Duyên Dáng Việt Nam

10 câu nói quen miệng gây tổn thương cho trẻ bố mẹ nên tránh dùng

Kim Phượng • 04-08-2020 • Lượt xem: 1402
10 câu nói quen miệng gây tổn thương cho trẻ bố mẹ nên tránh dùng

Từng là một người con, bố mẹ là người hiểu rõ nhất những cử chỉ, lời nói của người lớn có sức ảnh hưởng như thế nào tới con trẻ. Đôi khi, câu cửa miệng của bố mẹ lại vô tình trở thành bàn tay xát muối vào trái tim con và gây cho trẻ những thương tổn nhất định.

Dưới đây là những lời nói thường làm con tổn thương mà bố mẹ ít nhiều chưa để ý.

1. “Nhìn con nhà người ta rồi xem lại mình đi”

So sánh với “con nhà người ta” là một trong những chuyện bố mẹ hay làm với con cái của mình. Xuất phát từ sự kỳ vọng vào con quá nhiều, bố mẹ vô tình tạo áp lực cho con, làm con cảm thấy ngột ngạt, căng thẳng.

Thay vì so sánh, bố mẹ nên quan sát, ghi nhận nỗ lực của con từng ngày. Từ đó, động viên con trong học tập, rèn luyện để giúp con từng bước cải thiện.

Bố mẹ có thể chia sẻ với con: ‘Bố/mẹ biết con đã cố gắng rất nhiều. Nỗ lực như vậy nhưng đôi khi sẽ có sai sót, thiếu may mắn trong khi thi. Con nên xem lại bài kiểm tra và hỏi thầy cô, bạn bè về lỗi sai. Biết chỗ sai, học lại và sửa sai thì bài thi sau của con có thể đạt điểm tốt hơn lần này nhiều đó”.

2. “Cái thứ như con không làm nên trò trống gì đâu”

Đây thường là câu nói tức giận của bố mẹ khi con làm một việc gì đó chưa đúng ý bản thân. Chẳng hạn, con có lý tưởng và đam mê khác với suy nghĩ của bố mẹ, con bị điểm thấp trong bài kiểm tra…

Câu nói này vô tình kích thích lòng tự tôn của con theo cả nghĩa tiêu cực lẫn tích cực. Nếu con bạn là một đứa trẻ chín chắn về suy nghĩ, sẽ tìm cách tạo dựng sự nghiệp để chứng tỏ bản thân. Ngược lại, nếu trẻ khá nhạy cảm về mặt cảm xúc thì thường sẽ rất dễ bị tủi thân và tổn thương, nhất là khi con đã cố gắng mà không đạt được thành công như mong đợi.

Bố mẹ có thể nói: “Bố mẹ tin vào sự lựa chọn và cố gắng của con cho hành trình sắp tới”.

3. “Con là con rơi, con rớt bố/mẹ nhặt từ thùng rác về”

Trong chương trình Thiếu niên nói của Trung Quốc, một cậu bé học tiểu học đã chất vấn mẹ giữa đám đông: “Rốt cuộc con có phải là con của mẹ hay không?”. Bởi vì, mẹ cậu thường hay nói cậu là đứa trẻ được nhặt từ trong thùng rác đem về nhà.

Thực chất, người mẹ thấy quần áo của con đi chơi về bị lấm bẩn nên mới trêu con như vậy. Chị không ngờ là con mình lại tin điều đó và vô tình làm tổn thương con.

Trẻ con trong độ tuổi 3 – 10 tuổi vốn rất ngây thơ, thường tin tưởng và dựa dẫm hoàn toàn vào bố mẹ. Các em không ý thức được lời nào là thật, lời nào là đùa. Bố mẹ dọa trẻ nếu không ngoan sẽ bị ông kẹ, ông ba bị lừa bắt đi. Hình ảnh ông kẹ, ông ba bị sẽ ám ảnh, đi vào giấc ngủ của bé mỗi khi bé gặp chuyện sợ hãi.

