả gia đình luôn được trường thọ bên nhau. Hơn nữa, hương thơm từ loài hoa này không những dễ chịu mà còn có tác dụng xua đuổi côn trùng (ruồi muỗi), luôn giữ cho ngôi nhà thoáng mát trong dịp Tết. 

Ngoài ra, hoa huệ ta (hoa lay ơn) cũng được một số gia đình cắm trước bàn thờ gia tiên với ước mong sự phù hộ từ ông bà. Chữ huệ khiến nhiều người nghĩ đến từ ân huệ. Đây cũng là cách để con cháu thể hiện lòng chân thành và biết ơn đối với những bậc sinh thành, dù còn sống hay đã mất. 

Hoa lay ơn đại diện cho lòng biết ơn

Đã cầu chúc sự trường thọ cho ông bà, giờ là lúc cầu sự sinh sôi nảy nở cho những đôi trẻ. Không thể khác được, nụ tầm xuân là đại diện cho điều ước này. Với sắc xanh mơn mởn và sức sống toát ra từ những nụ hoa, tầm xuân là những hi vọng cho một cuộc sống con cháu đề  huề, phát triển toàn diện cả về mặt thể chất và tinh thần. 

Để tình yêu của gia đình luôn được khăng khít, hoa hồng là đại diện không thể thiếu trong mỗi dịp Tết. Ngoài ý nghĩa cầu chúc cho tình yêu ở các cặp đôi, hoa hồng cũng tượng trưng cho sự gắn bó, yêu thương giữa các thành viên trong gia đình. 

Nhóm hoa cho tiền tài, danh lợi 

Ngoài mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên, một loại quả mà những năm trở lại đây cũng không kém phần nổi bật trong mỗi dịp Tết đến xuân về là tắc, ngoài miền Bắc sẽ gọi là quất. Tuy chỉ là loại quả nhỏ nhắn, thường được ăn cùng với những món ăn vặt, tắc (quất) giờ đây nghiễm nhiên đứng chung với những loài hoa trong ngày đầu xuân năm mới. với những chùm quả xum xuê, quất đại diện cho sự đủ đầy, no ấm của gia chủ. Ngoài ra, sự phát âm bị lệch đi cũng là yếu tố cấu thành nên ý nghĩa của loại quả này. Tắc là sự đọc lệch đi của “tất” từ người miền Nam (đặc biệt là các tỉnh miền Tây và vùng duyên hải Nam Trung bộ), với ý nghĩa là hết mình. Do đó, tắc còn đại diện cho sự khởi đầu hanh thông. 

Đồng tiền là loài hoa với các bông to, nhiều mầu sắc cũng được một số gia chủ chọn chưng trong ngày đầu năm mới. Không khó khi ý nghĩa của loài hoa đã dính với cái tên của nó. Với hi vọng cho một cuộc sống đủ đầy về tài chính là tất cả gửi gắm mà gia chủ muốn nhắn gửi khi lựa chọn loài hoa này trong nhà. Ngoài hoa đồng tiền, hoa hải đường cũng mang một ý nghĩa tương tự. Chữ “đường” theo nghĩa Hán – Việt là nhà, tức hi vọng về một ngôi nhà to lớn, đủ đầy vật chất. 

Một số gia đình lựa chọn cây trạng nguyên để chưng trong dịp Tết nếu nhà có thành viên tham gia một kì thi trong năm đó. Đây là cách gửi gắm những lời chúc tốt đẹp nhất đến các sĩ tử, đồng thời cũng là một cách cầu may mắn từ các gia đình có thành viên chuẩn bị tham gia để vượt qua một cột mốc quan trọng. Đúng với cái tên, trạng nguyên là hi vọng cho một kết quả xứng đáng, niềm mong mỏi của gia đình. 

Mỗi loài hoa đều có những ý nghĩa và nét độc đáo rất riêng đằng sau nó. Tuy có mang nhiều ý nghĩa riêng, nhưng chung nhất, tất cả chúng đều đại diện cho cái đẹp, đại diện cho sức sống và là niềm vui của gia đình Việt Nam mỗi dịp Tết đến xuân về.