Thay vì dọa con, bố mẹ có thể nói: “ Con không nên để quần áo bị rây bẩn, con bố/ mẹ đã dễ thương thế này thì mặc quần áo sạch sẽ càng dễ thương hơn.”

4. “Học dốt thế này thì nhịn cơm,  ăn cho phí cơm ra”
Bố mẹ luôn kỳ vọng vào con quá nhiều trong chuyện học tập, đến nỗi đâm ra bực bội, cau có khi con bị điểm thấp. Những lời nặng nhẹ của bố mẹ khiến con cảm thấy không dễ chịu chút nào: “Con mình cũng cho ăn trắng, mặc trơn như con nhà người ta mà”; “Nhục nhã quá, cũng cơm ấy, gạo ấy, con người ta thi đâu đỗ đấy. Đằng này chỉ giỏi đua đòi, ăn diện. Không biết chúng tao còn dám ngẩng mặt lên với ai được nữa”.

Bố mẹ khuyên con nên chăm chỉ học hành, coi trọng tương lai con là điều đúng đắn. Nhưng bố mẹ nên mềm mỏng hơn với con để trẻ có động lực chăm chỉ học tập hơn: “Nếu bài kiểm tra Tiếng Anh lần này đạt điểm 9, bố mẹ sẽ mua cho một đôi giày mới.”

5. “Con cứ chơi với đám bạn không ra gì thì đừng có trách bố mẹ không nói trước”

Con kết bạn là chuyện bình thường, nhưng bố mẹ thường sẽ không tin vào mắt nhìn của con. Điều này dẫn đến việc bố mẹ sẽ hay hỏi han và can thiệp vào chuyện bạn bè của con: Bạn con học hành ra sao, gia cảnh thế nào?

Không thể phủ nhận tầm quan trọng của việc “chọn bạn mà chơi”. Nhưng đôi khi, con muốn có một người bạn phù hợp với tính cách và sở thích với con để dễ chia sẻ, hòa hợp hơn là một người bạn học giỏi trong lớp.

Điều bố mẹ nên dạy con là giúp con hiểu rõ thế nào là một tình bạn đúng nghĩa. Trong quá trình con kết bạn, con sẽ tự định hình chuẩn mực cho mình về hình tượng của một người bạn thân phù hợp với con nhất.

Bố mẹ có thể chia sẻ: “Tình bạn đúng đắn giữa hai người là họ phải biết chia sẻ chân thành và giúp đỡ nhau cả trong hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, con phải xác định con muốn kết bạn với một người như thế nào trước khi làm quen với người đó.”

6. “Cô/cậu lớn rồi, đủ lông đủ cánh rồi, xem lời tôi nói có ra gì đâu”

Có lẽ câu nói này của bố mẹ là làm cho con khó chịu nhất. Ở tuổi dậy thì, con sẽ có những quan niệm và chủ kiến của riêng mình. Đôi khi, những ý kiến của con đi ngược lại với ý muốn và suy nghĩ của bố mẹ. Điều này tạo nên sự mâu thuẫn giữa bố mẹ và con cái trong khi gặp vấn đề tranh cãi.

Nghe bố mẹ nói, mặt ngoài con trẻ tỏ vẻ “vâng, dạ”, nhưng trong lòng thì “la toáng lên”: Đâu phải lúc nào bố mẹ cũng đúng? Bố mẹ đâu có hiểu con? Tại sao bố mẹ lại không chịu dành thời gian lắng nghe và cân nhắc suy nghĩ của con nhỉ?

Vì vậy, bố mẹ nên cởi mở suy nghĩ hơn và tạo cơ hội cho con để bày tỏ ý kiến của mình: “Con hãy cho bố mẹ biết con nghĩ gì khi quyết định như thế này? Bố mẹ biết con luôn là đứa trẻ biết cân nhắc có chủ kiến cho mọi chuyện mà.”

7. “Học không lo học, suốt ngày mạng với mẽo”

Ngày nay, việc học của nhiều bạn trẻ không thể thiếu bóng dáng của chiếc máy tính hay điện thoại thông minh. Tuy nhiên, nhiều ông bố, bà mẹ cứ thấy con ngồi trước máy tính là cứ đinh ninh là con xem phim hay chơi game gì đó.

Bố mẹ có thể thử dò hỏi con: “Con đang bận gì à, bố mẹ thấy con ngồi máy tính suốt từ sáng giờ. Nhìn lâu như vậy không tốt cho mắt đâu. Con ra ngoài uống nước hay đi dạo gì đó để mắt thư giãn rồi làm tiếp nhé.”

8. “Mẹ không có thứ con như con!”

Sự phủ định này là một đòn giáng rất đau cho con trẻ, nhất là đối với những trẻ vốn yêu thương và tin tưởng ba mẹ hết mực. Lời này thường được bố mẹ nói ra trong lúc nóng giận vì lỗi lầm của con. Con phạm sai lầm nhưng bố mẹ là người đau nhất. Mắng nhiếc con, bố mẹ cũng là người cảm thấy đau đớn, khó chịu nhất.

Vì vậy, bố mẹ nên học cách kiềm chế, bình tĩnh khi gặp vấn đề với con và tạo cho con một chỗ dựa để cùng nhau giải quyết. Bố mẹ đã không ủng hộ mà còn khước từ, nỗi tổn thương tâm lý cho con có thể kéo dài mãi về sau này.

Thay vì nói như trên, bố mẹ có thể chia sẻ với con: “Dù thế nào thì con vẫn là con của bố mẹ, bố mẹ luôn ở đây giúp đỡ và là chỗ dựa của con. Mọi chuyện rồi cũng sẽ ổn hơn thôi con”

9. “Con có biết ba mẹ nuôi con ăn học cực khổ thế nào không?”

Bố mẹ hay kể công với con cái về sự vất vả trong việc mưu sinh, nuôi dạy trẻ. Khi nói lời này, họ muốn con của mình có thể thấu hiểu nỗi khổ của họ và cố gắng hơn. Tuy nhiên, không một đứa con nào chịu nổi lời nói này cứ lặp đi lặp lại bên tai trong nhiều ngày. Áp lực này có thể khiến con bị căng thẳng trong thời gian dài, nhất là khi con gặp chuyện hay làm một việc gì đó mà gây thất vọng cho bố mẹ.

Bố mẹ có thể tâm sự với con về nỗi lòng của mình nhưng đừng biến nó thành một gánh nặng cho con cái. Bố mẹ có thể chia sẻ rằng: “Bố mẹ vất vả nuôi con, chỉ mong con trưởng thành, vui vẻ. Bố mẹ tin tưởng, con sẽ không làm điều gì khiến bản thân phải nuối tiếc sau này.”

10. “Trẻ con không được cãi, người lớn nói sai cũng là đúng, nghe mà làm đi!”

“Bố mẹ thì hiểu gì chứ, bố mẹ chỉ được cái bảo thủ”. Đây là suy nghĩ của hầu hết đứa con khi nghe bố mẹ nói câu trên. Bố mẹ nên tôn trọng và tạo cơ hội để con bày tỏ chính kiến của mình, đồng thời suy xét về ý kiến của con. Bố mẹ muốn đồng hành cùng con thì trước hết hãy hiểu thế giới con đang sống và nhu cầu của con là gì.

Thay vì nói câu trên, bố mẹ hãy nói: “Người lớn không phải lúc nào cũng đúng, con có chủ kiến là tốt, nói cho bố mẹ ý kiến của con xem nào.”

“Lời nói chẳng mất tiền mua”, bố mẹ nên học cách kiềm chế cơn giận của bản thân và  “lựa lời mà nói” với con trẻ. Mỗi đứa trẻ trong độ tuổi đang trưởng thành đều có nhu cầu được lắng nghe, được thấu hiểu. Chính sự cởi mở lắng nghe và chia sẻ của bố mẹ sẽ tạo nên mối quan hệ gắn kết, bền vững giữa cha mẹ với con cái. Bố mẹ yêu thương con là chuyện nên làm nhưng yêu thương con đúng cách mới là điều con cần nhất.